Việt Hồng: Bò chết nông dân lao đao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/10/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Dự án chăn nuôi bò bán công nghiệp ở Trấn Yên (Yên Bái) được triển khai từ năm 2005. Nhìn chung, đàn bò thuộc dự án phát triển khá tốt, mang lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, đến nay đã có 29 con bò bị chết, riêng xã Việt Hồng trong vòng 4 tháng có 11 con trên tổng số 21 con bò của dự án đã bị chết...

Trong khi bò dự án chết thì bò giống địa phương của gia đình ông Hoàng Thăng Long vẫn phát triển tốt.
Trong khi bò dự án chết thì bò giống địa phương của gia đình ông Hoàng Thăng Long vẫn phát triển tốt.

Tháng 10/2006, ông Nguyễn Đức Tính ở Bản Chao, xã Việt Hồng vui mừng khi mua được 5 con bò lai béo mập, lông vàng mượt ở xã Quân Khê, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ (số bò này ông được tỉnh hỗ trợ 6 triệu đồng). Để có được những chú bò lai đẹp, ông Tính đã phải thế chấp cả gia tài với ngân hàng để vay được 20 triệu đồng, với niềm tin chỉ 2-3 năm sau gia đình sẽ giầu có.

Niềm vui chưa thấy đâu thì ngày 5/4/2007, một con trong đàn bò sốt cao, chảy nước miếng, chảy máu ở mồm và hậu môn, không ăn cỏ, muối và cháo cũng không ăn. Sau khi phát hiện bò có biểu hiện bệnh, ông Tính đã báo ngay cho xã và Trạm Thú y huyện, nhưng không nhận được sự giúp đỡ nào. Ngày hôm sau, 6/4/2007 chú bò mắc bệnh chết. Hoảng quá, ông Tính tiếp tục báo Trạm Thú y huyện. 15 giờ cùng ngày, anh Nguyễn Huy Dương - cán bộ thú y huyện có mặt để làm biên bản xác nhận. Ông Tính cho biết: “Ngày 6/4, cán bộ Dương sau khi kiểm tra triệu chứng thì có nói bò của tôi chết là do mắc bệnh tụ huyết trùng và phải tiêu huỷ”.

Tuy nhiên, theo biên bản kiểm tra công tác thú y ngày 6/4/2007, thì lại kết luận: bò chết có biểu hiện viêm phổi cấp tính. Khi được hỏi, tại sao lại có sự khập khiễng trên, thì ông Tính giải thích: “Hôm đó anh Dương nói, nếu lập biên bản đúng bệnh tụ huyết trùng thì buộc phải chôn, còn nếu kết luận bò chết do viêm phổi cấp tính ông được phép mổ bán thịt”! Vì tiếc của, ông Tính đã ký vào biên bản theo gợi ý của anh Dương và đã mổ bán cho bà con dân bản, thu được 800 ngàn đồng.

Sau sự việc, ngày 6/4, Trạm Thú y huyện không thực hiện biện pháp nào để phòng dịch cho đàn bò của ông Tính và gia đình ông cũng không thực hiện các biện pháp tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại. Chính vì vậy, 2 tuần sau đàn bò của ông tiếp tục chết thêm một con nữa. Lúc này, sau nhiều lần báo với Trạm Thú y huyện mà vẫn không nhận được sự giúp đỡ, ông Tính mới bỏ tiền mời một cán bộ thú y huyện Văn Chấn đến khám, chữa và vệ sinh chuồng trại, nhờ vậy mà ông mới giữ được số bò còn lại.

Trường hợp của ông Hoàng Thăng Long ở Bản Vần còn bi đát hơn do cả 5 con bò mua được đều đã chết. Sau khi biết về dự án chăn nuôi bò bán công nghiệp, ông Long đã bán ba con bò giống địa phương trong đàn bò 12 con của gia đình và vay ngân hàng 20 triệu để mua 5 con bò lai với mong muốn cải tạo đàn bò gia đình.

Thời gian đầu, đàn bò phát triển rất tốt nhưng đến ngày 1/2/2007, ông phát hiện đàn bò có 3 con biểu hiện kém ăn, người nóng. Ông báo ngay cho Trạm Thú y huyện, sau đó khoảng 2 tiếng, cán bộ thú y Nguyễn Huy Dương có mặt, khám và xác định bò của ông mắc bệnh tụ huyết trùng, đồng thời, thực hiện tiêm vắc-xin cho đàn bò. Nhưng chỉ sau đó 1 giờ thì cả 3 con lăn ra chết. Trạm Thú y huyện đã làm biên bản xác nhận bò chết do mắc bệnh tụ huyết trùng. Khác với trường hợp của ông Tính, mặc dù sau khi 3 con bò chết, ông Long đã thực hiện tiêm phòng theo hướng dẫn của Trạm Thú y nhưng sau đó hai tuần, vẫn có 2 con nữa chết.

Được biết, trong số bò mua tại xã Quân Khê, Hạ Hoà, Phú thọ còn 4 con nữa đã chết. Đó là đàn bò của ông Nguyễn Xuân Đàng, Bản Nả chết 3 con, đàn bò của bà Nguyễn Thị Hoạch chết 1 con. Như vậy, trong tổng số 21 con thuộc dự án chăn nuôi bò bán công nghiệp của xã Việt Hồng thì đã chết 11 con. Một điều đáng nói, là toàn bộ số bò này do Ban quản lý dự án huyện, đại diện thú y huyện, xã và gia đình cùng đi mua ở Phú Thọ và có đầy đủ các giấy tờ xác nhận kiểm dịch, tiêm phòng của Chi cục Thú y Phú Thọ(!?) 

Việt Hồng là xã vùng 3, chính vì vậy, kinh phí tiêm vắc xin phòng chống dịch tụ huyết trùng được hỗ trợ miễn phí 100%. Tuy nhiên, khi xảy ra dịch thì đàn bò đã không được tiêm phòng kịp thời. Qua sự việc bò chết tại xã Việt Hồng, cho thấy, sự chỉ đạo không đồng bộ và thiếu trách nhiệm của Trạm Thú y huyện trong quá trình chẩn đoán và chữa bệnh cho số bò này.

 Ông Nguyễn Ngọc Thanh - Trạm trưởng Trạm Thú y Trấn Yên thì khẳng định: “Huyện Trấn Yên trong 10 năm trở lại đây không có dịch bệnh tụ huyết trùng!”. Nhưng khi chúng tôi nêu ra sự việc tại xã Việt Hồng thì ông Thanh không giải thích được lý do tại sao không thực hiện các biện pháp phòng dịch tại xã. Tuy nhiên, việc để dịch lan rộng cũng có phần trách nhiệm của chính người chăn nuôi, vì xót của người dân đã không tuân thủ quy định nghiêm ngặt trong phòng chống dịch bệnh, đây cũng là bài học xương máu cho chính họ.

Anh Dũng

Các tin khác
Ảnh minh hoạ.

YBĐT - Đại Minh là xã vùng hạ huyện Yên Bình (Yên Bái), không chỉ có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp mà xã còn có tiềm năng trong phát triển kinh tế đồi rừng, trong đó trồng bưởi là cây chủ đạo.

Lãnh đạo Thanh tra tỉnh chỉ đạo công tác thanh tra theo kế hoạch. (Ảnh P.V)

YBĐT - Minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức là một trong những biện pháp quan trọng nhằm kiểm soát, đánh giá tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng.

Nguồn vốn ngân hàng đầu tư trồng rừng đầu nguồn và khai hoang ruộng nước ở Mù Cang Chải.

YBĐT - Trong sản xuất kinh doanh và xoá đói giảm nghèo, vốn là yếu tố vô cùng quan trọng, là điều kiện cần thiết tạo nên hiệu quả của các hoạt động kinh tế. Đối với huyện vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn như Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, nhu cầu về vốn của các hộ nông dân và các đơn vị sản xuất kinh doanh là rất cần thiết.

Rừng đầu nguồn ở Khau Phạ - Mù Cang Chải.

YBĐT - Xã Cao Phạ huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có tổng diện tích tự nhiên gần 89.000 ha, những năm 1987-1988, rừng chiếm đến 2/3 tổng diện tích.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục