Trạm Tấu: Tăng cường phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/12/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Huyện Trạm Tấu có diện tích đất tự nhiên là 74.333 ha, trong đó đất lâm nghiệp 58.407 ha, chiếm 78,6%. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Nhà nước, mỗi năm huyện được đầu tư trồng mới từ 700 đến 1000 ha rừng, khoanh nuôi mới hàng nghìn ha. Do đó, diện tích đất có rừng trên địa bàn toàn huyện đạt 38.237 ha.

Tuy nhiên, do đặc thù của một huyện vùng cao, địa hình phức tạp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tập quán canh tác lạc hậu, tình trạng đốt nương làm rẫy, đốt rừng lau lách cho cỏ chồi làm bãi chăn thả gia súc còn diễn ra phổ biến.

Đặc biệt, thời tiết khô hanh kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau nên tình trạng cháy rừng vẫn xảy ra, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội và tài nguyên môi trường. Vụ khô hanh năm 2006-2007, trên địa bàn toàn huyện đã để xảy ra 7 vụ cháy rừng làm thiệt hại trên 460 ha rừng (trong đó, rừng tự nhiên là 43,87 ha, rừng trồng 78,10 ha, rừng khoanh nuôi tái sinh 168,78  ha, rừng lau lách 169,92 ha).

Đặc biệt tại 2 xã Túc Đán và Pá Lau còn để xảy ra tình trạng nhân dân phá rừng phòng hộ đầu nguồn làm nương rẫy trên 40 ha. Các lực lượng chức năng đã khởi tố và xét xử 7 vụ, 9 đối tượng vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng và PCCCR với tổng mức hình phạt chung là 44 năm 8 tháng tù giam.

Ngoài những nguyên nhân khách quan, ông Hoàng Đình Dậu - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện cho biết: Ban chỉ huy PCCCR cấp xã chưa thật sự phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác PCCCR ở cơ sở, thiếu kiểm tra đôn đốc, giám sát các thôn bản, các chủ rừng trong việc thực hiện nhiệm vụ PCCCR. Khi xảy ra cháy rừng, các xã còn chỉ đạo lúng túng; việc huy động lực lượng tại chỗ còn chậm; một bộ phận nhân dân còn thờ ơ, thậm chí vô trách nhiệm. Một số cán bộ kiểm lâm địa bàn không thường xuyên bám sát cơ sở nhắc nhở, phát hiện và chủ động trong việc phát đốt rừng của nhân dân.

Việc quy hoạch sản xuất nương rẫy chưa hợp lý, tình trạng đan xen cài răng lược giữa nương rẫy với rừng như hiện nay khiến rừng có thể cháy bất kỳ lúc nào. Bên cạnh đó, công tác xử lý hành chính, nhất là các vi phạm về rừng của các cơ quan chức năng chưa kiên quyết, nên chưa có tác dụng giáo dục, phòng ngừa. Chẳng hạn, tại thôn Khấu Ly (xã Bản Mù), một số hộ gia đình đốt nương làm rẫy, mỗi năm họ chỉ làm vài trăm mét nhưng chưa đến khung quy định bị xử lý hình sự nên chính quyền cơ sở cũng khó trong việc xử lý người vi phạm.

Mùa khô hanh 2007-2008, dự báo thời tiết có những diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao. Ban chỉ huy PCCCR huyện Trạm Tấu yêu cầu các xã khẩn trương kiện toàn, củng cố lại Ban chỉ huy cấp xã, từng thôn bản phải lập ra Ban giám sát PCCCR, trực tiếp giám sát các hộ dân đốt nương theo lịch đã đăng ký; tổ chức cho nhân dân học tập ký cam kết PCCCR tới từng hộ gia đình; huy động sức mạnh của toàn xã hội trong công tác PCCCR; giao cho các lực lượng liên quan như: Kiểm lâm, Công an huyện, phòng Kinh tế, Đoàn thanh niên, Ban quản lý rừng phòng hộ... đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng, PCCCR trong cộng đồng dân cư, xây dựng các hương ước quy ước bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư.

Với phương châm: "Phòng là chính, chữa cháy phải khẩn trương, kịp thời" nên khi có cháy xảy ra nhân dân cần phát hiện kịp thời, huy động lực lượng, dụng cụ, phương tiện để chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ, không để lửa lan ra diện rộng. Nếu lực lượng tại chỗ không đủ khả năng để dập tắt cần phải kịp thời báo cáo lên huyện để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Đồng chí Lương Trung Đại - Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ huy PCCCR huyện cho biết: Huyện sẽ tổ chức lực lượng rà soát nắm bắt ngay những vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, có biện pháp xử lý ngăn chặn cháy rừng xảy ra như: tạo ra các đường băng cản lửa, xây dựng chòi canh lửa, các biển báo cấp độ cháy rừng. Đồng thời, chỉ đạo nhân dân thực hiện tốt công tác trồng rừng, các biện pháp lâm sinh để giảm nguồn vật liệu dễ gây cháy vào rừng.

Về lâu dài, huyện Trạm Tấu phát triển việc trồng rừng phải gắn với 2 lợi ích, là: Lợi ích phòng hộ phải gắn với lợi ích kinh tế. Muốn vậy, cần phải có cơ cấu giống cây trồng hợp lý như 50% thông, 50% cây bản địa gồm: Chè Shan, sơn tra... dưới rừng khoanh nuôi tái sinh trồng bổ sung cây song, mây, cây dược liệu để có sản phẩm phi lâm sản, nhân dân có nguồn thu hàng năm từ rừng, gắn với công nghiệp chế biến các sản phẩm từ rừng. Đồng thời, mở rộng diện tích lúa nước, tổ chức quy hoạch nương rẫy sản xuất hợp lý, tránh tình trạng đan xen cài răng lược giữa nương rẫy và rừng như hiện nay. Có như vậy, nhân dân mới yên tâm sản xuất, không đốt nương làm rẫy.

Mạnh Cường

Các tin khác
Chăm sóc rau vụ đông ở xã Tuy Lộc.

YBĐT - Phát huy thế mạnh về tiềm năng đất đai lao động, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái đã có nhiều biện pháp tích cực tập trung chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hoá, tạo thêm nhiều nguồn thực phẩm nông sản cung cấp cho thị trường, giải quyết thêm việc làm cho hàng trăm lao động, nâng cao mức sống người dân địa phương.

Một góc Trung tâm xã Quang Minh.

YBĐT - Quang Minh là một xã vùng cao của huyện Văn Yên, toàn xã có 6 thôn, bản; đời sống đồng bào những năm trước đây gặp rất nhiều khó khăn, vào những năm 2000, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm trên 70% dân số. Trước thực trạng đó, Đảng bộ, chính quyền xã đã lãnh đạo nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao và sản xuất.

Đường về xã Chế Tạo huyện Mù Cang Chải.

YBĐT - Chế Tạo, xã xa nhất của Yên Bái - nay dù có đường ô tô đến trung tâm, nhưng khi chúng tôi đến vẫn phải "tăng bo" bằng hai loại phương tiện: ô tô, xe ôm và bằng chính đôi chân của mình. Cách trung tâm tỉnh lỵ gần 200 km đường trải nhựa và khoảng 40 km đường đất với những cua gấp khúc kinh người, độ dốc bình quân 10 đến 15 độ, khiến có cảm giác đi bộ còn dễ chịu hơn khi ngồi sau xe ôm.

Công nhân Lâm trường Thác Bà gieo ươm bạch đàn mô chuẩn bị cho trồng rừng vụ Xuân năm 2008.

YBĐT - Sau khichuyển sang hoạt động theo mô hình mới, sản xuất kinh doanh của Lâm trường Thác Bà luôn ổn định và có bước phát triển, đảm bảo mọi chế độ cho người lao động và đóng góp nghĩa vụ thuế với nhà nước năm sau cao hơn năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục