Kinh nghiệm chống thất thu ở Văn Yên
- Cập nhật: Thứ ba, 8/1/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Năm 2007, Chi cục Thuế huyện Văn Yên được giao dự toán thu cân đối ngân sách 13,8 tỷ đồng; đến hết tháng 11, đã thu đạt 14,6 tỷ đồng, bằng 100,4%, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2006. Đây là 1 trong 3 đơn vị của ngành thuế Yên Bái hoàn thành dự toán thu sớm nhất.
|
Đến hết năm 2007, Chi cục ước thu cân đối đạt 16,2 tỷ đồng, tăng 17,4% so với dự toán. Trong đó, thuế công thương nghiệp dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 5.250 triệu đồng, bằng 131,2%; thu tiền thuê đất 124 triệu, bằng 248%; thuế chuyển quyền sử dụng đất ước đạt 402 triệu, bằng 201%; lệ phí trước bạ ước đạt 887 triệu, bằng 161%; thu khác ngân sách ước đạt 1.700 triệu, bằng 154,5%; phí, lệ phí ước đạt 1.000 triệu, bằng 111%; thu tiền sử dụng đất ước đạt 6.300 triệu đồng, bằng 100% dự toán.
Đạt được kết quả này, trước hết phải ghi nhận sự cố gắng rất lớn từ phía các cấp, các ngành, đặc biệt là cán bộ công chức Chi cục Thuế (CCT) và của các thành phần kinh tế trong huyện. Với tiềm năng và thế mạnh là các sản phẩm nông, lâm nghiệp, trong đó có 2 cây mũi nhọn là quế và sắn, những năm qua, các sản phẩm này đã góp phần nâng cao đáng kể đời sống người nông dân trong huyện.
Tuy nhiên, lợi dụng việc người nông dân được hưởng chính sách ưu đãi về thuế do hàng nông, lâm sản được sản xuất và trực tiếp bán ra, không phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thu nhập doanh nghiệp (TNDN), các đối tượng kinh doanh (KD) đã thu mua hàng hóa, thuê người dân hoàn tất thủ tục ở địa phương và áp tải hàng từ nơi khai thác về nơi tiêu thụ để trốn thuế.
Nhận thấy đây là sự thất thu lớn cho ngân sách địa phương, CCT Văn Yên đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp quản lý tốt nguồn thu này đối với hoạt động thu gom.
Để chống thất thu một cách hiệu quả, CCT đã chủ động phối hợp với các ngành và tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ cho người KD về vốn, địa điểm KD, ban hành các văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan Quản lý thị trường, Công an phối hợp với các đội thuế kiểm tra, hướng dẫn người KD đăng ký kê khai nộp thuế; rà soát các hộ nông dân có thu hoạch sản phẩm nông, lâm sản và các đối tượng là đầu mối thu mua gom sản phẩm. Chính quyền cơ sở khi xác nhận sản phẩm của người nông dân vận chuyển đi bán phải nắm rõ diện tích, khối lượng sản phẩm và chịu trách nhiệm trước UBND huyện về xác nhận thủ tục hành chính.
CCT cũng đã sắp xếp lại các đội thuế theo mô hình chức năng mới. Lựa chọn những cán bộ có đủ phẩm chất đạo đức, tận tụy với công việc bố trí vào những địa bàn xung yếu. Phân công cán bộ trực 24/24h để thống kê số lượng xe vận chuyển hàng và đến từng địa điểm thu mua hàng để thu thuế. Đối với những đối tượng mua gom và xuất bán cho thị trường Trung Quốc, Chi cục đã cử cán bộ trực tại các điểm thu mua, thu thuế đầy đủ, trước khi vận chuyển.
Mặt khác, Chi cục đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người KD thu mua gom sản phẩm thực hiện chế độ sổ sách kế toán. Khi xuất hàng bán có hóa đơn GTGT, khi mua gom hàng có sổ thu mua hàng từ điểm thu mua gom về kho chính. Nếu không có sổ thu mua sẽ phải nộp thuế GTGT, TNDN và bị xử phạt về hành vi trốn thuế. Cùng với đó, tổ kiểm tra lưu động được thành lập để tham gia chống thất thu và kiểm tra việc quản lý thu thuế trên khâu lưu thông của các đội thuế. Tại các điểm "nóng", khó khăn, lãnh đạo CCT đã trực tiếp chỉ đạo và kịp thời giải quyết vướng mắc, tạo sự công bằng trong việc nộp thuế giữa hộ mở sổ kế toán và hộ KD vãng lai, đưa dần các hộ KD đi vào nề nếp.
Đến nay, đã có 13 hộ KD mặt hàng nông, lâm sản trên địa bàn thực hiện nộp thuế theo hình thức kê khai, đạt 100% số hộ. Số lượng sản phẩm quế đã đưa vào quản lý đạt 5.600 tấn, 17.600 tấn sắn, 96.700m3 gỗ rừng trồng. Trong đó, thu vãng lai ngoài quốc doanh 278 tấn quế, 12.200 tấn sắn, 5.000m3 gỗ, tương đương 280 triệu đồng tiền thuế. Nhiều hộ có số thuế tăng lên đáng kể, điển hình như hộ bà Phan Thị Hồng, bà Lê Thị Dung, ông Nguyễn Quốc Doanh...
Có thể nói, việc chống thất thu ở Văn Yên đạt hiệu quả cao là do công tác quản lý địa bàn, nắm bắt đối tượng và thường xuyên trao đổi rút kinh nghiệm từ thực tế để tìm ra biện pháp quản lý hữu hiệu. Đồng thời, tham mưu cho chính quyền địa phương có hướng xử lý phù hợp với thực tế như gắn việc quản lý thu trên địa bàn với ngân sách xã, chỉ đạo các ban, ngành cùng phối hợp thực hiện và kịp thời giải quyết vướng mắc. Vì vậy, chính quyền các xã và các ban, ngành đã phối hợp nhịp nhàng với cơ quan thuế trong việc quản lý tốt nguồn thu.
Linh Nhung
Các tin khác
YBĐT - Với tổng diện tích 8 ha chuyên trồng các loại hoa như hoa ly, đồng tiền, hoa hồng, năm 2007 Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, thuộc Tổng công ty Hòa Bình Minh (Yên Bái) đã đạt doanh thu từ hoa trên 2 tỷ đồng. Trong đó hoa Hồng và hoa Đồng tiền ra hoa quanh năm, riêng hoa Ly, là giống hoa được nhập từ Hà Lan, chỉ trồng theo thời vụ, thu hoạch vào dịp tết Nguyên đán.
YBĐT - Thành lập từ năm 1998, Quỹ Tín dụng nhân dân thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên) được “xét vớt” là em út của mô hình hợp tác xã tín dụng chuyển đổi. Ngày đầu thành lập, không thể kể hết những khó khăn: thiếu vốn, thiếu niềm tin của nhân dân sau những đổ vỡ hàng loạt của mô hình hợp tác xã tín dụng thời kỳ bao cấp, thiếu trụ sở làm việc; Quỹ phải thuê phòng làm việc của nhà dân.
YBĐT - Mục tiêu trong sản xuất nông-lâm nghiệp năm 2008 là đưa tổng sản lượng lương thực đạt trên 220 ngàn tấn, đảm bảo an ninh lương thực ở vùng cao, vùng thấp cơ bản sản xuất theo hướng hàng hoá...
YBĐT - Để đảm bảo an toàn cho đàn gia súc, gia cầm trong vụ đông xuân 2007 - 2008, hạn chế đến mức thấp nhất việc gia súc, gia cầm chết do đói rét và dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã có Chỉ thị số 28/CT-UBND yêu cầu Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền cho người chăn nuôi làm tốt công tác che chắn chuồng trại chống rét cho đàn trâu, bò ở tất cả các hộ chăn nuôi.