Cảm nhận Lục Yên

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/1/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Dù đã công tác nhiều nơi nhưng chắc chắn một điều rằng, một trong những ấn tượng khó quên nhất đối với tôi là chuyến đi Lục Yên (Yên Bái) vừa qua.

Đồng bào Dao xã Tô Mậu (Lục Yên) thu hoạch ngô đông. (Ảnh: Đoàn Ngọc Lâm)
Đồng bào Dao xã Tô Mậu (Lục Yên) thu hoạch ngô đông. (Ảnh: Đoàn Ngọc Lâm)

Hôm ấy, theo chương trình đã định, Hội nghị do UBND tỉnh tổ chức tại huyện Lục Yên đã diễn ra khẩn trương, nhanh chóng nhưng đạt hiệu quả cao. Sau khi hội nghị kết thúc, tôi có dịp đi cùng xe của đồng chí Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tỉnh UBND tỉnh đến một số xã thượng huyện, nơi đã gần 20 năm tôi chưa có dịp trở lại.

Đồng chí Phó chủ tịch thì nhân chuyến công tác này tranh thủ khảo sát thực tế đoạn đường liên xã bị sạt lở và hư hỏng nặng nơi giáp ranh giữa hai xã Lâm Thượng và Tân Phượng, một địa điểm dự kiến xây dựng công trình thuỷ lợi với khả năng cung cấp nước cho khoảng 300 ha lúa đang bấp bênh vì thiếu nước và một khu tái định cư tập trung.

Lộ trình từ trung tâm huyện lỵ lên thượng huyện ở phía Tây - Bắc rồi quay lại và chạy sang phía Đông, với tổng chiều dài khoảng 80 km, trong thời gian còn lại của buổi sáng. Khi xe mới vào địa phận xã Mai Sơn thì đột nhiên đồng chí thốt lên: “Ngô nhiều và tốt quá!”. Nhìn ra ngoài đã thấy một khung cảnh ấn tượng hiện ra: Chao ôi là ngô đông! Ngô trải ra tít tắp trên hầu hết các khu ruộng. Ngô len lỏi vào tận các mảnh vườn quanh các căn nhà sàn trong khu dân cư. Ruộng cao, ruộng thấp, ruộng xa, ruộng gần, thửa lớn, thửa nhỏ toàn là ngô. Ngô đông đang kỳ phun râu, làm hạt. Dường như có một sự ganh đua giữa chúng nên ruộng nào ngô cũng tốt, những cây ngô cao, mập, khoẻ khoắn đang vẫy gió, reo vui. Cây nào cũng cứ là hai, ba bắp. Câu chuyện trên xe bỗng chốc chuyển hẳn sang cây ngô đông và việc tổ chức làm ngô đông tại Lục Yên.

Đồng chí Phạm Văn Lái - Bí thư Huyện ủy Lục Yên - người mà thoạt nhìn cũng không khó để nhận ra đó là người rất gắn bó với nông nghiệp - kể về cái thời điểm huyện bắt đầu bước vào làm vụ ngô đông này. Anh bảo, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, lãnh đạo huyện đã quyết tâm làm ngô đông bằng được. Phương châm là: “Nhất thì, nhì thục”, gặt đến đâu làm ngô đến đó. Thế là cứ ruộng rạ ngổn ngang, lởm chởm như thế, cày đất lên, thả hạt ngô xuống và lấp lại. Ruộng cuối đồng còn đang gặt dở thì ruộng đầu đồng ngô đã nảy mầm xanh, cướp thời vụ mà làm. Làng quê tràn ngập không khí khẩn trương, hối hả như ngày hội thi đua sản xuất. Anh nói thêm rằng, lúc đầu cũng không khỏi lo lắng, nghi ngại vì cây ngô đông vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc trong kế hoạch làm ăn của nhà nông nơi đây. Nếu vụ này ngô đông thất bại thì thiệt hại giống, vốn và công sức con người chỉ là một, thiệt hại vì ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào chủ trương làm ngô đông sẽ là muời.

Giờ đây thì những lo lắng đó đã lùi xa vì đất trời đã không phụ công con người. Vụ này Lục Yên thắng lớn vì cả huyện có tới hơn 1.200 ha ngô đông, tập trung tại 15 xã, mà ở đâu ngô cũng xanh tốt, cũng hứa hẹn mùa bội thu. Nói như đồng chí lãnh đạo tỉnh lúc buổi sáng thì vụ đông là vụ ăn chắc của bà con. Quả thật, cứ nhẩm tính là thấy ngay, vì giống vốn không cần nhiều, thời vụ ngắn, nếu thắng lợi sẽ là nguồn lương thực bổ sung, bảo đảm cái ăn cho nhiều gia đình trong lúc giáp hạt.

Xe tiếp tục bon bon trên đường. Nắng xuân ấm áp, từng làn gió nhẹ thổi qua, mang theo hương vị thơm mát, trong lành và tinh khiết của phấn ngô, như hơi thở của mùa xuân đang đến, lan toả đất trời làng quê trong một buổi sáng nông nhàn. Câu chuyện trên xe lại chuyển từ cây ngô đông sang chuyện nuôi lợn, về đồi rừng, về đời sống kinh tế của người dân, về chuyện đầu tư xây dựng các công trình kinh tế, dân sinh… Đồng chí Bí thư Huyện uỷ tranh thủ báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội của địa phương với đồng chí Phó chủ tịch tỉnh ngay trên xe. Đại thể là đời sống kinh tế của người dân nơi đây đang rất khởi sắc, nhiều hộ dân đã có của ăn, của để.

Chỉ tính riêng năm 2007, toàn huyện đã mua vào hơn 4.000 xe máy. Các sản vật từ trồng trọt, chăn nuôi không đủ cung cấp cho thương lái với nào là xe máy, xe tải thường trực đêm ngày, bán bao nhiêu họ mua hết bấy nhiêu. Cam, gà, vịt ngon nổi tiếng của Lục Yên toả đi các nơi là vì thế. “Phú quí sinh lễ nghĩa” nên các phong tục, tập quán trong nhân dân cũng được dịp phát huy. Lễ hội, tiệc tùng đang có chiều hướng gia tăng… Vui đấy nhưng cũng lo đấy, làm sao để vừa giữ gìn và phát huy những nét văn hoá đặc sắc của các dân tộc mà không thái quá để trở nên lãng phí và còn làm sao để những tín hiệu vui, những cách làm ăn mới hôm nay phải thật ổn định và vững chắc. 

Xe đang chạy thì đột nhiên phía trước xuất hiện một tốp khoảng hơn chục người với mũ áo, trang phục đẹp như trong tranh. Thì ra là một đám đi hỏi cưới. Nhìn ai nấy đều tươi rói và lộng lẫy trong trang phục đặc sắc của dân tộc mình, đồng chí lãnh đạo tỉnh nói: “Làng quê thanh bình, trù phú nhìn mà mát mắt, đời sống bà con khấm khá thế này nghĩ cũng thấy ấm lòng”. Có một cái gì đó rất xưa cũ nhưng cũng thật tươi mới bỗng dâng lên trong tôi! Khi người lãnh đạo đã thực sự vui mừng với cái vui, cái sướng của người dân, hẳn cũng sẽ chạnh lòng xót xa với cái nghèo, cái thiếu của họ. Ở cương vị lãnh đạo, các anh đã đi và còn đi thực tế đến bao nhiêu nơi, hẳn là những điều trăn trở còn nhiều lắm, trọng trách còn lớn lắm!

Đến đây tôi bỗng nhớ lại hội nghị lúc đầu buổi sáng. Sau khi kết luận nội dung chính, đồng chí Phó chủ tịch tỉnh tranh thủ thời gian để phổ biến, tuyên truyền một số chính sách mới về nông nghiệp, cụ thể là Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 – 2015. Chẳng cần tài liệu, các thông tin đồng chí đưa ra cứ tuôn trào như nguồn nước vừa khơi thông dòng chảy:“Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư ở các xã đặc biệt khó khăn trồng rừng trên đất trống, đồi núi trọc qui hoạch là rừng sản xuất thì được hỗ trợ 3 triệu đồng/ha, nếu trồng cây gỗ lớn và cây bản địa; được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha, nếu là trồng cây gỗ nhỏ. Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng không thuộc xã đặc biệt khó khăn, nếu trồng rừng trên đất trống đồi trọc qui hoạch là rừng sản xuất thì được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. Người trồng rừng không thuộc đối tượng nêu trên thì được hỗ trợ giống, khuyến lâm 1,5 triệu đồng/ha; người trồng cây phân tán được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/1.500 cây (tương đương 01 ha rừng tập trung)…”.

Về chăn nuôi, đồng chí đã đề nghị huyện chỉ đạo xây dựng mô hình hộ chăn nuôi hàng hoá, qui mô hàng trăm con lợn/hộ, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ về giống và xây dựng chuồng trại… Về trồng trọt thì cần tổng kết để có cơ cấu giống và mùa vụ thích hợp. Riêng vụ mùa cần cơ cấu 70% đến 80% diện tích bằng giống ngắn ngày để có thêm thời gian dành cho vụ đông, vì vụ đông là vụ ăn chắc của bà con.

Để kết thúc nội dung này, đồng chí Phó chủ tịch tỉnh nhấn mạnh, là nhờ các đồng chí lãnh đạo huyện, xã nghiên cứu, phổ biến các chính sách này đến tận từng người dân và tổ chức cho bà con thực hiện. Không ai có thể ghi chép kịp nhưng tôi tin họ đã tiếp nhận và sẽ nhớ tất cả những gì đồng chí lãnh đạo tỉnh đã nói. Rằng, Nhà nước đã có thêm một chính sách hướng đến người dân làm nông nghiệp. Và những cán bộ, đảng viên - cầu nối giữa chính sách của Nhà nước với người dân - sẽ phải trăn trở: làm gì và làm như thế nào để người dân được thụ hưởng đầy đủ các chính sách đó.

Đến đây, tôi hy vọng đã cắt nghĩa được phần nào lý do rằng chuyến đi tới Lục Yên vừa rồi, đối với tôi, là một chuyến đi thú vị mà từ đó, chính bản thân mình đã suy nghĩ và sáng tỏ được nhiều điều.  

        Tháng 01/08
Nguyễn Đức Dụ

Các tin khác

YBĐT - Theo thống kê của ngành đường sắt, những ngày thường, Ga Yên Bái đưa đón từ 800 đến 1.000 lượt khách đi tầu; riêng những ngày lễ, ngày tết số khách thường tăng đột biến, đặc biệt là kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Làm gì để việc sản xuất, kinh doanh phục vụ bảo đảm yêu cầu an toàn lao động, an toàn giao thông và an ninh trật tự, luôn là một câu hỏi lớn đối với tập thể, cán bộ, nhân viên Ga Yên Bái.

Người dân Châu Quế Thượng vận chuyển quế đi tiêu thụ. (Ảnh: THanh Hương)

YBĐT - Châu Quế Hạ là xã vùng cao khó khăn của huyện Văn Yên (Yên Bái), thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khoá XVI, tạo tiền đề vững chắc cho phát triển kinh tế, Châu Quế Hạ đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.

76 ha chè ở Nậm Lành đem lại đời sống ấm no cho người dân. (Ảnh: Minh Thúy)

YBĐT - Là xã vùng 3 của huyện Văn Chấn (Yên Bái) với 560 hộ dân, trước đây Nậm Lành gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao so với các xã trong huyện.

Diện tích đất trống đồi núi trọc ở Tân Đồng đang dần được phủ kín.

YBĐT - Là huyện vùng thấp, diện tích đất lâm nghiệp nhiều, trên 50.000 ha, song do địa hình chia cách, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sinh sống không tập trung, ở những xã vùng sâu, cao của huyện đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu lương thực luôn là vấn đề bức xúc với đời đồng của đồng bào, ngoài diện tích canh tác lúa nước hàng năm ít, sau mỗi vụ mùa, đồng bào thiểu số vùng cao lại tìm mảnh đất tốt để phát nương làm rẫy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục