Yên Bái: Giải pháp để hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2008

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/1/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân, trong những năm qua, phát triển lâm nghiệp luôn được tỉnh chú trọng. Cùng với các chương trình, dự án của Chính phủ thì tỉnh Yên Bái cũng có nhiều chính sách, cơ chế hợp lý khuyến khích người dân cùng nhiều thành phần kinh tế tích cực tham gia trồng và bảo vệ rừng.

Rừng nguyên liệu giấy. (Ảnh: Quang Tuấn)
Rừng nguyên liệu giấy. (Ảnh: Quang Tuấn)

Nhờ đó, độ che phủ của rừng đã được nâng lên qua từng năm, người dân đã sống được bằng nghề rừng. Hàng năm, nhân dân, các thành phần kinh tế trồng mới trên chục ngàn ha rừng. Phát huy kết quả đó, năm 2008, Yên Bái đưa ra kế hoạch trồng mới 16 ngàn ha rừng các loại, tăng 1.000 ha so với năm trước. Đây là năm có kế hoạch trồng rừng lớn nhất từ trước đến nay, cùng với diện tích đất đai không còn nhiều như trước, giá cả vật tư ngày một tăng giá, giống cung ứng chưa đảm bảo được yêu cầu... Vậy, tỉnh Yên Bái làm gì để hoàn thành kế hoạch đã đề ra?

Có một vấn đề mà bất cứ ai gắn bó với sản xuất lâm nghiệp cũng biết là diện tích đất để trồng lâm nghiệp ở Yên Bái còn rất nhiều, song đất để trồng rừng kinh tế cơ bản đã hết. Đặc biệt là ở các huyện vùng thấp như Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, thành phố Yên Bái... những diện tích trồng mới trong vòng 2 năm trở lại đây chủ yếu là trồng vào đất luân kỳ.

Trong tổng số 16 ngàn ha có tới 8 ngàn ha trồng luân canh. Một vấn đề nữa là giống phục vụ cho sản xuất lâm nghiệp rất nhiều nhưng giống tốt thì chúng ta chưa thực sự chủ động. Đối với các huyện thị phía Tây của tỉnh, diện tích đất trồng rừng kinh tế nhất là các giống keo, bạch đàn mô không nhiều. Trồng rừng đã thực sự trở thành nghề và thu nhập chính, nhưng những khó khăn như đã nói ở trên nếu chúng ta không có những giải pháp cụ thể khó có thể hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2008.

 Để tìm hiểu thêm về vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Kiều Tư Giang-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp. Ông Giang cho biết: “ Để hoàn thành kế hoạch trồng rừng và trồng đảm bảo chất lượng trong năm 2008, ngành nông nghiệp và Chi cục đã triển khai ngay công tác quy hoạch chi tiết diện tích vùng trồng mới cho từng loại rừng, trước mắt là diện tích rừng trồng mới trong 3 năm 2008-2010.

Chi cục phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, xã, các ban quản lý 661 cơ sở rà soát đến từng lô, chủ sử dụng đất thống nhất diện tích, thực trạng, quỹ đất đăng ký trong 3 năm, hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi bước vào thời vụ trồng rừng năm 2008; triển khai cắm mốc phân định ranh giới các khu rừng đặc dụng, phòng hộ quan trọng trên thực địa; đẩy mạnh công tác giao rừng, cho thuê rừng, rà soát lại toàn bộ diện tích rừng tự nhiên sản xuất để xác định nơi nào, ở đâu có thể cho thuê, giao cấp sổ đỏ cho hộ gia đình, các cá nhân, tổ chức để sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác chỉ đạo điều hành kiểm tra, giám sát nắm tình hình thực hiện mục tiêu trồng rừng đặc biệt là đối với các dự án trồng rừng phòng hộ, rừng kinh tế vùng cao”. Đó là những hướng đi và giải pháp cơ bản, song để hoàn thành kế hoạch trồng rừng, ngành nông nghiệp, các huyện thị, thường xuyên bám sát cơ sở, phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, chỉ đạo giúp các đơn vị thực hiện kế hoạch được giao; tiếp tục xây dựng các mô hình trồng rừng trong khu vực các huyện phía Tây như: mô hình trồng rừng sản xuất tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, mô hình trồng cây gỗ lớn...; đưa ra một số cây giống mới trồng khảo nghiệm trên địa bàn để tìm ra cây trồng phù hợp có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao; lập kế hoạch chi tiết đến chủ rừng và địa bàn để phục vụ cho kế hoạch trồng rừng; khuyến khích, huy động mọi nguồn lực tham gia trồng chăm sóc và phát triển vốn rừng, trồng rừng phải đảm bảo chất lượng, không chạy theo số lượng.

Giống cây trồng cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng sản lượng và hiệu quả kinh tế rừng, do đó các giống cây đưa vào trồng phải được kiểm soát, kiểm định về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Tỉnh cũng đang tiến hành xây dựng rừng giống chuẩn phục vụ cho nhu cầu trồng rừng kinh tế đảm bảo hiệu quả cao. Các đơn vị cung ứng chủ động đủ hạt giống, cây giống trên cơ sở căn cứ vào nội dung kế hoạch trồng rừng cho năm kế hoạch và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, bà con cần phải ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn cây giống  nguyên liệu có thời gian sinh trưởng nhanh rút ngắn chu kỳ sản xuất; tiếp tục khuyến khích, kêu gọi đầu tư vào lâm nghiệp đặc biệt là đầu tư vào chế biến lâm sản chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện tốt dự án trồng rừng và chế biến lâm sản trên địa bàn.

Thực hiện tốt các giải pháp trên cùng với việc Chính phủ đã ban hành 2 quyết định quan trọng về phát triển lâm nghiệp đến năm 2015; là Quyết định 100/2007/QĐ-TTg ngày 06/7/2007 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện trồng mới 5 triệu ha rừng; Quyết định 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 về một số chính sách việc phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015. Đó là những quyết định giúp người trồng rừng rất nhiều thuận lợi, đặc biệt là các chính sách ưu đãi với đồng bào dân tộc thiểu số.

Đây sẽ là động lực thúc đẩy toàn tỉnh hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2008 và các năm tiếp theo.

Văn Thông

Các tin khác
Doanh nghiệp cơ khí Sơn Tùng (thị xã Nghĩa Lộ) vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

YBĐT - Trong hai năm 2006-2007, Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tỉnh Yên Bái phối hợp với các ngành, các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh triển khai, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số II bốc dỡ, kiểm tra lô hàng thực phẩm vi phạm của ông Lưu Văn Tiến (huyện Yên Bình).

YBĐT - Năm 2007, thị trường có nhiều biến động, giá cả hàng hoá trên địa bàn tỉnh Yên Bái liên tục tăng, nạn buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, khai thác buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra phức tạp.

Người dân Mù Cang Chải chăm sóc mạ vụ xuân.
(Ảnh: Lê Bác Đạt)

YBĐT - Chúng tôi đến Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) vào những ngày đầu năm 2008 và thật bất ngờ bởi vào thời điểm bà con người Mông vừa mới vui tết cổ truyền của dân tộc mình thì đã hối hả lên đồi cuốc hố để trồng rừng.

Công nhân Chi nhánh điện TP Yên Bái kiểm tra lưới điện chuẩn bị phục vụ nhân dân tết Mậu Tý. (Ảnh: Quang Tuấn)

YBĐT - Theo dự báo năm nay nhu cầu dùng điện của phụ tải sẽ tăng cao, công suất cực đại của toàn hệ thống có thể tăng khoảng 50.000KW/ngày và sẽ tăng khoảng 20% vào giờ cao điểm, đặc biệt năm nay, tỉnh Yên Bái đăng cai tổ chức Chương trình Du lịch về cội nguồn lần thứ 4 của 3 tỉnh Lào Cai - Phú Thọ và Yên Bái. Do vậy, để bảo đảm cung cấp điện ổn định cho nhân dân trong dịp tết Nguyên đán, Điện lực Yên Bái đã có nhiều phương án cấp điện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục