Mù Cang Chải trước cơ hội phát triển mới
- Cập nhật: Thứ năm, 28/2/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Năm 2007, tổng sản lượng lương thực của Mù Cang Chải (Yên Bái)lần đầu tiên đạt gần 16 nghìn tấn, tăng hơn 1.000 tấn so với năm 2006. Từ một huyện mà tỉnh thường xuyên cứu đói, nay Mù Cang Chải đã có lương thực dự trữ, tạm lo đủ cái ăn cho dân...
Nông dân thị trấn Mù Cang Chải cấy lúa xuân.
|
Kết quả có được, trước hết là nhờ đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo trong việc quy hoạch vùng cây lương thực gắn với mùa vụ, tính toán cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng lấy giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác làm thước đo. Đồng chí Nguyễn Văn Khánh-Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Tiềm năng, thế mạnh của vùng cao là đất đai. Nhưng trước đây là đất trống, đồi trọc bị bỏ hoang, người dân ảnh hưởng nặng nề tập quán canh tác cũ, tư tưởng ỷ lại của người dân và ngay cả trong đội ngũ cán bộ huyện khá phổ biến. Những hạn chế này, đã làm chậm quá trình chuyển dịch từ nền nông nghiệp tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hoá, sự phát triển của nền kinh tế. Vì thế, thay đổi về tư duy trong cách nghĩ, cách làm là yếu tố quan trọng để huyện đẩy nhanh tốc độ phát triển”.
Những năm qua, sự chuyển biến về tư duy, nhận thức, sự kiên quyết trong chỉ đạo đã đem lại cho Mù Cang Chải sự chủ động trong sản xuất lương thực. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2001-2007 đạt 8,6%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ngành nông - lâm nghiệp từ chỗ chiếm 80% năm 2000 giảm xuống còn 59,5% năm 2007, công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ từng bước phát triển.
Tuy nhiên, Mù Cang Chải vẫn là một huyện nghèo và đặc biệt khó khăn, số hộ nghèo theo tiêu chí mới chiếm tới 75,8%, 13/14 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Chính vì lẽ đó, ngay sau khi tổng kết một năm Đề án về một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế huyện Trạm Tấu, ngày 7/7/2007 UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Một số nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế –xã hội huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2007-2010”, tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Với mục tiêu phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế- xã hội, bằng mọi nguồn lực. Đặc biệt là phát huy nội lực của huyện để tập trung đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, tạo bước đột phá đến 2010, giảm đến mức thấp nhất khoảng cách phát triển so với các huyện thị khác trong tỉnh. Cơ hội đã đến, nhưng vấn đề hiện nay đối với Đảng bộ và nhân dân Mù Cang Chải là làm thế nào để thực hiện có hiệu quả, hoàn thành mục tiêu mà đề án đặt ra.
Tâm sự trong những ngày đầu xuân Mậu Tý 2008, đồng chí Chủ tịch UBND huyện khẳng định, đây là cơ hội và cũng là thách thức lớn đối với toàn Đảng bộ và nhân dân huyện. Huyện đã và đang tập trung mọi nguồn lực, lãnh đạo chỉ đạo sát sao để đạt được hiệu quả cao nhất. 6 tháng triển khai đề án có thể coi là một thời gian vừa đủ để khởi động cho cả một chặng đường 3 năm tới.
Trong 6 tháng qua, huyện đã tập trung tuyên truyền, triển khai đề án đến từng cơ sở Đảng, chính quyền, làm chuyển biến về nhận thức đề án trong đảng viên và quần chúng nhân dân. Ưu tiên trong các dự án nhỏ của huyện vẫn là nông lâm nghiệp, huyện vùng cao hơn 4,5 vạn dân, 99% là người Mông, dứt khoát phải đảm bảo an ninh lương thực. Trước mắt, trong năm 2008, cụ thể là vụ đông xuân này huyện gieo cấy 650 ha lúa xuân, phấn đấu cả năm trồng 800 ha ngô, 260 ha đậu tương, 20 ha chè, 900 ha rừng phòng hộ, 700 ha rừng kinh tế.
Cùng với chỉ đạo tốt sản xuất nông lâm nghiệp, thì một lĩnh vực tiềm năng mà lâu nay vẫn chưa được quan tâm, đầu tư thích đáng là chế biến quả sơn tra. Ông Vũ Văn Thụy-Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện cho biết, hiện nay sản lượng sơn tra của huyện đạt trên 2.000 tấn, nhưng chủ yếu là bán thô, do đó lợi nhuận thu được rất thấp. Sắp tới, huyện có kế hoạch xây dựng một nhà máy chế biến rượu sơn tra công suất 3 tấn quả tươi/ngày. Hiện nay, dự án này đang đuợc giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện xây dựng. Ông Thụy cũng đã trực tiếp tham quan mô hình sản xuất rượu sơn tra tại huyện Bắc Yên (-Sơn La). Qua thực tế, ông nhận định, việc xây dựng một nhà máy tại Mù Cang Chải hoàn toàn có thể thực hiện được và Dự án đi vào sản xuất chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển công nghiệp địa phương, tạo thêm một sản phẩm mới mang thương hiệu Mù Cang Chải.
Một trong những mục tiêu mà đề án cần đạt được, đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả giai đoạn 2007-2010 của Mù Cang Chải phải đạt 12,5%, trong khi tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2001-2007 huyện mới đạt 8,6%. Để đạt được mức tăng trưởng đặt ra, đòi hỏi huyện phải có một nguồn lực đầu tư lớn từ bên ngoài. Muốn vậy, ngay từ bây giờ huyện cần nhanh chóng phối hợp với các ngành liên quan khẩn trương xây dựng các dự án nhỏ theo nội dung của đề án để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Cuối năm 2007, Công ty TNHH Thanh Huy, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) do ông Nguyễn Quang Huy làm giám đốc đã nuôi thử nghiệm thành công 3.000 cá hồi giống tại xã Cao Phạ.
YBĐT - Mặc dù đã qua tết Nguyên đán gần 1 tháng song cùng với sự tăng giá của các mặt hàng vật liệu xây dựng, than, xăng dầu thì giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng ở TP Yên Bái vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt". Người tiêu dùng, nhất là cán bộ viên chức, công nhân lao động, người nông dân có mức thu nhập thấp gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
YBĐT - 2 tháng đầu năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Yên Bái ước đạt 1.910 ngàn USD, đạt 11,23% kế hoạch và tăng 9,6% so với cùng thời gian năm 2007.
Trước tình trạng các mặt hàng tiêu dùng tăng giá chóng mặt sau khi xăng dầu tăng giá, sáng 27-2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã trả lời báo chí bên hành lang phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.