Sau một tháng triển khai chính sách hỗ trợ 4% lãi suất cho các doanh nghiệp:

Thương mại dịch vụ vẫn “át” sản xuất kinh doanh

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/3/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Sau một tháng triển khai Quyết định 131 về chính sách hỗ trợ lãi suất, tỉnh Yên Bái đã có 333 đơn vị (105 doanh nghiệp, 3 hợp tác xã và 225 hộ gia đình, được vay vốn với tổng số tiền là 116,6 tỷ đồng, số tiền lãi vay phải tính theo các hợp đồng tín dụng là trên 1 tỷ đồng và số tiền đã hỗ trợ cho các khách hàng trên 55 triệu đồng.

Phòng giao dịch của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT.
Phòng giao dịch của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT.

Sau một tháng thực hiện chủ trương hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn phát triển sản xuất theo Quyết định 131/QĐ-TTg của Chính phủ và Thông tư 02 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã giải ngân được 116,6 tỷ đồng. Điều đáng mừng là các doanh nghiệp được vay vốn đã khôi phục được sản xuất và nhu cầu vay sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Ngay sau khi Quyết định của Thủ tướng có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Yên Bái đã kịp thời tham mưu cho tỉnh triển khai Quyết định 131 của Chính phủ, đồng thời chỉ đạo 3 ngân hàng thương mại trên địa bàn gồm: Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Ngân hàng Đầu tư - Phát triển, Ngân hàng Công thương triển khai ngay Quyết định 131 và các thông tư hướng dẫn để chính sách ưu đãi của Chính phủ đến được với người dân và các doanh nghiệp, phát huy hiệu quả. Sau đó, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã tổ chức hội nghị khách hàng nhằm giới thiệu sâu rộng chính sách hỗ trợ lãi suất tới giám đốc và đội ngũ kế toán trưởng các doanh nghiệp trên địa bàn.

Sau một tháng triển khai Quyết định 131 về chính sách hỗ trợ lãi suất đã có 333 đơn vị (105 doanh nghiệp, 3 hợp tác xã và 225 hộ gia đình, được vay vốn với tổng số tiền là 116,6 tỷ đồng, số tiền lãi vay phải tính theo các hợp đồng tín dụng là trên 1 tỷ đồng và số tiền đã hỗ trợ cho các khách hàng trên 55 triệu đồng. Qua thống kê cho thấy, lĩnh vực nông lâm nghiệp có 147 khách hàng vay số tiền 9,14 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp có 28 khách hàng vay với số tiền 18,382 tỷ đồng; vay thương mại, dịch vụ sửa chữa động cơ, xe máy 120 khách hàng với số tiền 79,9 tỷ đồng...

Từ các con số thống kê trên cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vay chiếm số lượng chưa lớn và số tiền không nhiều (công nghiệp chế biến 28 đối tượng, số tiền hơn 18 tỷ đồng), trong khi vay thương mại và tiêu dùng lại khá lớn (120 đối tượng, số tiền gần 80 tỷ đồng) và như vậy, chính sách kích cầu thông qua tín dụng - một chính sách lớn của Nhà nước đã chỉ “chảy vốn” mạnh qua thương mại, tiêu dùng, còn sản xuất và chế biến vẫn rất hạn chế.

Một số chuyên gia nhận định: Rất có thể một số doanh nghiệp khó tiếp cận được với chính sách này do thủ tục quá gắt gao hoặc không thể dùng tiền vay với lãi suất hỗ trợ để trả nợ cũ với mức lãi suất cao, trong khi nhu cầu vốn lưu động lại chưa thực sự cần. Có cả những doanh nghiệp không "quan tâm" đến chính sách cấp bù lãi suất vì không thể có hoá đơn đầu vào, vì mua hàng trôi nổi, nếu kê khai với cơ quan thuế để được cấp hoá đơn thì số tiền phải nộp thuế còn lớn hơn nhiều số được cấp bù lãi suất.

Ông Hà Hữu Tứ - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Yên Bái nhận định: "Các con số thống kê của 1 tháng vừa qua chưa nói lên điều gì. Doanh nghiệp chế biến ở Yên Bái thì ngành chè chiếm số đông, nhu cầu vốn lưu động lại rất lớn, trong khi tháng 2 chè chưa vào vụ; thời gian tới các doanh nghiệp chè vào vụ chế biến mới thì con số sẽ rất khác. Hiện nay, BIDV đã tiếp nhận nhiều hồ sơ vay vốn của các doanh nghiệp chế biến chè; chúng tôi đang thẩm định và sẽ giải ngân theo đúng quy định".

Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái - một khách hàng trong tổng số 12 khách hàng lớn của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển được vay vốn với chính sách hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 131 khi nhiều tin vui đến với cán bộ và công nhân nơi đây. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã sản xuất và tiêu thụ được hơn 53 nghìn tấn xi măng, sản phẩm của doanh nghiệp có mặt ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc, đã và đang được sử dụng tại nhiều công trình quy mô lớn như các dự án xây dựng thuỷ điện; nhà máy nghiền Các bon nát Can xi vẫn hoạt động hết công suất và tiêu thụ ổn định.

Ông Bùi Mạnh Cường - Phó giám đốc Công ty cho biết: "Một trong những nguyên nhân để xi măng Yên Bái vượt qua khó khăn là áp dụng kịp thời các chính sách kích cầu của Chính phủ như thuế, tín dụng... Đến nay, Công ty đã được vay 13 món với số tiền 17,5 tỷ đồng. Từ chỗ lãi suất vay là 10% năm, nay còn 6% năm đã giảm áp lực đối với doanh nghiệp. Công ty đã đăng ký vay vốn lưu động với số tiền 40 tỷ đồng, ngân hàng đang xem xét giải ngân theo đúng kế hoạch và nhu cầu vay vốn của đơn vị".

Được biết, trong suốt quá trình triển khai, các cán bộ tài vụ của Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái luôn nhận được sự giúp đỡ của các cán bộ tín dụng ngân hàng nên mọi thủ tục, hồ sơ đều được làm nhanh, chính xác và đúng quy định.

Có thể nói, cùng với chính sách miễn, giảm, giãn, tạm hoàn thuế thì chính sách tín dụng với việc hỗ trợ 4% lãi suất của Chính phủ thực sự là chiếc phao cứu sinh cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng tài chính tín dụng quốc tế đã ảnh hưởng sâu rộng đối với nước ta. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, chế biến cần nắm lấy cơ hội để khôi phục sản xuất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, từ đó mở rộng thị trường phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.

Các ngân hàng thương mại cũng phải xem đây là cơ hội để khẳng định thương hiệu, tăng trưởng dư nợ, chiếm lĩnh thị phần vì sự phát triển của mình và nền kinh tế địa phương... Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn kịp thời những sai phạm có thể phát sinh trong quá trình thực hiện, không để doanh nghiệp cấu kết với cán bộ tín dụng lợi dụng chính sách tốt đẹp của Nhà nước nhằm trục lợi.

Lê Phiên

Các tin khác
Yên Bái đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Ảnh minh hoạ

Các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh vốn đầu tư trên địa bàn.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả của hội viên nông dân xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Với địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, khô hanh kéo dài, huyện Mù Cang Chải gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) huyện Mù Cang Chải đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Vườn thanh long được cấp mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa của gia đình ông Trần Bá Đức, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ.

Nhiều năm qua, người trồng cây ăn quả ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, không thuốc trừ cỏ, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với quan niệm “sản xuất an toàn, sản phẩm không lo ế”.

Ảnh minh họa

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục