Yên Bái: Sản xuất phát triển phải xây dựng vùng nguyên liệu
- Cập nhật: Thứ năm, 18/6/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT- Trong một hai năm trở lại đây, nhất là từ cuối năm 2008 đến những tháng đầu năm 2009, các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất giấy bằng nguyên liệu sợi dài liên tục gặp khó khăn. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, thậm chí vài ba nhà máy đã dừng sản xuất từ mấy tháng nay, hàng trăm công nhân mất việc làm, thu nhập giảm sút không đảm bảo cuộc sống gia đình. Vậy đâu là nguyên nhân?
Nguyên liệu sợi dài đang ngày càng cạn kiệt.
|
Sản xuất giấy đã một thời được coi là ngành kinh tế mũi nhọn ở Yên Bái, nó không chỉ góp phần tiêu thụ sản phẩm rừng, giải quyết việc làm cho trên 3 ngàn lao động, mà còn đóng góp khá lớn vào nguồn thu ngân sách tỉnh nhà. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây tình hình sản xuất giấy nói chung và giấy đế, giấy vàng mã bằng nguyên liệu tre, vầu, nứa… (nguyên liệu sợi dài) nói riêng đang bộc lộ những hạn chế đáng báo động.
Nhà máy phát triển tràn lan, thiếu tính quy hoạch, tình trạng khai thác, chặt phá rừng bừa bãi, môi trường ô nhiễm nặng nề. Theo báo cáo của Sở Công thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 22 dây chuyền sản xuất giấy bằng nguyên liệu sợ dài, với công suất trên 35 ngàn tấn sản phẩm/năm. Các nhà máy mọc lên khắp các vùng quê Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên.
Với ngần ấy dây chuyền, chỉ cần sản xuất 70% công suất máy thôi thì mỗi năm cũng ngốn 140 ngàn tấn tre, vầu, nứa. Số nguyên liệu này được các nhà máy, lâm trường, nhân dân khai thác chủ yếu ở diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh, chỉ có phần nhỏ là từ rừng trồng. Trong khi đó trữ lượng nguyên liệu ở diện tích khoanh nuôi tái sinh vốn đã nghèo, nay lại phải cung cấp nguồn lớn nguyên liệu cho sản xuất, ngày lại càng nghèo kiệt.
Nứa là một loại có sức phát triển mãnh liệt, nhưng đòi hỏi phải khai thác đúng quy trình kỹ thuật. Nhưng để có nguyên liệu cho sản xuất, các nhà máy tranh giành nguyên liệu, đẩy giá thu mua lên cao, nông dân được giá là khai thác, không theo quy trình nào mà cứ chặt trắng, chặt trụi. Không chỉ có vậy, mà mùa măng đến dân đã khai thác rồi, ngọn măng nào sót lại cây vừa lên chưa thoát bẹ lại bị chặt làm nguyên liệu. Chỉ khai thác mà không chú trọng phát triển vùng nguyên liệu dẫn đến nhà máy, doanh nghiệp ngày một “đói” nguyên liệu.
Ngành kiểm lâm kêu trời vì không bảo vệ được rừng. Các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất giảm sút, năm 2007 sản xuất được 34 ngàn tấn sản phẩm, năm 2008 chỉ còn 32 ngàn tấn. Kế hoạch năm 2009, sản xuất 32 ngàn tấn nhưng năm tháng đầu năm mới sản xuất được 8.500 tấn. Nhiều nhà máy từ đầu năm đến nay vẫn nằm bất động. Đành rằng những tháng đầu năm 2009 này, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhưng đối với các doanh nghiệp sản xuất giấy nguyên liệu sợi dài, lại có thị trường tiêu thụ tốt nhưng doanh nghiệp, nhà máy không có nguyên liệu để sản xuất. Bên cạnh đó dây chuyền sản xuất cũ kỹ, lạc hậu sản phẩm làm ra không đáp ứng được đòi hỏi ngày một cao của thị trường.
Việc phát triển nhà máy, cơ sở chế biến giấy là nghề nhà nước không cấm, nhưng xây dựng, phát triển phải theo quy hoạch thì mới mang tính khả thi, bền vững. Để sản xuất giấy bằng nguyên liệu sợi dài ổn định, bền vững và phát triển đòi hỏi các doanh nghiệp, nhà máy phải đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Một là xây dựng vùng nguyên liệu của riêng mình đối với các doanh nghiệp có quỹ đất và tiềm lực tài chính dồi dào; hai là xây dựng vùng nguyên liệu bằng cách liên doanh, liên kết với bà con nông dân bằng ký hợp đồng, đầu tư vốn…
Chỉ khi nào đầu tư xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định mới có hy vọng sản xuất kinh doanh bền vững. Biết là khó và đòi hỏi doanh nghiệp, nhà máy phải nỗ lực cao, nhưng không còn con đường nào khác. Đã đến lúc chấm dứt tình trạng phát triển, sản xuất không đầu tư vùng nguyên liệu mà chỉ dựa vào nguồn tài nguyên tự nhiên. Bên cạnh đó doanh nghiệp, nhà máy cũng cần đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất hàng hoá đáp ứng đòi hỏi ngày một cao của thị trường.
Thanh Phúc
Các tin khác
Ngân hàng Đầu tư châu Âu vừa cấp cho Việt Nam vay khoản tín dụng trị giá 100 triệu Euro (khoảng 2.400 tỷ đồng) để giảm nhẹ tình trạng biến đổi khí hậu.
YBĐT - Công trình xây dựng lưới điện hạ thế ở xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) thuộc Dự án xây dựng lưới điện nông thôn II (gọi tắt là RE II) được khởi công ngày 5/5/2008, do Công ty cổ phần Thiết bị điện Đông Anh thi công và Ban Quản lý dự án RE II Sở Công thương Yên Bái làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, công trình phải hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 12 năm 2008. Nhưng đến tháng 6/2009, công trình vẫn trong giai đoạn thi công.
YBĐT - 71% số hộ nghèo (đã giảm 13% trong năm 2008) là con số nói lên tất cả thực trạng đời sống kinh tế - xã hội của người dân Cao Phạ. Con số này sẽ khiến rất nhiều cơ quan có trách nhiệm phải nhìn lại công tác xoá đói giảm nghèo tại các xã, thị trấn vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái).
YBĐT - Những năm gần đây, nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh lâm nghiệp, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã rà soát quy hoạch đất rừng sản xuất giao quyền làm chủ cho người dân; khuyến khích nhiều thành phần tham gia trồng rừng; từng bước quy hoạch trồng rừng gắn với chế biến. Hàng năm, các cơ sở chế biến trên địa bàn khai thác khoảng 50- 60 ngàn m3 gỗ rừng trồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.