Thăm đứa con đầu lòng của ngành thủy điện Việt Nam
- Cập nhật: Thứ năm, 25/6/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Khách du lịch khắp mọi miền đất nước đến với hồ Thác Bà huyện Yên Bình (Yên Bái) không chỉ được hoà mình vào không gian xanh trong, đẹp đến mê hồn của cảnh sông nước hồ trên núi với hàng ngàn đồi đảo trên hồ với hệ thống các hang động như hang Hùm, hang Cối Cuôi, hang Bạch Xà... và Đền Thác Bà mà còn được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp, một biểu tượng của ngành công nghiệp nước nhà đó là Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà - đứa con đầu lòng của ngành điện Việt Nam.
|
Anh Nguyên Văn Khanh (khách du lịch Hải Phòng) chỉ tay về phía khu vực xả nước số 2 trầm trồ: “Đẹp và hoành tráng thật! Đến Yên Bái đã thưởng ngoạn phong cảnh núi sông hữu tình của hồ Thác mênh mông mà không được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ, ghi dấu bước đột phá lớn của ngành thuỷ điện Việt Nam thì coi như chưa đến nơi đây”.
Chị Nguyễn Thị Lệ (du khách người Tuyên Quang) bộc bạch: “Tua du lịch Thác Bà luôn mang lại cho tôi một cảm giác tuyệt vời. Đến đây vừa được ngồi trên co-le xuôi dòng ngắm cảnh sông nước và những hang động tự nhiên đẹp, vừa chứng kiến sự trưởng thành đi lên của Thủy điện Thác Bà...”.
Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà là nhà máy thuỷ điện đầu tiên được xây dựng ở miền Bắc nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên XHCN; là một công trình trọng điểm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ nhất của cả nước (1960- 1965); là nền móng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công cuộc xây dựng CNXH của đất nước. Công trình được khởi công xây dựng ngày 19/8/1964 với công suất thiết kế 108 MW, sản lượng bình quân 400 triệu KWh/ năm.
Từ khi tiếp nhận và vận hành sản xuất, Nhà máy đã nhanh chóng ổn định tổ chức, tiếp thu nhanh kỹ thuật quản lý vận hành để độc lập công tác. Công suất và sản lượng điện phát ra của Nhà máy trong thời kỳ chiến tranh và sau khi hoà bình lập lại chiếm 70% sản lượng điện của hệ thống điện miền Bắc, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng CNXH của miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà.
Giai đoạn đầu đi vào hoạt động, nhà máy vừa sản xuất, vừa tiếp tục lắp ráp các tổ máy số 2 và 3, đồng thời vừa chiến đấu chống lại sự phá hoại của máy bay Mỹ để bảo vệ nhà máy. Khi nhận bàn giao vận hành phát điện tổ máy số 1, Nhà máy đã góp phần đáng kể cùng các nhà máy nhiệt điện trên miền Bắc cung cấp điện có hiệu quả cho sự nghiệp phát triển nền kinh tế, quốc phòng - an ninh.
Trong năm 1972, mặc dù bị máy bay Mỹ oanh tạc bắn phá, ném hàng ngàn quả bom bi, bom phá, bom rải dày đặc khu vực nhà máy với âm mưu phá hoại và huỷ diệt nhà máy thuỷ điện non trẻ của chúng ta. Song, Đại đội Tự vệ Nhà máy đã có kế hoạch sẵn sàng đánh trả từ trước bằng việc hợp đồng tác chiến với Trung đoàn 254 đánh trả quyết liệt khiến máy bay Mỹ phải tháo chạy. Khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước đi lên xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV tháng 12 năm 1976, đề ra đường lối mở đầu thời kỳ cả nước đi lên XHCN. Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà đã vận hành liên tục 3 tổ máy, phát huy hết công suất, khai thác triệt để khả năng của thiết bị và lượng nước hồ chứa phục vụ cho đất nước...
Những năm gần đây, mặc dù máy móc, thiết bị và các công trình thuỷ công của Nhà máy đã xuống cấp, hư hỏng, trong khi các phương tiện vật tư, phụ tùng thay thế vừa thiếu thốn vừa không đồng bộ, song cán bộ công nhân viên chức Nhà máy đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn để tự nghiên cứu, sửa chữa thiết bị và công trình. Bình quân hàng năm có từ 20 đến 30 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất để nâng cao năng suất lao động, đảm bảo vận hành an toàn, khai thác tốt khả năng của thiết bị và hồ chứa.
Nhiều đề tài khoa học và sáng kiến có giá trị như: thử nghiệm xác minh nâng cao công suất của nhà máy từ 108MW lên 120MW; tự thiết kế và lắp đặt đưa 3 tổ máy vào làm việc ở chế độ bù đồng bộ; nghiên cứu xây dựng đề tài bồi lắng hồ chứa; tự biên soạn, chỉnh lý hàng trăm loại quy trình vận hành, quy chế quản lý phục vụ cho sản xuất và công tác... Với công suất 120MW bao gồm 3 tổ máy 40MW với thiết bị, công nghệ Liên Xô, sản lượng điện sản xuất hàng năm của Nhà máy vào khoảng 400 triệu KW chiếm 2,9% tổng công suất phát điện của EVN và 1,05% tổng công suất phát điện của quốc gia.
Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà nay thuộc Công ty cổ phần Thuỷ điện Thác Bà Yên Bái. Và không chỉ là nơi ghi dấu những trận chiến oanh liệt chống Đế quốc Mỹ xâm lược, nơi đánh dấu sự ra đời đầu tiên của ngành thuỷ điện Việt Nam, Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà làm cho tuar du lịch Khám phá Thác Bà thêm phần hấp dẫn bởi chính vẻ đẹp và những giá trị chứng nhân lịch sử của công trình qua các thời kỳ đấu tranh, xây dựng kinh tế nước nhà.
Ngọc Sơn
Các tin khác
Cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế chỉ được lưu giữ hàng hóa đã hoàn thành thủ tục hải quan.
YBĐT - Thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh (Yên Bình - Yên Bái) được bao quanh là hồ nước mênh mông. Những ngôi nhà sàn ẩn hiện trong rừng cây đã tạo cho nơi đây một không khí trong lành, mát mẻ. Toàn thôn có 105 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Dao quần trắng từ vùng lòng hồ chuyển đến. Người dân sống đoàn kết, cởi mở, chân thật và mến khách. Ai đã từng đến với Ngòi Tu đều cảm nhận ngay điều đó.
YBĐT - Dự án đường Trạm Tấu - Bắc Yên được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt đầu tư xây dựng (giai đoạn I) với tổng mức đầu tư 50.164 triệu đồng. Chủ đầu tư là UBND huyện Trạm Tấu đã có nhiều cố gắng đôn đốc, triển khai thực hiện Dự án. Tuy nhiên, tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu, cần có biện pháp thúc đẩy tiến độ để hoàn thành đúng kế hoạch, đầu tư đồng bộ để công trình phát huy hiệu quả khi đưa vào sử dụng...
Trước thông tin những người chưa kịp nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc kịp trước 30.6 sẽ không được giảm trừ gia cảnh, hôm qua 24.6, ông Vũ Văn Trường - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, giảm trừ gia cảnh là quyền của người nộp thuế đã được quy định rõ trong Luật Thuế TNCN.