Bảo tồn và phát huy giống quế quý Văn Yên
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/6/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - “Trăng sáng trên núi cao cao, sáng mênh mông rừng quế người Dao…”. Những ai đã có dịp đặt chân đến các xã Đại Sơn, Viễn Sơn, Xuân Tầm, Mỏ vàng… của huyện Văn Yên (Yên Bái) thì sẽ không khỏi ngỡ ngàng và có cảm giác “no mắt” trước những cánh rừng quế bạt ngàn. Chẳng thế mà quế đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều nhạc sĩ và đi vào lòng người.
Quế - chỗ nào cũng ngút ngàn quế là quế. Cây quế đã gắn bó bao đời với vùng đất và đồng bào Dao nơi đây. Cây quế đã thực sự trở thành cây chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ gia đình bởi vậy mà từ lâu, việc trồng quế đã trở thành truyền thống mỗi độ xuân sang và Văn Yên đã trở thành cái nôi của cây quế. Quế Văn Yên được biết đến là một trong những loại quế thơm ngon nổi tiếng bởi quế có vỏ dày, mùi thơm đượm, hàm lượng tinh dầu cao. Đó cũng chính là lý do vì sao nhiều người tìm đến Văn Yên để mua quế.
Đến nay, ở 27 xã, thị trấn của huyện Văn Yên đã có hơn 15.000 ha quế. Cùng với một số loại cây kinh tế khác, quế đã và đang khẳng định vị trí của mình trong đời sống xã hội của người dân nơi đây và trở thành niềm tự hào của người Dao Văn Yên. Quế được người dân nâng niu, coi trọng và đã trở thành một phong tục riêng của người Dao. Mỗi khi gia đình nào có con cái đến tuổi lập gia đình thì sẽ cho con mình một đồi quế làm của hồi môn, quế được xem như là vốn liếng của cha mẹ giúp con tạo lập cuộc sống mới.
Ở thôn Khe Giang, xã Đại Sơn, ông Hoàng Văn An là một trong những đại biểu người dân tộc thiểu số tiêu biểu có công trong kháng chiến được gặp Bác Hồ ở Phủ chủ tịch năm 1962. Năm 1970 khi xã phát động trồng “Đồi quế nhớ ơn Bác Hồ” ông đã trồng được 8 cây, sau đó ông huy động và khuyến khích mọi người trong xã cùng tham gia vào trồng quế để phát triển kinh tế. Quế giúp gia đình ông và những người dân trong xã được no ấm. Đến nay, trên 600 hộ dân ở xã Đại Sơn đều có đồi quế.
Vào vùng quế Văn Yên, chúng tôi như bị "choáng ngợp" trước rừng quế nhiều thế hệ. Ứng với tuổi của từng cây quế mà người dân nơi đây đặt cho cây quế với các tên như: "quế ông, bà", "quế bố mẹ", "quế con"… Đây là cây "quế ông" của gia đình anh Hoàng Văn Minh, xã Đại Sơn. Cây quế này đã 22 tuổi, cây quế có đường kính lớn, một vòng tay ôm không xuể. Nhưng những cây quế có tuổi đời lâu như thế này thì ở xã Đại Sơn không còn nhiều bởi do nhu cầu đời sống vật chất mà người dân nơi đây đã chặt quế để bán nên những cây quế tổ cho đến nay không còn nữa. Hiện nay, do thị trường giá quế bấp bênh, tiền công đầu tư chăm sóc nhiều hơn tiền bán quế nên người dân nơi đây không còn "mặn mà" chăm sóc cây quế nữa, nhiều người trồng quế lâm vào cảnh khó khăn, thiếu thốn. Giá quế tươi hiện chỉ còn 5000 – 6000 đồng/kg, còn giá quế khô khoảng 12.000 đồng/kg nên cảnh người người bóc quế, nhà nhà phơi quế rồi đem bán không còn nhộn nhịp như trước đây nữa. Đã có lúc người trồng quế tính đến chuyện chặt quế để trồng cây kinh tế khác.
Trước thực trạng đó, tỉnh và huyện cũng đã nỗ lực tìm hướng đi mới cho cây quế bằng cách đưa ra nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, thu mua và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, huyện đã triển khai đề án giữ lại diện tích quế có đường kính 30 cm trở lên, chiều cao 15m ở các xã Đại Sơn, Viễn Sơn, Xuân Tầm, Mỏ Vàng nhằm bảo tồn nguồn giống quế và làm tiền đề để phục vụ du lịch sinh thái. Những cây quế có tuổi đời cao, đáp ứng được yêu cầu cũng đã được huyện đi kiểm tra và đánh dấu số cây để phục vụ cho công tác bảo tồn và phát triển cây quế.
Cây quế Văn Yên đã gắn bó với người Dao hàng trăm năm nay, bởi thế nó không chỉ là cây kinh tế mũi nhọn mà còn rất quan trọng trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Dao Văn Yên. Giữ gìn, bảo tồn và phát huy cây quế là một việc làm hết sức cấp bách ngay lúc này. Tỉnh và huyện cần phải có những giải pháp để hỗ trợ và khuyến khích người dân giữ gìn và bảo vệ được những cây quế cao tuổi. Cùng với đó, đầu tư xây dựng mô hình rừng quế sinh thái kết hợp với việc giới thiệu văn hóa của người Dao như: lễ cấp sắc, lễ tết nhảy… sẽ thu hút được khách du lịch đến để đắm chìm trong hương thơm của vùng đất quế và góp phần quảng bá được thương hiệu của cây quế Văn Yên.
Phúc Chi
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện kế hoạch trồng mới 2.800 ha rừng trong năm 2009, ngay từ đầu năm 2009, huyện Văn Yên (Yên Bái) phát động phong trào trồng cây mùa xuân rộng khắp từ vùng thấp đến vùng cao tạo khí thế phấn khởi trong nhân dân. Nhờ vậy, hết tháng 6 toàn huyện đã trồng mới trên 2.061 ha rừng, đạt 73,6% kế hoạch năm.
YBĐT - Nhằm giúp nông dân nắm bắt kịp thời những kỹ thuật về canh tác, thâm canh cây trồng vật nuôi, từ đầu năm đến nay huyện Văn Yên (Yên Bái) đã mở 363 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 583 nhóm hộ với trên 16.668 lượt hộ nông dân tham gia.
YBĐT - Yên Bái có nguồn lâm sản dồi dào, nhiều nhà máy giấy hoạt động đã đóng góp không nhỏ vào giá trị công nghiệp toàn tỉnh. Thế nhưng, các đơn vị sản xuất này thời gian qua chỉ khai thác mà quên tu bổ xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu. Các nhà máy giấy đang đối đầu với nguy cơ đóng cửa vì thiếu và không chủ động được nguyên liệu. Việc xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh là nhu cầu bức bách hiện nay.
Ngày 25.6, Bộ Tài chính cho biết đã ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách năm 2010. Theo đó, khi xây dựng dự toán thu ngân sách trên địa bàn, các địa phương cần căn cứ mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để tính đúng, tính đủ từng lĩnh vực thu, từng khoản thu theo chế độ.