Yên Bái: Thiếu nguyên liệu, các nhà máy giấy sẽ đi về đâu?
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/6/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Yên Bái có nguồn lâm sản dồi dào, nhiều nhà máy giấy hoạt động đã đóng góp không nhỏ vào giá trị công nghiệp toàn tỉnh. Thế nhưng, các đơn vị sản xuất này thời gian qua chỉ khai thác mà quên tu bổ xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu. Các nhà máy giấy đang đối đầu với nguy cơ đóng cửa vì thiếu và không chủ động được nguyên liệu. Việc xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh là nhu cầu bức bách hiện nay.
Cơ sở chế biến gỗ Tuấn Mai ở thôn Đồng Bằng, xã Lương Thịnh (Trấn Yên) là cơ sở tiêu thụ khá lớn gỗ rừng trồng. (Ảnh: Hà Linh)
|
Yên Bái là tỉnh miền núi, có nhiều lợi thế về phát triển lâm nghiệp. Những năm qua, nhờ phát triển vốn rừng theo các chương trình, dự án, nhân dân, các lâm trường đã đẩy mạnh phát triển rừng kinh tế. Toàn tỉnh đã trồng được trên 264 ngàn ha rừng kinh tế, chiếm 52,9% diện tích đất lâm nghiệp. Hàng năm, khai thác được 200.000m3, trên 100 ngàn tấn tre, nứa, vầu và các lâm sản phụ.
Đây là nguồn nguyên liệu lớn phục vụ công nghiệp chế biến, trong đó có công nghiệp giấy và bột giấy. Hiện toàn tỉnh có 6 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giấy và bột giấy, trong đó chủ lực là sản xuất giấy đế, giấy vàng mã và là một trong những sản phẩm công nghiệp mũi nhọn của tỉnh. hàng năm, sản xuất khoảng 32 ngàn tấn sản phẩm, chiếm 9% giá trị sản xuất công nghiệp.
Không những thế, chế biến gỗ còn giải quyết việc làm cho hàng nghìn công nhân có việc làm ổn định. Tuy nhiên, ngành công nghiệp giấy Yên Bái đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa!
Sau một thời gian dài phải hoạt động cầm chừng do thị trường tiêu thụ lâm sản xuất khẩu gặp nhiều khó khăn thì đến cuối tháng 4/2009, thị trường xuất khẩu có chiều hướng khá hơn. Một số doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu trong đó giấy đế, vàng mã. Tuy nhiên, các nhà máy giấy lại đói nguyên liệu trầm trọng. Vào thời điểm tháng 6, hầu hết các nhà máy trên địa bàn chỉ sản xuất cầm chừng. Mặc dù trong thời gian vừa qua giá nguyên liệu sợi dài đã được đẩy lên cao hơn nhưng vẫn không đủ phục vụ cho sản xuất.
Thiếu nguyên liệu vào thời điểm này được lý giải rằng đang vào vụ thu hoạch lúa nên nông dân chưa có thời gian đi khai thác. Nguyên nhân đó không sai, nhưng có một nguyên nhân các nhà máy đều nhận thấy nhưng lại không muốn nói ra, đó là việc không đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu. Đứng chân trên địa bàn dồi dào lâm sản nhưng không một nhà máy nào đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu.
Với 25 dây chuyền sản xuất giấy đế, giấy vàng mã có tổng công suất 32.500 tấn sản phẩm/năm cần tiêu tốn khoảng trên 120.000 tấn nguyên liệu tre, vầu, nứa. Dù Yên Bái có trữ lượng tre, nứa vầu khá dồi dào nhưng với việc bóc lột tài nguyên một cách bừa bãi như vài năm trở lại đây thì tài nguyên có giàu đến mấy cũng đến lúc cạn. Nhà máy không đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu, người dân khai thác nguyên liệu một cách bừa bãi không theo quy trình quy phạm. Ở đâu có nứa là khai thác trắng, các nhà máy giấy do không đủ nguyên liệu nên mua hết, càng nhiều càng tốt. Chính vì vậy, tre, nứa ,vầu chưa kịp lên thì đã chặt trắng không còn cơ hội tái sinh. Vì vậy, có nhiều nhà chuyên môn dự báo chỉ vài năm nữa sản xuất giấy vàng mã sẽ bị xoá sổ khỏi ngành công nghiệp Yên Bái.
Để ngành giấy không bị xoá sổ thì việc xây dựng vùng nguyên liệu được coi là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Thực tế cũng có nhà máy nghĩ đến chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Nhưng có một cái khó là muốn có vùng nguyên liệu thì phải quy hoạch được diện tích liên tục và có quy mô từ vài trăm ha trở lên.
Trong khi đó, đất lâm nghiệp, rừng khoanh nuôi tái sinh đã cơ bản giao hết cho dân và các công ty lâm nghiệp. Vì vậy, tỉnh cần có chính sách để tạo ra những vùng đất quy mô lớn cho doanh nghiệp thuê để xây dựng vùng nguyên liệu trên cơ sở sự tồn tại của ngành sản xuất giấy trên địa bàn hiện nay. Các nhà máy giấy có thể nghĩ tới hai phương án, hoặc thuê đất trồng nguyên liệu sợi dài đối với đất chưa có chủ, hoặc doanh nghiệp liên kết với dân để trồng rừng. Trong hai phương án trên thì chính sách liên kết giữa doanh nghiệp với dân theo hình thức nhân dân góp đất trồng rừng doanh nghiệp góp vốn rồi mua nguyên liệu của dân xem ra khả thi hơn.
Bên cạnh đó, cũng cần những hỗ trợ thỏa đáng của tỉnh, của doanh nghiệp, khuyến khích các hộ có đất liên kết trồng rừng nguyên liệu bán cho các nhà máy. Cùng với đó, muốn phát triển ổn định thì cần phải thay đổi công nghệ thiết bị lạc hậu; đầu tư thoả đáng cho việc xử lý chất thải giảm gây ô nhiễm môi trường như hiện nay…
Văn Thông
Các tin khác
Ngày 25.6, Bộ Tài chính cho biết đã ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách năm 2010. Theo đó, khi xây dựng dự toán thu ngân sách trên địa bàn, các địa phương cần căn cứ mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để tính đúng, tính đủ từng lĩnh vực thu, từng khoản thu theo chế độ.
Ngày 24-6, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố mẫu Giấy chứng nhận mới (là “phiên bản” hợp nhất của GCN quyền sử dụng đất - “sổ đỏ” - và GCN quyền sở hữu nhà ở - “sổ hồng”) để trưng cầu ý kiến góp ý của nhân dân.
Trong phiên họp toàn thể ngày 24-6, với đa số phiếu thuận, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA). Với việc Hạ viện đã thông qua hiệp định trên vào ngày 28-5, VJEPA đã chính thức được Quốc hội Nhật Bản thông qua và điều đó có nghĩa là hiệp định có hiệu lực từ ngày 24-6.
YBĐT-Ngày 25/6/2009, Ban quản lý Dự án Chương trình thí điểm lâm nghiệp cộng đồng tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện “Dự án lâm nghiệp cộng đồng”. Dự có các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Ban quản lý Dự án Trung ương, lãnh đạo huyện Văn Yên và Lục Yên cùng cán bộ xã, thôn, bản tham gia dự án.