Yên Bái: Vốn vay hỗ trợ lãi suất có phát huy hiệu quả?
- Cập nhật: Thứ ba, 30/6/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong bối cảnh nền kinh tế sau lạm phát lại lâm vào suy thoái, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của UBND tỉnh, đã giúp doanh nghiệp ở Yên Bái tranh thủ cơ hội, ổn định sản xuất kinh doanh nhưng cũng còn nhiều hạn chế, vướng mắc cần được khắc phục, tháo gỡ để dòng vốn HTLS phát huy hiệu quả...
Công ty cổ phần Mông Sơn đã nhanh chóng ổn định được sản xuất kinh doanh nhờ giải quyết tốt nguồn vốn.
|
Nỗ lực của các ngân hàng
Chính xác là 984 tỷ đồng vốn vay hỗ trợ lãi suất (HTLS) đã được các ngân hàng “bơm” cho nền kinh tế địa phương trong khoảng 5 tháng qua (tính đến 11.6.2009). Dư nợ vốn vay HTLS chiếm 27,3% tổng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn. Đó là dư nợ lớn có mức tăng trưởng cao với trên 3.200 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được vay vốn.
Nhìn vào cơ cấu dư nợ và loại hình cho vay, có thể thấy các ngân hàng đã xác định rõ đối tượng và vị trí của ngành kinh tế để cho vay: 309 doanh nghiệp, dư nợ 719 tỷ đồng; 2.924 hộ gia đình, cá nhân dư nợ 232 tỷ, còn lại là hợp tác xã.
Ông Bùi Trung Thu–Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Yên Bái: Vốn vay HTLS thực chất là vốn hỗ trợ của Nhà nước thông qua ngân hàng, chúng tôi xác định trách nhiệm của mình rất cao, bao gồm trách nhiệm quản lý cho vay và tạo điều kiện cho đối tượng tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi nhất trên cơ sở đúng quy định của Trung ương. |
Ngân hàng Công thương Chi nhánh Yên Bái, theo Giám đốc Ngô Văn Hanh, tới 18.6.2009, đã cho vay HTLS trên 105 tỷ đồng, trong đó 100 tỷ vay ngắn hạn theo Quyết định 131/QĐ-TTg; gần 5,5 tỷ trung dài hạn với tổng số tiền vay đã hỗ trợ là 449 triệu đồng. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Yên Bái cho vay HTLS trên 307 tỷ đồng với số tiền hỗ trợ lãi vay 1,8 tỷ đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT dư nợ cho vay trên 595 tỷ với 1,8 tỷ đồng hỗ trợ lãi vay. Phân tích cơ cấu dư nợ: gần 45% được cho vay phát triển công nghiệp-xây dựng, 39,8% cho thương mại-dịch vụ, còn lại là kinh tế nông lâm nghiệp.
Tới ngày 11.6.2009, dư nợ theo Quyết định 131/QĐ-TTg (thực hiện từ tháng 2/2009) của các ngân hàng là 891 tỷ đồng, chiếm 46,92% dư nợ ngắn hạn; khoản vay trung hạn, dài hạn theo Quyết định 443/QĐ-TTg (từ.4.2009) là 89 tỷ đồng; dư nợ theo Quyết định 497/QĐ-TTg (thực hiện từ 1.5.2009) là 3,8 tỷ đồng. Dự ước, hết tháng 6.2009, dư nợ cho vay HTLS ở Yên Bái đạt 1.200 tỷ, chiếm 33% trong tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn.
Sinh khí mới cho doanh nghiệp
Trong khó khăn của nền kinh tế, đáng khen các doanh nghiệp là đã có cách tiếp cận chiến lược với thị trường, cơ cấu kịp thời tài chính và doanh nghiệp, nỗ lực tìm kiếm thị trường, phát huy hiệu quả vốn vay để ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Điển hình là Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái đã vay trên 8 tỷ đồng vốn ngắn hạn bổ sung vốn lưu động, đầu tư cho tìm kiếm thị trường tiêu thụ, thu mua đủ nguyên liệu cho 3 nhà máy chế biến tinh bột, gấy đế, giấy vàng mã.
Sản xuất của Công ty cổ phần Lâm Nông sản thực phẩm Yên Bái đã vượt qua khó khăn
6 tháng qua, đã sản xuất tiêu thụ 4.800 tấn giấy đế; 1.300 tấn giấy vàng mã; 8.100 tấn tinh bột sắn. Giá trị tổng sản lượng 6 tháng đạt 60 tỷ đồng; nộp ngân sách 700 tỷ đồng; thu nhập bình quân cán bộ công nhân viên 1,6 triệu đồng/tháng. Giám đốc Nguyễn Văn Bình hồ hởi: “Doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, nắm bắt được cơ hội tiêu thụ sản phẩm nhờ được vay vốn kịp thời. Các chỉ tiêu đề ra của năm 2009, hiện đã đạt từ 50 – 70%”.
Trong khai thác, chế biến khoáng sản, Công ty cổ phần Mông Sơn đã nhanh chóng ổn định được sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm bột CaCO3 siêu mịn nhờ giải quyết tốt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
Giám đốc Nguyễn Ngọc Chỉnh cho biết, dư nợ tín dụng các ngân hàng thương mại hiện nay của doanh nghiệp là gần 70 tỷ đồng, trong đó tiền HTLS từ ngân hàng cho khoản vay tín dụng theo Quyết định 131/QĐ-TTg đã được hưởng là 50 triệu đồng/2 tỷ dư nợ vốn vay. Ông Chỉnh vui vẻ thông tin: “Công ty đã bảo đảm sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường và mở rộng xuất khẩu sang Bănglađét, Ân Độ, Ô Man, Hàn Quốc, Nga... Doanh thu dự ước 41 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 2,8 tỷ, lợi nhuận sau thuế 2,7 tỷ, doanh nghiệp có điều kiện đầu tư thêm dây chuyền nghiền bột CaCO3 siêu mịn, công suất 1,5 tấn/h”.
Ông Trần Kim Trọng, Giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Yên Bái nói: “Nhu cầu vốn của Công ty khoảng 50 tỷ đồng/năm, từ tháng 2.2009, Công ty đã được vay 49 tỷ đồng HTLS của Ngân hàng Đầu tư Phát triển Chi nhánh Yên Bái. Nhờ đó, doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn về vốn, chủ động trong kinh doanh, nhanh chóng ổn định trong khó khăn chồng chất của lạm phát và suy thoái kinh tế”.
Những hạn chế, vướng mắc
Hạn chế lớn nhất là thông tin về chính sách tới các hộ dân, nhất là các hộ sản xuất ở nông thôn. Đối tượng cho vay đồng thời cũng là khách hàng của các ngân hàng thương mại nhiều nơi vẫn chưa nắm bắt kịp thời và cụ thể về các chính sách hỗ trợ vốn vay của Chính phủ. Trách nhiệm chủ yếu của các ngân hàng nhưng cũng có phần của chính quyền, đoàn thể các địa phương. Việc thông tin tới doanh nghiệp, hộ dân nhiều nơi chưa được chính quyền, các tổ chức đoàn thể xác định là nhiệm vụ của mình, cho đó là của riêng ngân hàng.
Khi triển khai Quyết định 131/QĐ-TTg, doanh nghiệp và hộ sản xuất kêu thiếu vốn trung dài hạn, khi triển khai Quyết định 443/QĐ-TTg thì dư nợ vay trung dài hạn không đáng kể, trên 89 tỷ đồng (tới 11.6.2009), chỉ chiếm 5,54% dư nợ trung dài hạn của các ngân hàng thương mại. Dư nợ cao hay thấp tuỳ thuộc nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp và nông dân nhưng thực tế 2 tháng triển khai cho vay theo Quyết định 443/QĐ-TTg cho thấy chính sách chậm đi vào cuộc sống trong khi nhu cầu vốn rất cao. Như ở Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Văn Chấn, hiện mới có một khách hàng được vay 200 triệu đồng.
Tương tự, Quyết định 497/QĐ-TTg sau hơn 1 tháng thực hiện dư nợ vẻn vẹn 3,8 tỷ đồng. Còn có những ràng buộc khắt khe từ quy định pháp luật nhưng thực tế là công tác thông tin, tư vấn khách hàng, chủ động thực hiện chính sách ở một số địa phương, ngân hàng – nhất là cấp huyện chưa được coi trọng, không loại bỏ tư tưởng “cầu an” trong việc quản lý và cho vay vốn hỗ trợ của Nhà nước.
Quy định cho vay là chặt chẽ nhưng trong thực tế việc các khách hàng dư nợ cũ chưa trả hết không được vay vốn HTLS đang làm giảm hiệu quả của một chính sách lớn nhằm kích cầu kinh tế. Nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất không tìm được cách trả nợ, hết đường huy động vốn, ngậm ngùi “ôm” lãi suất ngất ngư 17 – 18,5% hàng tháng trả ngân hàng và tạm ngừng sản xuất.
Bên cạnh thực hiện cho vay HTLS theo các quyết định của Chính phủ, việc thực hiện cho vay HTLS 2% theo Quyết định 328 của UBND tỉnh Yên Bái tồn tại nhiều hạn chế. Việc hướng dẫn thực hiện quyết định này rất chậm gây khó khăn cho các cơ quan có trách nhiệm triển khai và doanh nghiệp, hộ sản xuất không nắm rõ thông tin chính sách.
Trong thực hiện, các thủ tục hồ sơ rất phiền hà, rườm rà, doanh nghiệp và hộ sản xuất kiến nghị cơ quan chức năng cần loại bỏ các giấy tờ không cần thiết, lấy hồ sơ cho vay HTLS 4% của ngân hàng (pho to, công chứng) làm cơ sở để HTLS thay vì các thủ tục quá rườm rà như hiện nay.
Tuấn Anh
Các tin khác
Ngày 29-6, thông tin từ Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong dự thảo mới nhất của Nghị định về vận tải đường bộ đã bỏ quy định về số lượng phương tiện của doanh nghiệp vận tải.
Ngày 29.6, Tổng cục Thuế đã có công điện gửi các cục thuế tỉnh thành về việc gia hạn nộp tờ khai đăng ký người phụ thuộc và hồ sơ chứng minh người phụ thuộc đến hết ngày 31.12.
YBĐT - Huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái), cuộc sống của người dân đã đổi thay nhiều. Phố huyện thêm đông vui, sầm uất với nhiều công trình mới mọc lên; thêm nhiều bản làng định cư đêm về sáng ánh điện. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi vùng cao này ngày một đổi thay nhờ có Đảng.
YBĐT - Lâu nay, khi thi công các tuyến đường giao thông thường gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong khâu giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, ở tổ 20, phường Nguyễn Thái Học (TP Yên Bái), có con đường mang tên Lê Chân nối từ đường Yên Ninh tới thôn Cầu Đền, xã Nam Cường là con đường mà người dân đã tự nguyện hiến đất cho Nhà nước.