Hỗ trợ pháp lý: Công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp hội nhập và phát triển

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/7/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong các giao dịch và các công việc phát sinh hàng ngày của doanh nghiệp đều ít nhiều có liên quan đến pháp luật, mà trực tiếp là tiếp cận với cán bộ thực thi pháp luật. Vì vậy, trong những năm trước đây nhiều người kinh doanh thường chỉ nghĩ làm sao vừa nhanh chóng, thuận tiện lại vừa giữ được lợi ích kinh doanh nên họ thường lập trình rất nhanh giữa việc “luồn lách” hoặc thuê tư vấn pháp luật xem biện pháp nào hiệu quả hơn thì sẽ lựa chọn.

Sản phẩm giấy đế của Công ty cổ phần HAPACO Yên Sơn. (Ảnh: Anh Dũng)
Sản phẩm giấy đế của Công ty cổ phần HAPACO Yên Sơn. (Ảnh: Anh Dũng)

Tuy nhiên, do yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt kể từ sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) thì các doanh nghiệp đã tự mình cập nhật, sử dụng các văn bản quy phạm pháp luật được đăng tải rộng rãi trên các trang thông tin điện tử, các tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật do Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành biên soạn. Nhưng trên thực tế, việc hiểu biết và trình độ am hiểu kiến thức pháp luật của không ít các doanh nghiệp còn rất hạn chế, năng lực cạnh tranh, hội nhập kinh tế, quốc tế chưa cao.

Do đó, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng làm ăn thua lỗ, phá sản hoặc nảy sinh các tranh chấp kinh tế. Những nguy cơ tiềm ẩn đó có thể xảy ra với bất kỳ doanh nghiệp nào, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn, miền núi.

Vì vậy, để góp phần đảm bảo an toàn trong hoạt động của doanh nghiệp, ngày 28/5/2008, Chính phủ  đã ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP quy định hình thức, nội dung hỗ trợ pháp lý, điều kiện bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân kinh doanh; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Hỗ trợ pháp lý được thực hiện dưới các hình thức như bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho doanh nghiệp thông qua việc các Bộ tổ chức biên soạn tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật và phối hợp với UBND cấp tỉnh, các tổ chức đại diện của doanh nghiệp thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hình thức hỗ trợ pháp lý thông dụng nhất và dễ thực hiện nhất là giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp. theo đó, doanh nghiệp có quyền yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh giải đáp pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

Việc giải đáp pháp luật có thể được thực hiện thông qua mạng điện tử, bằng văn bản, giải đáp trực tiếp hoặc qua điện thoại. Các Bộ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời yêu cầu giải đáp pháp luật trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày doanh nghiệp cung cấp đủ thông tin có liên quan đến yêu cầu giải đáp pháp luật. Đối với trường hợp có nội dung phức tạp thì thời hạn trả lời là 30 ngày làm việc.

Ngày 31/3/2009, ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định số 403/QĐ - UBND ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 66/NĐ - CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong đó giao cho Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện Kế hoạch.

Quyết định số 403/QĐ - UBND được ban hành nhằm triển khai đồng bộ, thống nhất và có hiệu quả những quy định của Nghị định số 66/NĐ - CP, tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đồng thời  cũng đề ra yêu cầu phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, nắm bắt kịp thời nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp, tạo sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan Nhà nước với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp, tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành pháp luật cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong tỉnh. Từ đó, đề ra các phương thức hoạt động hỗ trợ pháp lý  phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp và đối tượng phục vụ.

Tỉnh Yên Bái hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp thuộc các loại hình doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công ty cổ phần, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân và HTX. Theo thống kê, trong năm 2008, số doanh nghiệp  này đạt doanh thu trên 1.540 tỉ đồng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước  gần 230 tỉ đồng, chiếm trên 58 % tổng thu ngân sách toàn tỉnh, đồng thời tạo được 22.000 việc làm cho lao động tại địa phương.

Đây là kết quả đáng khích lệ mà doanh nghiệp trong tỉnh đã làm được trong năm qua, một năm đầy khó khăn và biến động của nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Vì thế, việc triển khai thực hiện sớm Nghị định 66/NĐ - CP chính là động lực, là sự động viên, khuyến khích lớn của tỉnh đối với các doanh nghiệp trên địa bàn.

Nhưng có một thực tế là hầu hết các doanh nghiệp chỉ khi nào gặp rắc rối, tranh chấp trong sản xuất kinh doanh thì mới tìm hiểu xem là mình đúng hay sai, có vi phạm pháp luật không. do đó, cái mà họ cần hỗ trợ là những tình huống cụ thể họ gặp phải được pháp luật giải quyết như thế nào và những văn bản nào điều chỉnh, tìm kiếm, khai thác những văn bản đó ở đâu.

Trong khi đó, tại Khoản 6 - Điều 10 – Nghị định 66/NĐ - CP lại quy định việc giải đáp pháp luật nêu trên không áp dụng đối với các yêu cầu giải đáp pháp luật của doanh nghiệp về các trường hợp cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Quy định này  chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu cần hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp và vô tình đã làm hạn chế mục tiêu hỗ trợ tối đa và tốt nhất cho doanh nghiệp trong thực tế triển khai công tác hỗ trợ pháp lý.

Vì thế,  để việc hỗ trợ pháp lý đảm bảo được tính thống nhất và thực sự có hiệu quả đối với các doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh cần nghiên cứu, xem xét, đề nghị Chính phủ thành lập một cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm giải đáp các thắc mắc và cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp, cơ quan này sẽ giúp cho UBND tỉnh kịp thời nắm bắt những nhu cầu, những vướng mắc về pháp lý cho doanh nghiệp, từ đó đề xuất những phương án  giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, góp phần đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, giúp các doanh nghiệp hội nhập và phát triển có hiệu quả.

Khánh Thư

Các tin khác

YBĐT - Được sự giúp đỡ của Ban điều hành Dự án Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Phụ nữ huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã chọn 3 xã là Thanh Lương, Hạnh Sơn và xã Phúc Sơn tham gia thực hiện Dự án “Giúp các hộ dân khó khăn về kinh tế của tỉnh Yên Bái tăng thu nhập thông qua áp dụng phân viên nén dúi sâu trong thâm canh lúa với mô hình bền vững về truyền thông đại chúng và hệ thống cung cấp phân viên thông qua các doanh nghiệp nhỏ”.

Quần jean Levi’s đang thu hút sự chú ý của giới trẻ

Levi’s là một thương hiệu điển hình được tạo ra bởi một người nhập cư trong những năm chiến tranh chết chóc ở miền tây nước Mỹ. Và quần jean Levi’s ngày nay đã có một biểu tượng nổi bật khắp toàn cầu.

Giữ nguyên qui định giá điện giờ cao điểm sáng sẽ làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp.

Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương vừa kiến nghị Chính phủ cho phép giảm 20% giá điện giờ cao điểm sáng và bắt đầu thực hiện từ ngày 1/8/2009.

Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định các chính sách trợ giúp và quản lý nhà nước về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNV). Chính sách trợ giúp này bao gồm các giải pháp và kinh phí thực hiện, được đưa vào kế hoạch hằng năm và 5 năm của các bộ, ngành, địa phương và nền kinh tế quốc dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục