Phong Dụ Thượng: Làm gì để thoát nghèo?
- Cập nhật: Thứ hai, 6/7/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Phong Dụ Thượng (Văn Yên - Yên Bái) là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, có nhiều dân tộc như: Tày, Dao, Mông, Kinh sinh sống. Toàn xã có 872 hộ với 4.970 khẩu, nhưng hiện nay tỷ lệ hộ nghèo vẫn tới 47%. Vì sao Phong Dụ Thượng nghèo? Làm thế nào để giảm nghèo nhanh, bền vững? vẫn đang là câu hỏi lớn.
Thu mua quế vỏ ở huyện Văn Yên.
|
Ông Siều Ngọc Tân - Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm gần đây, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2009 xã tiếp tục chỉ đạo nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện các chính sách đầu tư cho phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, đưa các loại cây trồng vật nuôi năng suất cao vào sản xuất. Các loại cây lương thực của xã như: lúa xuân, lúa nương mộ, ngô đông, đều gieo trồng vượt chỉ tiêu kế hoạch và tổng sản lượng lương thực đạt gần 1.400 tấn. Mặc dù vậy, bình quân lương thực mới đạt 27 kg/người/tháng; thu nhập bình quân đầu người qui tiền chưa được 200 nghìn đồng/người/tháng. Trong 6 tháng đầu năm, xã vẫn phải nhận 5.000 kg gạo cứu đói, cấp cho hơn 4.000 hộ dân trong xã. Hiện địa phương vẫn còn 150 hộ đang ở nhà tạm”.
Để tăng nguồn thu, xã chỉ đạo nhân dân trồng thêm 103 ha sắn, 31 ha rau các loại, 12 ha đậu tương, 13,5 ha chè và 11,6 ha cây ăn quả. Bà con cũng đã trồng mới được 173 ha cây lâm nghiệp gồm: quế, bồ đề, keo, mỡ. Hiện nay, xã có tổng đàn trâu 1.823 con, bò 328 con, lợn 4.020 con, dê 230 con và 18.750 gia cầm các loại. Vốn Chương trình 135 giai đoạn II tại xã đang triển khai hỗ trợ giống cây trồng cho hộ nghèo, mua máy tuốt lúa cho một số cơ sở còn lại. Các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ cũng đang được triển khai, nhằm đảm bảo an sinh xã hội, cũng như phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, xã tranh thủ huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tập trung xây dựng các tuyến đường từ trung tâm xã xuống thôn, bản. Mới đây, xã đã mở rộng tuyến đường từ thôn 4 xuống thôn 3 rộng 3,5 m, dài 285 m do nhân dân tự làm. Công trình đường thôn 4 Cao Sơn đi thôn 3 Làng Ngõa trị giá hơn 900 triệu đồng dài hơn 1 km do nhà nước đầu tư từ Chương trình 135 đang được thi công. Công trình thuỷ lợi thôn 9 trị giá 750 triệu đồng, thuộc nguồn vốn phòng chống bão lũ đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng phục vụ tưới tiêu cho hơn 40 ha ruộng nước. Từ nguồn Chương trình 135, xã làm chủ đầu tư với tổng số tiền 61 triệu đồng xã đã mua 12,2 vạn cây giống cấp cho 301 hộ nghèo.
Vậy vì sao xã vẫn còn nhiều hộ nghèo, người dân vẫn khai thác gỗ trái phép và xâm canh phá rừng làm nương rẫy? Bên cạnh nguyên nhân do trình độ dân trí thấp thì thực tế cho thấy, tư duy phát triển sản xuất ở đây chưa có . Về lâm nghiệp, ngoài cây quế, xã không có rừng thâm canh với diện tích lớn. Chăn nuôi của xã phát triển nhỏ lẻ, số trâu, bò tính theo bình quân đầu người không nhiều, chưa theo mô hình trang trại. Đời sống người dân đang phụ thuộc nhiều vào cây quế và cây lúa; tính chất sản xuất hàng hoá chưa cao. Hiện sản xuất của xã đã có hướng tập trung vào phát triển kinh tế rừng, ruộng, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm nhưng chưa theo qui mô lớn và năng suất chưa cao. Người dân vẫn phát triển chăn nuôi theo lối cũ, do vậy tiềm năng lợi thế ở đây chưa được khai thác.
Để xoá nghèo hiệu quả, cùng với tập trung thâm canh tăng vụ, tăng năng suất lúa và cây trồng, vật nuôi xã cần tập trung xây dựng các mô hình cụ thể. Đối với chăn nuôi trâu, bò, thì nên tranh thủ lợi thế tiềm năng về đất đai đưa giống tốt vào chăn nuôi bán công nghiệp kết hợp với chăn thả, trồng cỏ để phát triển. Gà cũng có thể nuôi theo mô hình thả vườn từ vài chục đến vài trăm con. Chăn nuôi lợn, cần có mô hình cụ thể đối với hộ nghèo ít vốn thì đầu tư hỗ trợ từng bước từ nhỏ đến mở rộng sản xuất. Những hộ có vốn sẵn, tranh thủ hỗ trợ thêm từ tỉnh để phát triển chăn nuôi với qui mô lớn hơn. Diện tích rừng tự nhiên cần giao cho dân bảo vệ phát triển; đối với diện tích rừng trồng có thể đưa các giống cây nguyên liệu cho năng suất cao vào phát triển với diện tích lớn. Đảng viên, cán bộ phải là những người đi đầu tạo mô hình nhân rộng trong nhân dân.
Có khối lượng sản phẩm lớn trở thành hàng hoá thì Phong Dụ Thượng mới tạo được động lực giúp người dân nâng cao đời sống, từng bước đẩy lùi đói nghèo, hạn chế được tình trạng khai thác lâm sản trái phép và phá rừng làm nương. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như: đường giao thông, thuỷ lợi mới thực sự phát huy được hiệu quả thúc đẩy sản xuất, cũng như giao lưu phát triển kinh tế - xã hội.
Mạnh Hưng
Các tin khác
YBĐT - Trong các giao dịch và các công việc phát sinh hàng ngày của doanh nghiệp đều ít nhiều có liên quan đến pháp luật, mà trực tiếp là tiếp cận với cán bộ thực thi pháp luật. Vì vậy, trong những năm trước đây nhiều người kinh doanh thường chỉ nghĩ làm sao vừa nhanh chóng, thuận tiện lại vừa giữ được lợi ích kinh doanh nên họ thường lập trình rất nhanh giữa việc “luồn lách” hoặc thuê tư vấn pháp luật xem biện pháp nào hiệu quả hơn thì sẽ lựa chọn.
YBĐT - Được sự giúp đỡ của Ban điều hành Dự án Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Phụ nữ huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã chọn 3 xã là Thanh Lương, Hạnh Sơn và xã Phúc Sơn tham gia thực hiện Dự án “Giúp các hộ dân khó khăn về kinh tế của tỉnh Yên Bái tăng thu nhập thông qua áp dụng phân viên nén dúi sâu trong thâm canh lúa với mô hình bền vững về truyền thông đại chúng và hệ thống cung cấp phân viên thông qua các doanh nghiệp nhỏ”.
Levi’s là một thương hiệu điển hình được tạo ra bởi một người nhập cư trong những năm chiến tranh chết chóc ở miền tây nước Mỹ. Và quần jean Levi’s ngày nay đã có một biểu tượng nổi bật khắp toàn cầu.
Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương vừa kiến nghị Chính phủ cho phép giảm 20% giá điện giờ cao điểm sáng và bắt đầu thực hiện từ ngày 1/8/2009.