Doanh nghiệp nghĩ gì về môi trường kinh doanh 2009?
- Cập nhật: Thứ tư, 2/12/2009 | 12:00:00 AM
“Cảm nhận của các doanh nghiệp là lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh. Có một sự hài lòng cao từ phía doanh nghiệp dành cho các chính sách của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức”.
Sau một năm khó khăn, điều kiện kinh doanh của Việt Nam đang dần trở nên tích cực hơn trong con mắt cộng đồng kinh doanh.
|
Giám đốc khu vực Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), ông Simon Andrews khái quát lại kết quả báo cáo điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh 2009, được tổ chức này công bố sáng nay, căn cứ trên số liệu được tổng hợp từ tháng Chín năm nay.
Nhìn nhận tích cực hơn
Trái với cảm nhận kém thuận lợi của năm ngoái, báo cáo của IFC cho thấy, có gần 2/3 doanh nghiệp được hỏi nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian tới là tích cực; hơn 3/4 doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong 3 năm tới.
Cụ thể, mức điểm bình quân mà các doanh nghiệp đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2009 là 2,21/4 điểm, tăng so với mức 1,9 điểm của năm 2008. Thậm chí, mức độ lạc quan còn cao hơn so với năm 2007 (2,14 điểm), thời điểm trước khủng hoảng kinh tế xảy ra trên diện rộng.
Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh ở mức độ kém cũng giảm từ 30% trong năm 2008 xuống còn 14,63% trong điều tra năm nay.
“Điều này cho thấy sau một năm khó khăn, điều kiện kinh doanh của Việt Nam đang dần trở nên tích cực hơn trong con mắt cộng đồng kinh doanh”, báo cáo nhận định.
Về triển vọng kinh doanh những năm tới, đa số doanh nghiệp (61,87%) cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn; 32,73% số doanh nghiệp nhận định kinh tế sẽ không có thay đổi; trong khi chỉ có 5,4% cho rằng nền kinh tế sẽ tồi tệ hơn.
Đối với năm 2010, các doanh nghiệp đánh giá ở mức 2,62/4 điểm, cao hơn nhiều nhìn nhận triển vọng kinh doanh của năm ngoái. Kỳ vọng trong 3 năm tới cũng cao hơn, khi có tới 83,21% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong giai đoạn này (con số của cuộc điều tra trước là 78%).
Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều giữa hai khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Có đến 88,02% doanh nghiệp trong nước cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong 3 năm tới, so với con số 72,94% của doanh nghiệp FDI.
Tuy nhiên, vẫn có 1,42% doanh nghiệp cho biết sẽ giảm quy mô kinh doanh, 2 doanh nghiệp cho biết sẽ đóng cửa doanh nghiệp trong 3 năm tới. Trong số doanh nghiệp có tương lai “tiêu cực này”, chỉ có một doanh nghiệp trong nước, còn lại là doanh nghiệp FDI.
Mức độ kỳ vọng về môi trường kinh doanh lên cao cho thấy, các doanh nghiệp đang đặt nhiều niềm tin hơn vào việc phục hồi của nền kinh tế, về môi trường kinh doanh được cải thiện hơn trong tương lai gần, báo cáo của IFC “chốt” lại.
Hài lòng với quản lý vĩ mô
Trong 14 chỉ số riêng biệt về cảm nhận môi trường kinh doanh 2009 của các doanh nghiệp, những vị trí đứng đầu có sự “đổi ngôi”, nhưng vẫn là những chỉ tiêu quen thuộc của năm ngoái.
“Quản lý vĩ mô” được đánh giá cao nhất, với 2,64/4 điểm, “soán” ngôi của “Tiếp cận thông tin”, đẩy chỉ số này xuống vị trí thứ hai với 2,5 điểm. “Tiếp cận vốn” năm nay lên được một bậc, đứng vị trí thứ ba với 2,48 điểm. Trong khi đó, “Khả năng cạnh tranh trong khu vực” năm ngoái nằm ở TOP 2 thì nay xuống xếp thứ 4, đạt 2,44 điểm.
“Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao thành công của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát và điều hành nền kinh tế Việt Nam vượt qua giai đoạn khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua”, báo cáo rút ra kết luận.
Tuy nhiên, các vị trí cuối bảng không có sự thay đổi nhiều sau một năm qua. Lần lượt các vị trí “đội sổ” là: “Cơ sở hạ tầng” được 1,96 điểm; “Bảo vệ sở hữu trí tuệ” đạt 1,99 điểm; “Giải quyết tranh chấp và thực thi phán quyết của tòa án” nhận được 2,03 điểm; “Khả năng tiếp cận ngoại tệ” là 2,08 điểm; “Hiệu quả dịch vụ hành chính” đạt 2,09 điểm…
Cơ sở hạ tầng tiếp tục là quan ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Có tới 87,8% doanh nghiệp nước ngoài và 83% doanh nghiệp trong nước đánh giá cơ sở hạ tầng là Kém và Rất kém. Đặc biệt, có tới 95,6% doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đánh giá chất lượng cơ sở hạ tầng Kém và Rất kém.
Trong khi đó, sau nhiều năm, tiếp cận ngoại tệ trở thành vấn đề nóng tại Việt Nam. Có 74% doanh nghiệp được điều tra đánh giá rằng khả năng tiếp cận ngoại tệ Kém, hoặc Rất kém. Tính riêng khối doanh nghiệp hoạt động thương mại, tỷ lệ này lên đến 78%.
Cũng nằm trong những lĩnh vực không nhận được sự hài lòng của doanh nghiệp còn có vấn đề giải quyết tranh chấp và thực thi phán quyết của toàn án, trọng tài kinh tế. Có đến 90% doanh nghiệp FDI đánh giá vấn đề này ở mức Kém hoặc Rất kém, trong khi tỷ lệ này ở các doanh nghiệp trong nước là 77%.
Cải thiện còn ít
Báo cáo của IFC cho rằng, năm nay một số lĩnh vực có tiến bộ đáng kể trong cải thiện môi trường kinh doanh. Nổi bật nhất là “Cải thiện và đơn giản hóa thủ tục hành chính Nhà nước”, khi có tới 53,95% doanh nghiệp điều tra đánh giá có cải thiện.
Hai lĩnh vực xếp kế tiếp cũng được nhiều doanh nghiệp đánh giá có sự chuyển biến là “Cải thiện hệ thống thông tin, viễn thông”, với 49,48% doanh nghiệp đánh giá có cải thiện; tiếp đến là “Đối xử bình đẳng hơn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” (43,3%).
Trong khi đó, lĩnh vực được đánh giá ít chuyển biến nhất qua điều tra là “Các quy định và thủ tục đất đai thông thoáng, tiếp cận đất dễ dàng hơn” chỉ có 15,12% doanh nghiệp đánh giá có chuyển biến; “Thuê và sa thải lao động dễ dàng hơn” chỉ 17,53% doanh nghiệp đánh giá có cải thiện; “Thời gian thương lượng và trả các khoản thuế ngắn hơn” chỉ nhận được sự hài lòng của 18,21% doanh nghiệp điều tra.
Tổng hợp phiếu điều tra của năm nay, báo cáo cũng cho biết những khuyến nghị chính của doanh nghiệp đối với Chính phủ. Năm giải pháp hàng đầu bao gồm: tiếp tục cải cách hành chính, bải bỏ các giấy phép, quy định, thủ tục không cần thiết hay không nhất quán; tiếp tục cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng; ngăn chặn và kiểm soát tham nhũng; cải cách việc soạn thảo và ban hành văn bản pháp quy theo hướng kịp thời, hoàn chỉnh, đồng bộ và tuân thủ các thông lệ quốc tế; và cải cách hệ thống giáo dục đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp.
(Theo Vneconomy)
Các tin khác
Nhiều ngân hàng (NH) đã tăng lãi suất (LS) huy động lên mức mới, cao nhất là 10,5%/năm sau khi LS cơ bản tháng 12-2009 có hiệu lực. Tăng nhiều vẫn tập trung ở các kỳ hạn gửi tuần và dưới 6 tháng. Trong tháng 11-2009, LS huy động cao nhất chỉ là 9,99%/năm.
YBĐT - Đến ngày 16/11, Chi cục Thuế huyện Mù Cang Chải đã thu 3 tỷ 242 triệu đồng, bằng 112% so với dự toán tỉnh giao, bằng 93% dự toán của huyện.
YBĐT - Lần này trở lại Mai Sơn, huyện Lục Yên (Yên Bái) điều đầu tiên cảm nhận được là diện mạo nông thôn và khu trung tâm xã đã nhiều hơn những ngôi nhà mái bằng, nhà cao tầng, những cửa hàng kinh doanh dịch vụ các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống. Khu chợ ngay trung tâm xã, tấp nập người mua, bán.
Năm học tới, mức trần học phí đại học sẽ tăng từ 240.000 đồng lên 340.000 đồng và năm 2014 là 800.000 đồng một tháng. Tuy nhiên, nhiều ngành học được miễn tới 70% học phí.