Để nông thôn hết “chợ không người”
- Cập nhật: Thứ tư, 23/12/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Với vai trò là nơi trao đổi hàng hóa và đáp ứng nhu cầu về phục vụ hàng thiết yếu cho người tiêu dùng, các chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã và đang trở thành hệ thống quan trọng, không thể thiếu trong quá trình lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Tuy nhiên, để thực sự phát huy được hiệu quả thì chợ nông thôn cần phải được quy hoạch và quản lý một cách hợp lý.
Được xây dựng khá khang trang nhưng 6 năm nay, chợ Quang Minh (Văn Yên) không có người họp, trở thành nơi chăn thả gia cầm và để gỗ, củi của một số hộ dân gần đó.
|
Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 105/181 xã, phường, thị trấn có chợ, trong đó có 50 chợ kiên cố, 20 chợ bán kiên cố và 35 chợ tạm. Tuy nhiên, nhiều chợ trên địa bàn tỉnh được xây dựng khang trang nhưng rồi lại sử dụng không đúng mục đích nên chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân vùng sâu, vùng xa. Thực tế, một số chợ lớn tập trung ở các phố huyện như chợ trung tâm huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ huyện Văn Chấn, thị trấn Mậu A (Văn Yên), thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên), thị trấn Yên Thế (Lục Yên) lượng hàng hóa khá đa dạng, phong phú đã thu hút được đông đảo nhân dân đến giao thương buôn bán; số chợ còn lại chủ yếu tập trung ở các xã vùng cao, không có người hoặc có song rất ít người đến giao lưu buôn bán.
Hiện nay, toàn tỉnh có 82 chợ nông thôn thì có tới 12 chợ hoạt động chưa hiệu quả, ví như chợ xã Quang Minh, Tân Hợp (Văn Yên); chợ xã Yên Thành (Yên Bình); chợ xã Bản Mù, Trạm Tấu, Phình Hồ (Trạm Tấu); Minh Tiến (Lục Yên), Tú Lệ, Nậm Búng (Văn Chấn); Nậm Khắt, Hồ Bốn (Mù Cang Chải), Minh Bảo (thành phố Yên Bái). Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương chưa phát triển, các nhu cầu của nhân dân hầu như tự cung tự cấp nên nhiều chợ được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn của Nhà nước nhưng rồi lại trở thành những “chợ không người” và nhiều nơi chợ biến thành nơi để gỗ, củi hoặc chăn thả gia súc, gia cầm...
Chợ trung tâm cụm xã Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu) được xây dựng từ năm 2000 nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi hàng hóa của nhân dân 4 xã của huyện là: Trạm Tấu, Pá Lau, Pá Hu và Túc Đán, nhưng thực tế chỉ có nhân dân hai xã là Trạm Tấu và Pá Hu tham gia mua bán, trao đổi hàng hóa ở đây; hai xã còn lại đồng bào thường xuống chợ Nghĩa Lộ mua bán. Chị Giàng A Này, xã Túc Đán cho biết: “Mình thường xuyên đi chợ Nghĩa Lộ, bởi đường từ xã mình xuống chợ Nghĩa Lộ gần và thuận tiện hơn đường lên chợ Trạm Tấu, mà chợ Nghĩa Lộ thì hàng hóa rất phong phú, tha hồ lựa chọn”.
Đó cũng là điều dễ hiểu bởi không người dân nào lại muốn đi một quãng đường xa hơn để đến chợ xã. Chợ trung tâm cụm xã Bản Mù được xây dựng để phục vụ nhân dân 4 xã là Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ và Hát Lừu. Thế nhưng, muốn đến được chợ Bản Mù thì 3 xã Bản Công, Xà Hồ và Hát Lừu lại phải đi qua chợ huyện nằm ngay trung tâm thị trấn... Do đó, từ khi xây dựng xong đến nay, chợ gần như không hoạt động, không phát huy được hiệu quả.
Không nằm ngoài tình trạng đó, chợ xã Quang Minh (huyện Văn Yên) được xây dựng từ năm 2003 với tổng vốn đầu tư trên 300 triệu đồng nhưng cho đến nay vẫn chưa hoạt động, gây lãng phí, ông Triệu Trung Kim - Phó chủ tịch UBND xã Quang Minh cho biết: “Chợ xã Quang Minh được xây dựng nhằm phục vụ cho nhu cầu mua bán của nhân dân trong xã, nhưng từ ngày khai trương thì chợ mới chỉ họp hai lần. Nguyên nhân là do đường vào chợ rất khó khăn khiến nhiều người dân “ngại” đến chợ xã mà thường đi các chợ có đường giao thông thuận tiện như chợ Trái Hút, Mậu A…”
Chợ Quang Minh (Văn Yên) không có người họp, trở thành nơi chăn thả gia cầm và để đồ đạc của một số hộ dân gần đó.
Thực tế cho thấy, mạng lưới chợ nông thôn ở Yên Bái còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Ông Cù Đức Đua - Giám đốc Sở Công thương Yên Bái cho biết: “Tỉnh Yên Bái đã có chương trình phát triển và quy hoạch chợ giai đoạn 2008 - 2012, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc phát triển chợ nông thôn. Khảo sát địa điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để xây dựng chợ là khâu hết sức quan trọng, bởi chợ xây lên là để phục vụ nhân dân, do đó phải phù hợp với nguyện vọng của dân thì mới thu hút đông đảo nhân dân sinh hoạt, tránh tình trạng xây chợ tràn lan mà không có người vào bán, mua như thực tế đã xảy ra. Cùng với đó, tỉnh đang khuyến khích mở các chợ như chợ trâu, bò, ngựa ở Lục Yên hay chợ đêm, chợ phục vụ du lịch… Ngoài ra, quan tâm đa dạng hóa nhiều loại hình sản phẩm; phải có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại để chợ nông thôn phát huy hiệu quả, thực sự là nơi giao lưu, gặp gỡ, trao đổi những vật phẩm thiết yếu trong cuộc sống thường ngày của nhân dân”.
Mở rộng và phát triển chợ, đặc biệt là chợ nông thôn nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế đã được tỉnh Yên Bái quan tâm. Để nâng cao tính hiệu quả trong công tác mở rộng và phát triển chợ, trước hết cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo vệ sinh môi trường trong chợ; tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân, các nhà đầu tư bỏ vốn tham gia xây dựng và phát triển chợ; công tác quản lý chợ cần được đổi mới, nâng cao tính chuyên nghiệp cho đội ngũ quản lý… Để làm được điều đó, rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng và sự phối hợp đồng bộ của các địa phương nhằm mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Thanh Chi
Các tin khác
YBĐT - Đầu năm 2003, Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái (YPHARCO) được cổ phần hoá với số vốn điều lệ 4 tỷ đồng. Sau sắp xếp, Công ty có 170 lao động trở thành cổ đông. Mặc dù thời gian thực hiện nhiệm vụ kinh doanh và sản xuất thuốc chữa bệnh chưa được bao lâu song thương hiệu của Công ty ngày càng được khẳng định. Hiện Công ty đang có số vốn điều lệ trên 16 tỷ đồng.
Các bộ trưởng EU hôm qua đã quyết định tiếp tục gia hạn thuế chống bán phá giá đối với giày nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc thêm 15 tháng nữa. Quyết định có hiệu lực từ ngày 3-1-2010 với mức thuế 10% cho giày da từ VN và 16,5% đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
YBĐT - Đời sống của trên 340 hộ người Mông ở Zế Su Phình, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đang có những cải thiện đáng kể nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và nội lực của chính những cán bộ, người dân trong xã. Chuyện làm ăn ở Zế Su Phình quả có nhiều cái mới, cái hay nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có những nỗ lực lớn, những đột phá trong cung cách làm ăn ở vùng cao này...
YBĐT - Tổng doanh thu năm 2009 của Công ty cổ phẩn Xi măng và Khoáng sản Yên Bái ước đạt 310 tỷ đồng, lợi nhuận ước 10 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 9 tỷ đồng. Năm 2009, trong điều kiện thị trường tiêu thụ rất khó khăn, Công ty vẫn sản xuất tiêu thụ 350.000 tấn xi măng-clanhker và 79.000 tấn bột Ca CO3 siêu mịn các loại. Giá trị sản xuất công nghiệp ước 285 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2008.