Xem hội chọi trâu: Trăn trở bảo tồn nguồn gen quý

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/3/2010 | 9:14:57 AM

YBĐT - Một trong những nguyên nhân chính khiến cho giống trâu ở Lục Yên (Yên Bái) bị thoái hóa là do tập quán thả rông trên cùng một đồng cỏ nên trâu sinh sản thường phối giống cận huyết. Tuy vậy, khi tiếp xúc thực tế, còn thấy rất nhiều nguyên nhân không kém phần quan trọng.

Một pha gay cấn giữa hai “ông trâu” số 26 và 28 tại Hội chọi trâu Lục Yên tổ chức ngày 14 tháng Giêng Âm lịch vừa qua.
Một pha gay cấn giữa hai “ông trâu” số 26 và 28 tại Hội chọi trâu Lục Yên tổ chức ngày 14 tháng Giêng Âm lịch vừa qua.

Theo truyền thuyết, chọi trâu ở Lục Yên có từ thời Trần với ý nghĩa tế lễ hiến sinh trời đất. Đến thời Hậu Lê, chúa Vũ Duy Mật giao cho bà Vũ Thị Ngọc Anh cai quản quân lương ở vùng này, bà đã đưa chọi trâu thành lễ hội để khao thưởng quân sỹ, khuyến khích nhân dân phát triển quân lương.

Không biết có phải từ hiệu ứng kích thích phát triển quân lương hay không mà vùng Lục Yên cùng các vùng lân cận thuộc Tuyên Quang, Hà Giang từ xa xưa đã là một trong  những vùng có giống trâu tốt nhất nước ta? Tuy nhiên, do biến động của tự nhiên, xã hội, lễ hội chọi trâu ở đây “thất truyền” từ khi nào không rõ và giống trâu quý cũng đang thoái hóa.

Bên cạnh hội thi giống trâu tốt một vài lần tổ chức ngày 14 tháng Giêng năm nay, Lục Yên lần đầu tiên mở hội chọi trâu nhằm đưa lễ hội này dần trở thành lễ hội truyền thống tôn vinh nghề nuôi trâu ở địa phương; khai thác tiềm năng du lịch và quan trọng hơn là quảng bá giống trâu Lục Yên, hướng sự quan tâm của người dân, các cấp, các ngành chức năng cùng tham gia bảo tồn nguồn gen quý của giống trâu ở đây để chăn nuôi trâu lấy sức cày kéo, chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa…

Có thể nói, dù lần đầu tiên tổ chức nhưng những mục tiêu mà huyện muốn hướng tới từ lễ hội, đều bộc lộ tính hiện thực. Dẫu vậy, quan sát lễ hội, chúng tôi lại nhận thấy riêng mục tiêu bảo tồn nguồn gen quý của trâu Lục Yên đang thực sự là một vấn đề rất cấp thiết và không kém phần nan giải. Bởi vì, hội chọi trâu lần này có tới 28 “ông trâu” tham gia, nhưng rất nhiều xã trong huyện không có trâu tham dự.

Nhìn chung, thể trạng của các “ông” không to lắm (phổ biến ở mức trên 500 đến trên 600 kg và cá biệt có “ông” chỉ nặng có 370 kg. Được dự những hội chọi trâu nổi tiếng ở Đồ Sơn (Hải Phòng), Phù Ninh (Phú Thọ), Hải Lựu (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) thấy các “ông trâu” ở nơi đó có thể trạng to và trọng lượng thường phổ biến từ 700 đến 800 kg. “Ông trâu” thuộc hàng có trọng lượng to nhất, khỏe nhất, đoạt giải nhất hội chọi trâu Lục Yên lại là con trâu của Công ty TNHH Thẩm Hường mang từ huyện Trấn Yên tới và cũng chỉ đạt quãng 700 kg. Ngồi liền kề với những ông chủ trâu và những người bắt giữ trâu sau những trận đấu, chúng tôi còn được nghe họ nói tới một vài chú trâu to khác, cũng được mua ở tỉnh ngoài mang về.

Hôm khai mạc, ở vòng loại có tới 14 cặp đấu nhưng chỉ có 2 cặp đấu vào lúc gần trưa là trâu thực sự húc nhau. Còn hầu hết buổi sáng, khi các cặp đấu được dẫn vào sân thì các “ông trâu” chỉ diễn độc nhất “màn chào hỏi khán giả và đối phương” rồi bỏ chạy. Bản năng sinh tồn của loài vật là như vậy, hễ thấy mình nhỏ hơn đối phương là “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Nhiều người đến xem đã than vãn rằng: “Trâu chọi gì mà nhiều con bé thế!”.

Bác Mông Văn Hải-một khán giả người dân tộc Nùng bảo rằng: “Cách đây quãng chục năm, chỉ cần đi một buổi chiều ra các áng cỏ đông trâu thì có thể tìm được hàng chục con trâu đực bằng những con to nhất ở giải này”. Câu nói của bác Hải khiến tôi chợt nghĩ, vậy là trâu đực to giờ đây đã hiếm. Tan lễ hội chọi trâu, tôi đã tìm về một số địa phương nuôi nhiều trâu trong huyện. Bãi chăn thả trâu bò của xã Tân Lĩnh ngay bên cạnh con đường đi vào thị trấn huyện có rất đông trâu nhưng chủ yếu là trâu cái, trâu nghé và trâu đực còi.

Một bác người dân tộc Tày ở vùng này, có đàn trâu gần chục con nhưng có tới 3 con là trâu trắng. Những đàn trâu chăn thả ở xã Liễu Đô, Yên Thắng cũng chẳng hơn gì và mới qua mùa đông giá lạnh, hiếm cỏ nên trâu cũng gầy. Đến khu vực xã Minh Xuân, nhìn những chú trâu gặm cỏ bên bờ suối thì tôi thực sự thất vọng vì toàn những chú trâu cái, trâu nghé vừa gầy lại còn nhỏ thó. Tôi nói vui với mấy người chăn trâu rằng: “Lục Yên là đất của giống trâu ngố mà sao toàn nuôi giống trâu “cắp nách” thế này?”. Ông Hoàng Văn Anh, người dân tộc Tày ở thôn 5 cho biết: “Giống trâu to ở đây đã lên ô tô đi về dưới xuôi hết rồi!”.

Được biết, một trong những nguyên nhân chính khiến cho giống trâu ở Lục Yên bị thoái hóa là do tập quán thả rông trên cùng một đồng cỏ nên trâu sinh sản thường phối giống cận huyết. Tuy vậy, khi tiếp xúc thực tế, còn thấy rất nhiều nguyên nhân không kém phần quan trọng. Đó là, khi máy móc đang thay thế sức kéo của trâu thì nhiều nhà chỉ còn nuôi trâu với mục đích hàng hóa.

Trong khi đó, giá một con trâu đực to luôn cao hơn nhiều và rất dễ bán để có được món tiền to đầu tư sản xuất, mua sắm xe cộ, làm nhà…nên rất nhiều chú trâu đực tốt đã bị bán đi nơi khác.

Cũng có nhiều nhà không thích nuôi trâu đực, vì tuy giá cao nhưng nuôi trâu đực thường rất vất vả vì nó phá phách. Nuôi trâu nái thì cũng cùng công đầu tư như vậy, giá không cao, không đắt hàng như trâu đực nhưng nó vẫn sinh lời từ sinh sản, vẫn bán được và lại đảm bảo cả sức kéo.

Việc nuôi trâu giống để làm dịch vụ phối giống trực tiếp cho trâu nái vẫn chưa thực hiện được; việc thụ tinh nhân tạo lại càng khó khăn, trong khi lượng trâu đực giống to khỏe còn rất ít trong tổng đàn trâu gần 27 ngàn con của huyện Lục Yên và vẫn phải phối giống theo kiểu tự nhiên thì đàn trâu Lục Yên không những không tránh được vấn đề cận huyết mà thể trạng trâu vẫn nhỏ do nái còi, đực còi.

Một trong những mục tiêu của hội chọi trâu vừa rồi là tìm ra những chú trâu đực giống tốt để bảo tồn nguồn gen quý, nhưng sau lễ hội, theo quy định chỉ có con trâu vô địch là được mổ để thực hiện nghi lễ cúng tế nhưng lại có tới mấy con được mổ để bán thịt.

Trong số đó, có lý do là một số ông chủ trâu do kinh tế khá giả nên đã lùng mua trâu về tham gia lễ hội chọi trâu và nếu thắng thì tốt, còn thua thì mổ bán thịt vì không ai chăn dắt. Điều đó, đã làm phí phạm những con trâu giống tốt. Lục Yên đang hy vọng từ lễ hội này sẽ có nhiều người dân ở các xã sẽ nuôi trâu đực để tham gia chọi trâu tại các lễ hội tiếp theo.

Nhưng để có được một thế hệ trâu chọi và cũng đồng nghĩa với một thế hệ trâu đực giống tốt trong tương lai thì ít nhất cũng phải trải qua 6 đến 8 năm nữa mới có được một thế hệ trâu đực trưởng thành. Quãng thời gian như vậy sẽ là quá dài đối với một chương trình rất bức thiết về bảo tồn nguồn gen quý của giống trâu Lục Yên.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Nông dân xã Mậu Đông (Văn Yên) thu hoạch sắn cao sản. (Ảnh: Minh Hằng)

YBĐT - Văn Yên (Yên Bái) có 9 xã nằm trong vùng nguyên liệu sắn với tổng diện tích canh tác 2.850 ha. Hầu hết diện tích này là đất đồi có độ dốc từ 15 – 30 độ.

Gia đình anh Vũ Văn Hương ở thôn 6, xã Giới Phiên (thành phố Yên Bái) phát triển nghề trồng nấm đem lại thu nhập cao. (Ảnh: Thanh Chi)

YBĐT - Thuộc vùng ven thành phố Yên Bái, có đường giao thông thuận lợi và thị trường tiêu thụ ổn định, trong những năm qua, xã Hợp Minh đã phát huy lợi thế này để phát triển kinh tế địa phương.

YBĐT - Mông Sơn là xã vùng II của huyện Yên Bình, có nhiều dân tộc sinh sống và có tới 60% bà con giáo dân, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán còn lạc hậu, đời sống kinh tế, xã hội còn không ít khó khăn. Trước thực trạng đó, Đảng bộ xã đã đề ra nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Bộ Tài Chính vừa có quyết định về việc công bố giá bán điện thương phẩm bình quân áp dụng làm giá tính thuế tài nguyên nước thiên nhiên sản xuất thủy điện năm 2010.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục