Tập trung nguồn lực phát triển giao thông nông thôn - miền núi
- Cập nhật: Thứ tư, 31/3/2010 | 2:42:46 PM
YBĐT - Những năm gần đây, tỉnh Yên Bái tập trung tối đa nguồn lực phát triển giao thông nông thôn và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xoá đói giảm nghèo. Vì vậy, mạng lưới giao thông nông thôn-miền núi đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu.
Nhân dân xã Nga Quán (Trấn Yên) tích cực kiên cố hóa đường giao thông nông thôn.
|
Năm 2009, Yên Bái đã dành trên 396 tỷ 522 triệu đồng để phát triển mạng lưới giao thông nông thôn-miền núi. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước gần 46 tỷ đồng, nguồn trái phiếu Chính phủ 124 tỷ 323 triệu đồng, vốn kích cầu trên 76 tỷ đồng, vốn Chương trình 135 là 52 tỷ 767 triệu đồng; vốn ADB 28 tỷ 790 triệu đồng; các nguồn khác trên 40 tỷ đồng...
Việc duy trì tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “đường ta làm ta đi”, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã đóng góp công sức, tiền và vật liệu với tổng giá trị gần 28 tỷ đồng để mở mới, nâng cấp nhiều tuyến đường. Trong đó, mở mới được gần 290 km đường (có 43,7 km đường ô tô, trên 246 km đường dân sinh thôn bản); nâng cấp được hơn 221 km đường; xây mới và nâng cấp hàng trăm cầu cống các loại. Vì vậy, 180/180 xã, phường, thị trấn, nhiều thôn, bản đã có đường ô tô đến trung tâm...
Điển hình trong phong trào phát triển giao thông nông thôn, miền núi năm 2009 gồm: Lục Yên , Văn Chấn Văn Yên, Trạm Tấu...; mỗi huyện có một cách làm riêng phù hợp với phong tục tập quán, trình độ dân trí và điều kiện kinh tế vùng. Huyện Lục Yên có quy định 3 mức hỗ trợ của Nhà nước/ dân góp là: mặt đường bê tông xi măng tỷ lệ 4/6, đường đá dăm láng nhựa 3/7, đường đá dăm cấp phối 1/9. Nhà nước hỗ trợ 1/3 số mìn để phá đá ở những nơi sức dân không làm được...
Huyện Văn Chấn lại áp dụng mô hình: nhân dân làm là chính, Nhà nước đầu tư thuê máy ủi làm nền đường, hỗ trợ công lu lèn, công kỹ thuật và một phần vật tư xây dựng các công trình thoát nước..., nhân dân bỏ công sức làm đường. Ông Phạm Văn Hoa - Bí thư Đảng ủy thị trấn Nông trường Liên Sơn cho biết: Hiện nay, thị trấn đã có trên 80% tuyến đường liên khu phố đã được kiên cố hóa. Kết quả này khẳng định sự đồng thuận của ý Đảng - lòng dân, là sự tuyên truyền sâu rộng cùng với sự bàn bạc dân chủ từ chi bộ cho đến quần chúng nhân dân.
Đề cập tới vấn đề mấu chốt để phát triển giao thông, ông Đỗ Quang Dự - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho hay: Điều cực kỳ thuận lợi đối với Yên Bái là lãnh đạo tỉnh cũng như lãnh đạo ngành giao thông đã xác định giao thông vận tải là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội nên đã đặc biệt chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trong đó có giao thông nông thôn miền núi.
Đồng thời, Yên Bái đã thấy được các điểm yếu về kết cấu hạ tầng giao thông nên đã có những định hướng đúng đắn để tập trung chỉ đạo điều hành các công trình trọng điểm, tháo gỡ khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, tranh thủ nguồn vốn của Chính phủ, nguồn vốn của các tổ chức phi chính phủ và nguồn nội lực trong nhân dân.
Yên Bái cũng đã có những giải pháp giải phóng mặt bằng hợp lý như: tái định cư, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân thấy được lợi ích khi hợp tác xây dựng công trình, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đầu tư xây dựng. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của chủ đầu tư đối với những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, tạo nên bước đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh.
Cũng theo ông Dự, để phát triển giao thông bền vững, việc rút ngắn khoảng cách chênh lệch về giao thông giữa thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩ Lộ và các huyện vùng thấp với các huyện vùng cao là việc làm cần thiết và cấp bách.
Đi đôi với phát triển giao thông ở thành phố, thị xã, thị trấn, ngành giao thông luôn quan tâm phát triển giao thông nông thôn miền núi nên đã trực tiếp tham mưu với UBND tỉnh đề ra những giải pháp, chương trình để phát triển như: xây dựng quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020; tham gia phát động chương trình giao thông - thủy lợi hàng năm.
Tuy nhiên, để phát triển đồng bộ giữa giao thông đô thị và nông thôn, cần ưu tiên các nguồn vốn phát triển giao thông nông thôn của Chính phủ và của các tổ chức phi chính phủ. Các địa phương cần có quy hoạch và kế hoạch phát triển, trên cơ sở đó dự trù kinh phí xây dựng giao thông hàng nă; tập trung xã hội hóa trong xây dựng giao thông nông thôn, tiếp tục thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Bên cạnh đó, vấn đề bảo dưỡng đường giao thông nông thôn hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Kinh phí bảo dưỡng chưa được đề cập đến trong ngân sách xã, phường và cần tạo thói quen bảo dưỡng đường giao thông nông thôn đến từng thôn, xóm, xã, phường tạo điều kiện phát triển bền vững...
Để phát huy thành quả về giao thông đã đạt được, những năm tiếp theo, Yên Bái tiếp tục quan tâm các vấn đề như: tập trung hoàn thành dứt điểm những công trình đã khởi công; bám sát quy hoạch phát triển giao thông nông thôn đã được UBND tỉnh phê duyệt; rà soát, kiểm tra xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình trên địa bàn tỉnh, từ đó có kế hoạch về vốn để cân đối và đầu tư xây dựng công trình; tiếp tục tranh thủ mọi nguồn vốn của trung ương và các tổ chức khác; mạnh dạn kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bằng nhiều hình thức khác nhau.
Đức Tưởng
Các tin khác
YBĐT - Gần một tháng nay, giá lợn hơi giảm mạnh từ 26.000 đồng/kg xuống 20.000 đồng/kg. Giá thức ăn chăn nuôi tăng thêm từ 10 - 15% đang khiến nhiều hộ nông dân lao đao. Bên cạnh nỗi lo chống hạn cho vụ lúa chiêm xuân, người nông dân đang phải gồng mình gánh nỗi lo giá lợn hơi rớt giá.
Năm 2009 cùng với các quyết sách của Trung ương Ðảng, Chính phủ đã có nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cho nên đã vượt qua những tác động của khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 5%. Một trong các giải pháp quan trọng là phát triển thị trường trong nước để kích thích tiêu dùng nội địa.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có ý kiến về đề nghị dừng 8 dự án trong số 50 dự án, đồ án Hà Nội đề xuất giải quyết ngay mà không cần thêm thủ tục. Đây là những dự án thuộc vành đai dọc sông Nhuệ và trục Thăng Long.
Sau khi giảm nhẹ vào phiên trước, sáng nay (31/3) giá vàng trong nước tiếp tục đi xuống, mất 7.000 đồng/chỉ trong bối cảnh giá vàng thế giới quay đầu giảm.