Phát triển thị trường trong nước để kích thích tiêu dùng nội địa
- Cập nhật: Thứ tư, 31/3/2010 | 1:52:57 PM
Năm 2009 cùng với các quyết sách của Trung ương Ðảng, Chính phủ đã có nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cho nên đã vượt qua những tác động của khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 5%. Một trong các giải pháp quan trọng là phát triển thị trường trong nước để kích thích tiêu dùng nội địa.
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Xí nghiệp may Kim Động, Hưng Yên.
|
Thị trường nước ta với dân số hơn 86 triệu người đang trong quá trình đẩy mạnh CNH, HÐH được coi là một thị trường có tiềm năng rất lớn. Phát triển thị trường trong nước được Ðảng và Nhà nước ta xác định là một giải pháp chiến lược hướng vào mục tiêu phát triển bền vững có tác động nhiều mặt đến thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của toàn dân, nâng cao mức sống và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Năm qua, chủ trương phát triển thị trường trong nước để kích thích tiêu dùng nội địa đã được triển khai khá rộng lớn trên cả nước với sự chỉ đạo và điều hành của nhiều bộ, ngành và các cấp từ trên xuống dưới, sự tham gia của các doanh nghiệp và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân nên đã tạo được những kết quả quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Có thể nói, sau một năm Bộ Công thương triển khai đề án đầu tư 51 nghìn tỷ đồng để xây dựng và phát triển thị trường trong nước thì tiêu dùng nội địa đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo các công bố của Tổng cục Thống kê Việt Nam thì sức mua của các tầng lớp dân cư liên tục tăng. Nếu năm 2005 là 7,1 triệu đồng, năm 2008 là 11,68 triệu đồng thì năm 2009 dù bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nhưng vẫn đạt 12,5 triệu đồng một người một năm. Chính sức mua của nhân dân được kích thích nên đã thúc đẩy thị trường nội địa hoạt động tích cực và sôi nổi, hiệu quả cao hơn. Mặt khác chúng ta cũng nhận thấy rõ các gói kích thích kinh tế của Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đã tạo một cú hích và định hướng tiêu dùng nội địa càng thúc đẩy mạnh mẽ hơn các hoạt động kinh doanh, mua bán hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong nước, kể cả khu vực nông thôn, nông nghiệp, nông dân.
Những đánh giá của các tổ chức quốc tế về chính sách phát triển thị trường nội địa của Việt Nam cho thấy niềm tin tiêu dùng của dân cư Việt Nam rất khả quan. Chẳng hạn Tập đoàn quốc tế Master Card thực hiện cuộc khảo sát trong tháng 10 và tháng 11 năm 2009, trên cơ sở ý kiến phản hồi của 10.623 người tiêu dùng tiến hành ở 24 nền kinh tế toàn cầu và đã công bố: Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Việt Nam có mức phục hồi cao nhất, dẫn đầu ở mức 90% bằng mức trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Hoặc như Tổ chức Nielsen đánh giá về Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng công bố tháng 4 năm 2009 thì người tiêu dùng Việt Nam có độ tin rất lớn vào thị trường nội địa và việc phát triển thị trường này sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi thời kỳ tuột dốc.
Làm gì kích thích tiêu dùng nội địa?
Nhìn nhận một cách khách quan thì khả năng tiêu dùng sản phẩm hàng hóa ở thị trường trong nước của các tầng lớp dân cư, nhất là cư dân ở nông thôn nước ta hiện còn thấp. Nguyên nhân thì nhiều nhưng có thể thấy rõ là do kinh tế của nước ta còn nghèo, thu nhập bình quân đầu người mới ở ngưỡng 1.000 USD, phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn, nhu cầu mua sắm hàng hóa có khả năng thanh toán hằng năm không lớn. Ðồng thời đa số dân cư có tâm lý để dành "tích cốc phòng cơ" còn nặng, quỹ tiết kiệm trong dân chưa được khai thác phục vụ cho tiêu dùng vì công việc làm ăn chưa ổn định, nhiều rủi ro trong cuộc sống của nhân dân thường diễn ra do thiên tai, do nhân họa khó lường... Ðó quả là những cản trở to lớn hạn chế khả năng sản xuất hàng hóa, phát triển các dịch vụ tiêu dùng và các hoạt động dịch vụ tối thiểu khác. Một bộ phận không nhỏ cư dân ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa thuộc diện phải xóa đói, giảm nghèo có thu nhập cực thấp lại đang thiếu những nhu yếu phẩm thiết yếu trong khi năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước lại dư thừa đang là nghịch lý cần phải xử lý. Tuy nhiên nếu xử lý các mâu thuẫn này thì có thể khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường nội địa.
Ðể kích thích tiêu dùng nội địa, vấn đề quan trọng hàng đầu là các chính sách của Nhà nước. Thực tế phát triển kinh tế ở nước ta trong những năm tiến hành đổi mới gần 25 năm qua cho thấy rõ, việc củng cố và tăng cường vai trò của Nhà nước trong phát triển thị trường là nhân tố hướng dẫn và thúc đẩy phát triển kinh tế và tiêu dùng. Ðối với việc phát triển thị trường trong nước và kích thích tiêu dùng nội địa thì các chính sách của Nhà nước phải phù hợp với thực tế phát triển kinh tế và nhu cầu tiêu dùng của người dân, các chính sách đó phải tạo ra được môi trường thuận lợi và khuôn khổ pháp lý cho hoạt động trao đổi hàng hóa trên thị trường trong nước và bảo đảm lòng tin của người tiêu dùng đối với các hàng hóa tiêu thụ. Pháp luật và việc thực thi pháp luật cần đặt việc bảo vệ lợi ích người tiêu dùng lên hàng đầu, nghiêm trị những cá nhân và tổ chức sản xuất hàng tiêu dùng làm thiệt hại người tiêu dùng.
Các chính sách của Chính phủ về thị trường nội địa cũng cần tạo được môi trường kinh doanh dịch vụ bán buôn, bán lẻ đều được phát triển để mọi thành phần kinh tế, mọi chủ thể kinh tế trong hệ thống ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ đều phát triển, có vị trí cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Thiết nghĩ, Nhà nước cần thật sự có cơ chế khuyến khích các hoạt động của các hiệp hội, hợp tác xã, làng nghề chuyên môn hóa theo từng chủng loại mặt hàng, sản phẩm. Hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp xây dựng hệ thống thương mại điện tử, mua bán hàng hóa qua in-tơ-nét, điện thoại..., xây dựng các website giới thiệu hình ảnh các công ty, lĩnh vực kinh doanh, tìm kiếm bạn hàng, ký kết hợp đồng, các sàn giao dịch điện tử, thu hút khách hàng...
Các tin khác
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có ý kiến về đề nghị dừng 8 dự án trong số 50 dự án, đồ án Hà Nội đề xuất giải quyết ngay mà không cần thêm thủ tục. Đây là những dự án thuộc vành đai dọc sông Nhuệ và trục Thăng Long.
Sau khi giảm nhẹ vào phiên trước, sáng nay (31/3) giá vàng trong nước tiếp tục đi xuống, mất 7.000 đồng/chỉ trong bối cảnh giá vàng thế giới quay đầu giảm.
Từ ngày 29/3 - 3/4, đoàn công tác của Hội đồng hàng tỉnh Val de Marne (Cộng hoà Pháp) do ông Gérard Violante - Phó giám đốc Cơ quan Dịch vụ môi trường và Xử lý nước thải, chất thải làm trưởng đoàn cùng các chuyên gia thuộc lĩnh vực cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, môi trường, chuyên gia phụ trách dự án, Phòng Quan hệ quốc tế của Hội đồng hàng tỉnh đã đến thăm và làm việc tại Yên Bái.
YBĐT - Xuất phát điểm của công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) huyện Yên Bình (Yên Bái) rất thấp. Nhưng hiện tại đang có sự phát triển mạnh mẽ và tạo được bước đột phá quan trọng, phá vỡ những hạn chế về khu vực, cơ chế quản lý, tâm lý và chính sách đầu tư...