Cách ứng xử trong ngày tết
- Cập nhật: Thứ hai, 3/2/2014 | 9:57:46 AM
YBĐT - Tết đến, xuân về, xua tan đi cái giá lạnh của mùa đông, đem đến không gian ấm áp cho đất trời, cây cối, hoa trái và cả với con người. Trước cảnh xuân tươi đẹp như vậy, tâm hồn mỗi người như rộng mở đầy hứng khởi để đón nhận mùa xuân bằng tất cả niềm vui và hứng khởi. Trước cảnh đẹp của mùa xuân, ngày tết, chúng ta cần có một cách ứng xử mang đậm chất văn hoá để làm cho sắc xuân, tình xuân thêm đẹp hơn.
Chơi đánh cầu trong ngày tết của đồng bào Cao Lan.
Ảnh: thanh chi
|
Ông cha ta từ xưa đã sớm có ý thức hình thành một nếp sống văn hoá mỗi độ xuân về. Vì thế, ngày tết trong mỗi gia đình Việt Nam dù giàu hay nghèo nhưng nơi thờ cúng tổ tiên bao giờ cũng được coi trọng nhất.
Ngoài việc hương khói cúng lễ thành tâm, nơi thờ tự bao giờ cũng có mâm ngũ quả và đôi câu đối đỏ để cầu phúc, cầu lộc. Ngoài ra, từ cách ăn mặc, nói năng, cư xử trong những ngày đầu xuân đều được ông, bà, cha mẹ nhắc nhở con cháu khi giao tiếp cần nghiêm chỉnh, mực thước. Người đi chơi xuân, vui xuân bằng những cử chỉ, lời nói nho nhã, lịch thiệp, nhẹ nhàng biểu hiện mối quan hệ quý mến, tôn trọng nhau giữa con người với con người ngay từ ngày đầu tiên của năm mới.
Trong những ngày tết, ngoài việc đi chúc tết người thân, bạn bè, bà con hàng xóm, người xưa rất coi trọng những lễ hội văn hoá gắn với truyền thống lịch sử dân tộc, ngợi ca công đức của các bậc anh hùng có công với đất nước và những phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được lưu giữ và truyền lại cho đến ngày nay. Đó là những thú vui ngày tết mang đậm sắc thái văn hoá dân tộc đã truyền lại cho đời sau như: kéo co, đấu vật, cờ người, đua thuyền…
Ở vùng cao - nơi có các dân tộc ít người lại có các môn: đua ngựa, ném còn, chơi quay… những trò chơi này diễn ra bao giờ cũng được nhân dân tham gia và nhiệt tình và cổ vũ bằng tiếng trống, tiếng chiêng cùng những tiếng reo hò nồng nhiệt. Ngày xưa, tầng lớp nho sĩ bên chén rượu xuân ngồi làm thơ xuân, bình thơ xuân luôn là một thú vui tao nhã được ưa chuộng. Vì thế, rất nhiều những bài thơ xuân nổi tiếng của các thi nhân xưa như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… sáng tác trong thời gian này của năm được người đời nhớ mãi.
Ngày nay, tiếp thu truyền thống văn hoá của ông cha, lại có nhiều điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, mức sống của con người được nâng cao, chúng ta đón xuân, vui tết đầy đủ hơn, tốt đẹp hơn bởi đã biết tiếp thu những mặt tích cực và biết bỏ đi những cái tiêu cực trong phong tục tập quán cổ xưa. Những ngày tết thường được gắn với lễ hội ở từng địa phương đã góp phần tôn vinh công đức của tổ tiên và rất thiết thực trong việc giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với lớp con cháu hôm nay.
Tuy nhiên, vẫn còn những biểu hiện không đẹp, thiếu văn hoá trong khi vui xuân ở một số thanh thiếu niên khiến gia đình lo lắng, xã hội lên án, thậm chí pháp luật phải can thiệp. Đó là những cuộc nhậu nhẹt quá chén, nói năng tục tĩu dẫn đến cãi vã, đánh chửi nhau gây mật trật tự xã hội. Ngoài ra, còn nạn cờ bạc sát phạt nhau, đua xe đánh võng làm mất trị an thành phố cũng là một thói xấu cần phê phán.
Tất cả những thói xấu trên đều trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, làm cho ngày xuân, ngày tết mất đi vẻ đẹp thiêng liêng của một nếp sống văn hoá mà từ xưa đến nay mọi người đều trân trọng. Các cụ xưa từng dạy: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” là muốn nhắc nhở chúng ta cách sống, cách giao tiếp văn minh, lịch lãm cần thiết cho mỗi con người trong đời sống xã hội. Thế mới biết văn hóa ứng xử quan trọng nhường nào, nhất là trong dịp tết đến xuân về.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Từ một huyện luôn trong tình trạng thiếu đói lương thực phải trông chờ vào sự cứu trợ của Nhà nước thì nay, bình quân lương thực ở Trạm Tấu đã đạt trên 600 kg/người/năm.
YBĐT - Tiếng gà gáy sang canh râm ran cả thôn Đồng An và có lẽ cả các thôn khác của xã Kiên Thành (Trấn Yên) lay tôi tỉnh giấc. Rồi tiếng gáy xa dần trả lại màn đêm cho âm thanh rả rích của côn trùng. Tiếng nước lần róc rách, gom góp đổ vào ao cá bên trái nhà sàn. Mấy chén rượu thơm nồng, ấm áp trong bữa tối dễ đưa người vào giấc ngủ sâu. Vậy mà thời khắc sang canh mở màn một ngày mới miền quê núi lại khiến khách phương xa trằn trọc.
YBĐT - Ngay từ nhỏ, trong câu chuyện về đặc sản quê hương, tôi đã thường nghe mẹ kể về gạo nếp Tú Lệ. Lớn lên, đi nhiều mới thấy câu ca “Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò” của dân tộc Thái từ lâu không chỉ được truyền tụng ở vùng Tây Bắc mà còn bay xa khắp mọi miền đất nước.
Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong tháng 2/2014, các tỉnh phía Bắc có khả năng tiếp tục chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh, gây gió mạnh trên Biển Đông và các đợt rét đậm, rét hại tại Bắc Bộ (nhiệt độ trung bình ngày tại các tỉnh đồng bằng xuống dưới 15 độ C).