Nửa hành trình "học" làm "công bộc" của dân

Bài 4: Không chỉ là thí điểm!

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/3/2014 | 10:22:55 AM

YBĐT - Một số bí thư, chủ tịch cấp xã và ngay cả cấp huyện cho rằng, nếu có một dự án tương tự thì trên nên cho các đội viên về công tác tại các phòng, ban chuyên môn cấp huyện, khi "cứng cáp" sẽ tăng cường, điều động về xã, khi thực hành kết quả tốt sẽ tiến hành bổ nhiệm chức danh.

Ông Vũ Đăng Minh - Giám đốc Ban quản lý Dự án 600 gặp gỡ đội viên của tỉnh Yên Bái.
(Ảnh: A.H)
Ông Vũ Đăng Minh - Giám đốc Ban quản lý Dự án 600 gặp gỡ đội viên của tỉnh Yên Bái. (Ảnh: A.H)

>> Bài 1: "Đón" tri thức trẻ lên xã nghèo

>> Bài 2: Học làm "công bộc" của dân

>> Bài 3: Đang có những "ngập ngừng"?

Đáng mừng là những đội viên của Dự án 600 phó chủ tịch xã (Dự án 600) chúng tôi gặp gỡ đều xác định mình phải “lao tâm khổ tứ”, phải lăn lộn, sẻ chia với địa phương, với đồng bào, về xã không phải để làm "quan". Đành rằng đang có những "ngập ngừng" nhưng tuyệt nhiên không ai bi quan hay âu lo nửa chừng sẽ "đứt gánh"...

Dự án 600 đã qua một nửa hành trình và cho thấy những kết quả, tín hiệu tích cực bước đầu của một quyết sách. Ghi nhận chung, trên cương vị phó chủ tịch UBND xã, các đội viên Dự án 600 ở Yên Bái đã bước đầu tiếp cận được với công việc, từng bước khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, tích cực tham gia ý kiến, đề xuất xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch thuộc lĩnh vực được phân công, có những đóng góp tích cực vào nhiệm vụ công tác của chính quyền các xã, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị và giữ vững an ninh - quốc phòng tại địa phương.

Không hẳn là "ngược chiều" nhưng chừng ấy thời gian của Dự án cũng có những vấn đề đặt ra. Công tác truyền thông, tuyên truyền cho Dự án khá tích cực. Tuy nhiên, ý kiến từ cơ sở và nhất là các đội viên mà chúng tôi gặp tỏ ra e dè trước những thông tin "khen" có phần hơi quá trên một số kênh truyền thông, báo chí khiến họ, cơ sở ngại ngùng và chừng mực nào đó có thể làm cho ban quản lý dự án các cấp (kể cả trung ương) chưa đủ thông tin sát thực về cơ sở.

Theo các đội viên, thời gian qua thực chất là "học làm việc" chứ những đầu việc, kết quả trong thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành trên cương vị phó chủ tịch UBND xã còn rất khiêm tốn. Những đội viên nhận nhiệm vụ tại xã vùng cao đặc biệt khó khăn hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đó là sự ưu tiên nhưng cũng có những vấn đề nhất định.

Một số đội viên là người dân tộc Mông, thuận lợi về giao tiếp, hiểu hiết về phong tục, tập quán, trình độ chuyên môn có cao hơn, tuổi trẻ có nhiệt huyết hơn nhưng dường như cái "vòng" tư duy vẫn chưa thoát khỏi “lối cũ" ở một nơi công tác mà xung quanh toàn bậc cao niên, vai vế họ hàng. Hầu hết những đội viên là đồng bào dân tộc thiểu số khác về xã đều gặp khó khăn về ngôn ngữ, giao tiếp, phong tục, tập quán, khó hòa nhập và khó từ chính cái nền cơ bản của các em. Một cán bộ cơ sở cũng là người Mông cho rằng, cái khó chính là các em còn những hạn chế về tư duy, tính sáng tạo và quyết đoán trong công việc. Chính vì thế, có nơi đội viên về xã thực hiện nhiệm vụ cứ như "gà mắc tóc".

Kế hoạch có, ý tưởng có nhưng kết quả thực hiện nếu không lồng vào kết quả chung thì rất khó khăn. Một số bí thư, chủ tịch cấp xã và ngay cả cấp huyện cho rằng, nếu có một dự án tương tự thì trên nên cho các đội viên về công tác tại các phòng, ban chuyên môn cấp huyện, khi "cứng cáp" sẽ tăng cường, điều động về xã, khi thực hành kết quả tốt sẽ tiến hành bổ nhiệm chức danh. Có lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và một số cán bộ chuyên môn đề nghị nên đưa các em về làm công tác văn phòng cấp ủy, UBND trước để có môi trường thực hành nhiệm vụ tốt hơn.

 

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo xã Pá Hu (Trạm Tấu) mong muốn có kinh phí đầu tư hỗ trợ cho đội viên triển khai đề án phát triển kinh tế - xã hội.

Nửa hành trình của một dự án để thấy rằng, những hạn chế, tồn tại và cả những băn khăn, tâm sự kể trên cũng dễ hiểu. Sau nửa hành trình, nguyện vọng chung của các đội viên vẫn mong được tập huấn, bồi dưỡng phương pháp tổ chức, điều hành nhiệm vụ. Rất rõ ràng, đây là vấn đề Ban quản lý Dự án nên quan tâm, ngay cho chính dự án này và cả những dự án có tính chất tương tự về sau.

Dự án 600 trước hết nhằm tăng cường nguồn nhân lực có trình độ giúp các xã nghèo vùng đặc biệt khó khăn phát triển đi lên, đồng thời tạo môi trường để thanh niên rèn luyện, khẳng định mình và quan trọng hơn là góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách về cán bộ, công chức trẻ, nhất là cho vùng đặc biệt khó khăn.

Nửa hành trình đã qua, đã có những kết quả tích cực bước đầu nhưng khá căn bản, khẳng định chủ trương đúng đắn và "tầm" của một quyết sách lớn. Thời gian còn lại đòi hỏi sự phối hợp và chỉ đạo tập trung, kịp thời, chặt chẽ hơn nữa của các ngành tham gia quản lý, điều hành Dự án dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện. Chúng tôi đề xuất, kiến nghị cơ quan quản lý Dự án cấp trung ương cần phối hợp với các tỉnh, địa phương có đội viên tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, theo dõi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, kịp thời tháo gỡ và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của cơ sở và đội viên Dự án. Các địa phương cần mạnh dạn, chủ động làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, bố trí một số đội viên thực sự có năng lực, phẩm chất vào chức vụ cao hơn ở địa phương ngay trong nửa thời gian còn lại của Dự án.

Một vấn đề rất cần được quan tâm hiện nay là việc rà soát, thẩm định, đánh giá tính khả thi của một số đề án đã có của đội viên. Các ban, ngành, cơ quan chuyên môn không thể chậm hơn trong tư vấn, giúp đỡ đội viên chọn lựa, xây dựng đề án phát triển kinh tế - xã hội, làm sao lồng ghép hiệu quả các nguồn lực trên địa bàn để có nguồn kinh phí cho đội viên thực hiện đề án của mình. Nếu không làm ngay, làm tốt chắc chắn không ít đội viên sẽ "trắng tay" khi kết thỳc Dự án.

Về cấp ủy, chính quyền cơ sở, đã làm khá tốt trách nhiệm của mình nhưng ở một số nơi cần loại bỏ ngay tư tưởng hẹp hòi, cục bộ, gây khó dễ cho đội viên, can thiệp quá sâu tới mức cản trở hoặc coi nhẹ tới mức thờ ơ ở một số ít cán bộ. Còn đội viên, qua những việc đã và đang làm có lẽ cũng đủ để các em biết mình cần làm gì, phải làm làm gì cho xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương và chính bản thân mình như đã nguyện.         

Tuấn Anh

Các tin khác
Thiếu nữ Thái.

YBĐT - Ngôn ngữ Thái giàu thanh điệu, nên thơ Thái cũng có nhiều âm thanh trầm bổng khác nhau. Điều này, cùng với vần điệu, cách gieo vần phong phú đã làm cho thơ Thái uyển chuyển gần với âm nhạc.

Ngày 27/3, tại Học viện Ngoại giao (Hà Nội) đã diễn ra Lễ ra mắt Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS).

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về tình hình triển khai 
Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước 
Phát triển bền vững vùng Tây Bắc.

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về tình hình triển khai Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước Phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Chương trình do Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì thực hiện.

Thi đấu bóng chuyền trong Lễ hội đền Nhược Sơn,
xã Châu Quế Hạ (Văn Yên).
(Ảnh: Hoàng Đô)

YBĐT - Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2012 - 2020 tiếp tục được mở rộng, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở cơ sở.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục