Chậm xử lý ô nhiễm thuốc trừ sâu ở Nghĩa Lộ

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/5/2014 | 3:17:13 PM

YBĐT - Tại thị xã Nghĩa Lộ, hiện có hai khu vực bị ô nhiễm thuốc trừ sâu nặng. Mỗi khi trở trời, người dân sinh sống tại đây phải hứng chịu mùi nồng nặc của thuốc trừ sâu bốc lên từ đất.

Gia đình ông Đặng Văn Tự thuê người cải tạo nền đất làm nhà trên kho thuốc trừ sâu cũ.
Gia đình ông Đặng Văn Tự thuê người cải tạo nền đất làm nhà trên kho thuốc trừ sâu cũ.

Đây là phần đất thuộc các kho hợp tác xã (HTX) được xây dựng từ những năm 1960, phục vụ luân chuyển và phân phối các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phục vụ sản xuất nông nghiệp cánh đồng Mường Lò, trong đó nhiều loại thuốc có độc tính cao, khó phân hủy trong môi trường, tiếp xúc lâu dài có khả năng gây bệnh hiểm nghèo và hiện không được phép lưu hành như: DDT, 666. Vì nhiều lý do khác nhau, hiện trên nền kho hóa chất BVTV cũ, người dân đã xây dựng nhà ở sinh sống. Sau nhiều năm chung sống với ô nhiễm, nhiều người đã chết vì ung thư, nhưng việc di dời, xử lý độc hại diễn ra rất chậm.

Đến bản Vệ, xã Nghĩa An, bà Lò Thị Sắc, dân tộc Thái, 56 tuổi lập bập trình bày: “Tôi có năm con, một đứa cho em gái nuôi giúp, hai đứa khác bị ngẫn ngờ, thấy ai cũng cười, không làm gì được. Cứ hôm trở trời, mùi thuốc BVTV bốc lên nồng nặc, trồng rau toàn mùi hôi không ăn được. Ngoài làm mấy sào ruộng lúa, tôi chỉ đi làm thuê nuôi con. Còn ngôi nhà này được làm từ sự hỗ trợ của Quĩ "Vì người nghèo" của xã xây dựng với số tiền 25 triệu đồng”.

Ông Đồng Văn Nọi, đã 77 tuổi, nguyên là Chủ tịch xã Nghĩa An thời kỳ 1975 - 1979 khẳng định: “Thời kỳ còn HTX nông nghiệp, khu vực bản Vệ trước được Phòng Nông nghiệp huyện Văn Chấn dựng ba ngôi nhà kho gồm: kho thóc giống, kho phân bón, còn một kho chuyên chứa thuốc trừ sâu DDT, 666 dạng bột và Vô - pha - tốc. Nhiều khi thuốc để lâu vón cục, cán bộ khi đem chôn sâu dưới đất còn bảo dân không được lấy vì độc. Cái kho chứa thuốc sâu chính là nền nhà bà Sắc bây giờ, sống mấy chục năm rồi sinh con ra thì hai đứa bị tật, ông chồng do ảnh hưởng thuốc sâu nên nhận thức kém và đã chết, tội lắm”.

Xung quanh kho thuốc sâu cũ, hiện có 5 hộ là ông Lách, ông Pành, ông Giót, ông Chương, ông Sức đang sinh sống, riêng gia đình ông Lò Văn Lách cạnh nhà bà Sắc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Anh Tươi, con ông Lách là y sỹ hiện đang công tác tại Trạm Y tế xã Nậm Mười (Văn Chấn) phân trần: “Cái nền nhà sàn này khi làm phát hiện nhiều bao đựng thuốc trừ sâu cũ, khi đào ao thấy nước ao đen có mùi hắc hắc, phải lấp đi không dám thả cá nữa. Ngay như gia đình nuôi hai con lợn nái đến kỳ đẻ đều chết sạch. Em làm ngành y nên em biết môi trường sống ở đây độc hại lắm nhưng vì không có đất khác làm nhà, đành chịu”.

Ông Nọi minh mẫn nhớ lại: “Năm 1976 khi tôi đang làm Chủ tịch xã, Bộ Lao động có Quyết định 130 bồi dưỡng độc hại cho người trực tiếp pha thuốc DDT, 666 và Vô - pha - tốc là sáu hào/công, thời ấy một bát phở có hai hào thôi. Biết là nơi kho chứa này độc nhưng không có quĩ đất cho người nghèo nên xã cũng nhất trí cho vợ chồng nhà Sắc dọn ra ở, sau này hợp pháp hóa cho họ”.

Trên nền nhà vốn là kho thuốc sâu cũ ở tổ 23, phường Pú Trạng, bà Vũ Thị Luyến cùng chồng là Đặng Văn Tự, thương binh hạng 3/4 hiện đang cư trú. Diện tích này là kho thuốc sâu của HTX Nghĩa Phúc chuyên chứa thuốc DDT, Vô - pha - tốc cung ứng cho nông dân BVTV. Đến năm 1978, HTX giải thể, đất bỏ hoang. Vốn là thương binh, theo diện được cấp đất ở, chính quyền lúc đó vận động gia đình nhận lô đất hơn 270 m3này. Đến năm 2003, chính quyền cấp làm sổ đỏ chính chủ. Ông Trần Văn Ước, tổ trưởng tổ nhân dân số 23 cho biết: “Kho này được dựng từ năm 1968, nhà gỗ, lợp cỏ gianh, chuyên đựng thuốc trừ sâu. Hiện các nhà bà Liễu, ông Tự, ông Thắng xung quanh kho cũ đều bị ảnh hưởng nặng nề do thuốc sâu ngấm xuống đất. Gần đây, đã có ba người chết vì mắc ung thư gồm: ông Kiệt, bà Mì, ông Thuần, đều là người chung tường rào với nhà ông Tự. Mong muốn của tổ nhân dân là Nhà nước sớm hỗ trợ xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực này”.

Một lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh cho biết: “UBND tỉnh Yên Bái hiện đã quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật việc xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường do tồn dư hóa chất BVTV ở hai khu vực trên nhưng do phải làm đúng qui trình kỹ thuật xử lý. Chắc chắn cuối năm 2014, vấn đề ô nhiễm trên sẽ được giải quyết”. Còn một lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ phân trần: “Việc kho thuốc trừ sâu cũ ảnh hưởng đến người dân địa phương đã biết từ lâu, đã báo cáo lên tỉnh, bởi nguồn vốn xử lý chất độc này rất lớn ngoài tầm của thị xã. Việc bố trí, cấp quyền sử dụng đất nhà ở trên đất kho thuốc sâu là do lịch sử để lại, nếu được xử lý phục hồi môi trường tốt, người dân có thể an tâm sinh sống. Người dân mong mỏi có nơi ở an toàn hơn, có cuộc sống hạnh phúc, mong không còn ung thư từ nguồn dư hại thuốc trừ sâu. Mong các ngành chức năng sớm vào cuộc giải quyết”.
 

Thanh Sơn

Các tin khác
Điều trị bệnh nhi bị tay chân miệng tại Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Trong bối cảnh dịch sởi vẫn đang có diễn biến phức tạp thì tại Thành phố Hồ Chí Minh, dịch tay chân miệng cũng đã bắt đầu xuất hiện và có dấu hiệu lây lan nhanh.

Bà Hoàng Thị Làng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao nhà chữ thập đỏ cho gia đình nạn nhân chất độc da cam tại thôn Sơn Tây, xã Mai Sơn (huyện Lục Yên).

YBĐT - Với sứ mệnh bắc nhịp cầu nhân ái, những năm qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái đã trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều tấm lòng thơm thảo tìm đến sẻ chia, tạo điều kiện cho hàng vạn cảnh đời bất hạnh, kém may mắn có thêm nghị lực vượt qua số phận...

Dây chuyền sản xuất gạch mộc của Nhà máy gạch Tuynel Văn Chấn.

YBĐT - Công ty cổ phần Xây dựng Quang Thịnh là một trong số ít doanh nghiệp ngoài quốc doanh đóng trên địa bàn huyện Văn Chấn duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn. Đồng chí Vũ Văn Đại - Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: “Những năm qua, được sự quan tâm của Ban giám đốc Công ty, đời sống công nhân, viên chức, lao động ngày càng được cải thiện. Đối với tổ chức công đoàn, doanh nghiệp cũng hết sức tạo điều kiện để tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tham quan, du lịch. Đây chính là động lực để người lao động phấn khởi, yên tâm lao động, sản xuất, xây dựng đơn vị ngày càng lớn mạnh”.

Thanh niên Kiểm toán Nhà nước Khu vực VII có nhiều hoạt động tình nguyện hướng về vùng cao.

YBĐT - Trong thời gian qua, KTNN Khu vực VII đã chủ động phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngăn chặn thất thoát trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục