Gần bốn mươi năm đi tìm thủ trưởng cũ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/5/2014 | 9:07:16 AM

YBĐT - Chỉ có những người lính đi ra từ bom đạn mới thấu hiểu thế nào là nghĩa tình đồng đội. Ông Nguyễn Văn Quy ở tổ 11, thị trấn Yên thế (huyện Lục Yên) là một người như thế.

Ông Nguyễn Văn Quy (bên phải) và ông Tăng Ngọc Quýnh trong ngày gặp lại.
Ông Nguyễn Văn Quy (bên phải) và ông Tăng Ngọc Quýnh trong ngày gặp lại.

Ông Quy vào quân ngũ từ năm 1967 và là bộ đội pháo binh. Ngay từ khi bước vào quân ngũ và huấn luyện, ông đã được sát cánh cùng trung đội trưởng Tăng Ngọc Quýnh. Hết thời kỳ huấn luyện, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ bảo vệ vùng cửa ngõ thủ đô. Trong những ngày tháng ấy, điều ông cảm nhận được ở người trung đội trưởng của mình là hiền lành nhưng mưu trí, quyết đoán, sống mực thước nhưng rất gần gũi và hết lòng yêu thương chiến sỹ trong đơn vị. Cảm động nhất là khi có những đồng đội ốm đau, trung đội trưởng Quýnh luôn động viên, chăm sóc như anh em ruột thịt.

Tình thương yêu của người trung đội trưởng với chiến sỹ của mình như vậy khiến ông cùng bao người khác thêm vững tin chiến đấu. Đặc biệt, đến năm 1968, đơn vị ông được điều động vào Nam chiến đấu và đóng quân tại cao điểm 166 ở phía bắc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, ở nơi chiến trường ác liệt, lối sống mẫu mực và lòng yêu thương chiến sỹ của trung đội trưởng Tăng Ngọc Quýnh lại càng tiếp lửa cho những chiến sỹ trẻ trước quân thù.

Ông Quy vẫn nhớ y nguyên thời khắc trong cuộc Tổng tiến công tết Mậu Thân 1968, đơn vị pháo binh của ông được giao nhiệm vụ yểm trợ bộ binh tấn công tiêu diệt địch. Sau đó, địch đã phát hiện thấy hỏa lực mạnh từ pháo binh của ta nên chúng đã tập trung pháo binh và máy bay đánh vào trận địa pháo của ta khiến cho nhiều cán bộ, chiến sỹ thương vong.

Tuy vậy, ông Quýnh vẫn dũng cảm động viên các chiến sỹ vừa làm tốt nhiệm vụ tải thương vừa bám trụ chiến đấu. Đến chiều ngày 30 tết, 6 loạt bom B52 đánh cấp tập vào nơi đơn vị trú quân và ông Quy đã bị sức ép nặng. Dừng tiếng bom, ông Quy cố bò lên chốt báo cáo tình hình với trung đội trưởng thì tiếp theo hàng loạt pháo địch đánh dồn dập vào trận địa pháo của ta. Trung đội trưởng Quýnh bị một mảnh pháo khá to găm vào dưới mông. Ông Quy dùng tay kéo mạnh nhưng mảnh đạn dính máu trơn không thể kéo ra được nên ông phải dùng răng để kéo mảnh đạn.

Sau trận chiến đấu ấy, ông Quy còn gắn bó với thủ trưởng của mình một thời gian nữa cho đến khi ông bị thương nặng phải rời chiến trường ra Bắc, sau đó về phục viên.

Đến ngày đất nước thống nhất, ông Quy trộm nghĩ, chiến trường ác liệt như vậy không biết người thủ trưởng mà ông hằng cảm mến ấy liệu có còn sống để kịp về hay không? Ông cũng hối tiếc là những năm tháng gắn bó bên nhau mà ông chỉ biết thủ trưởng của mình quê ở Thái Bình chứ chưa kịp hỏi ở xã, huyện nào. Nhưng nặng lòng với tình đồng đội xưa, dù cuộc mưu sinh của bản thân còn nhiều khó khăn khi phải rời quê hương Hà Tây cũ lên xây dựng kinh tế mới ở Lục Yên nhưng ông Quy vẫn đau đáu một điều là sẽ tìm được người thủ trưởng cũ. Lúc thông tin còn khó khăn thì gặp ai là người ở Thái Bình, nhất là bộ đội đã từng chiến đấu ở Quảng Trị là ông lại nhắc đến tên ông Quýnh với hi vọng may ra có người biết. Đặc biệt, có những lúc may mắn gặp được đồng đội cũ, ông cũng hỏi nhưng không ai biết thủ trưởng Quýnh giờ ở đâu.

Mãi cho đến những năm gần đây, khi sức khỏe ông có dấu hiệu yếu đi nhiều do di chứng thương tật, chất độc hóa học thì nỗi mong mỏi tìm lại thủ trưởng của ông Quy lại càng thôi thúc hơn bao giờ hết. Thấu hiểu được tâm sự của ông, đã có người nhờ đồng nghiệp ở Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Bình đăng tin tìm giúp. Nhờ kênh thông tin này mà năm 2013 ông Quy đã tìm lại được thủ trưởng của mình. Ngày gặp lại thật khó có thể diễn tả nỗi vui mừng, xúc động của người thủ và chiến sỹ năm xưa.

Ông Quýnh vẫn tiếp tục cuộc đời binh nghiệp và nghỉ hưu với cấp hàm trung tá và càng mừng vui hơn khi ông Quýnh lại là cầu nối cho ông Quy gặp lại 26 người còn lại đến hôm nay trong đại đội pháo binh có khoảng 150 cán bộ, chiến sỹ năm xưa, trong số đó có người đã nghỉ hưu ở cấp hàm vụ trưởng, vụ phó nhưng có người cuộc sống rất khó khăn do yếu đau, thương tật và tất cả họ đều có chung một di chứng là bị suy giảm thính lực do tiếng nổ và sức ép bom đạn trong khi chiến đấu. 26 con người ấy lại yêu thương và tìm cách giúp đỡ lẫn nhau như những tháng ngày năm xưa chung một chiến hào.

H.N

Các tin khác
Tới dây, mọi người bị TNGT sẽ được BHYT thanh toán?

Mọi bệnh nhân bị tai nạn giao thông (TNGT) dù phạm luật hay không đều sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán.

Tỷ lệ đại biểu nữ phải đạt 50% số đại biểu chính thức, trường hợp đặc biệt đảm bảo ít nhất 1/3 tổng số đại biểu.

YBĐT - Theo kế hoạch, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II cấp huyện, thị của tỉnh Yên Bái sẽ diễn ra đến hết tháng 9/2014. Huyện Lục Yên được chọn là địa phương tổ chức đại hội điểm vào cuối tháng 6/2014.

YBĐT - Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi - Tỉnh đoàn đã phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức chương trình “Học kỳ trong quân đội” hè 2014.

Gia đình ông Đặng Văn Tự thuê người cải tạo nền đất làm nhà trên kho thuốc trừ sâu cũ.

YBĐT - Tại thị xã Nghĩa Lộ, hiện có hai khu vực bị ô nhiễm thuốc trừ sâu nặng. Mỗi khi trở trời, người dân sinh sống tại đây phải hứng chịu mùi nồng nặc của thuốc trừ sâu bốc lên từ đất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục