Tự hào "bộ đội Cụ Hồ"
- Cập nhật: Thứ năm, 20/11/2014 | 1:24:49 PM
YBĐT - Đi qua hai cuộc chiến tranh trường kỳ của dân tộc, trưởng thành từ nhân dân, những người lính đã sống qua hai thế kỷ, cống hiến máu xương, tuổi thanh xuân cho độc lập tự do của dân tộc và luôn tự hào là "bộ đội Cụ Hồ".
Bên Tượng đài Bến Âu Lâu lịch sử.
|
Tôi không quên câu chuyện với thương binh hạng 4/4 Vũ Ngọc Cáp ở tổ 27, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái. Dẫu đã bước qua tuổi 82 nhưng người lính pháo binh thuộc đơn vị C1 A1 B3 E220 pháo binh ngày nào vẫn còn rất minh mẫn.
Ông tự hào lần giở cho tôi xem chiếc huy hiệu Chiến sỹ bắn giỏi Bác Hồ trao tặng, ông bảo: "Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác Hồ tặng cho mỗi chiến sỹ một chiếc huy hiệu Chiến sỹ bắn giỏi và một chiếc ca quyết chiến, quyết thắng. Còn chiếc Huân chương Chiến công hạng Ba này là thành tích trận đầu đơn vị tôi bắn rơi máy bay "hai mình" tại Mường Thanh".
Nhìn ông nâng niu tấm Huân chương Chiến công ánh mắt ngời sáng khi nói về Bác, về tài chỉ huy của Tướng Giáp, về sức mạnh diệu kỳ của Quân đội nhân dân Việt Nam mà lòng rưng rưng niềm biết ơn sâu sắc với Đảng, với Bác Hồ kính yêu khiến tôi không khỏi xúc động.
Nhớ về chiến tích ngày nào, giọng ông Cáp phấn chấn hẳn lên: "Tôi nhớ, vào một ngày tháng 4 năm 1954, thời gian này, chiến sự ở chiến trường Điện Biên Phủ rất ác liệt. Bộ phận nuôi quân đã mang cơm đến từng khẩu đội. Chúng tôi cứ ngồi ngay trên mâm pháo mà ăn. Có anh em còn chưa kịp ăn cơm, nhận được khẩu lệnh: hướng 32, độ cao 3.000 mét, 2 tốp mục tiêu…, các khẩu đội bám sát tốp đi đầu. Trận địa như một xưởng máy: xắp đạn, quay hướng, lấy tầm quan trắc, khi mục tiêu đã vào tầm ngắm, tôi được lệnh bắn tốp đi đầu. Khẩu lệnh bắn phát ra, cả trận địa như một lưới lửa chặn địch, bao vây mục tiêu. Chiếc máy bay chiến đấu của Pháp như một khối lửa khổng lồ lao xuống cánh đồng Mường Thanh. Tốp 2 thấy tốp đầu bị bắn cháy, lập tức dâng độ cao, quay đầu không dám tiến sâu vào Mường Thanh. Chiến thắng ngay ở trận đầu, tinh thần bộ đội ta hăng lắm, càng thêm tin tưởng vào tài thao lược của Tướng Giáp, của Cụ Hồ...".
Trốn nhà theo cách mạng và gia nhập quân đội khi mới 16, 17 tuổi, lý tưởng sống của tuổi trẻ được bồi đắp bằng lòng yêu nước diệt thù, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, trên tất cả chỉ có tinh thần quyết chiến quyết thắng, nguyện hy sinh vì Tổ quốc, vì độc lập - tự do của dân tộc, bởi vậy, ông Cáp vẫn luôn tự hào về những năm tháng rèn giũa trong quân đội. Phẩm chất ngời sáng của anh "bộ đội Cụ Hồ" năm xưa vẫn luôn được phát huy trong các phong trào của tổ dân phố, từ làm đường, giữ gìn vệ sinh xóm phố, hàn gắn mâu thuẫn xóm giềng, kết nối đoàn kết khu dân cư đến đi đầu phát triển kinh tế gia đình trong Hội Người cao tuổi của địa phương…Ngay cả trong cuộc sống thời bình, những cựu chiến binh như ông vẫn luôn là những người lính đi đầu.
Câu chuyện với Trung tá Đỗ Hữu Chính ở tổ 24, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái gợi lên trong tôi niềm tự hào về một dân tộc Việt Nam nhỏ bé nhưng rất anh hùng. 83 tuổi đời, 61 năm tuổi Đảng, ông Chính đã từng được nhận rất nhiều huy hiệu, huân, huy chương các loại. Nhưng quý nhất, tự hào nhất với riêng ông đó là 9 huân, huy chương mà Đảng, Nhà nước ta và nước bạn Lào trao tặng cho chiến công trong nhiều năm tham gia làm nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Là Phân đội trưởng phụ trách Phân đội Hữu tuyến của Đại đội Thông tin liên lạc, Tiểu đoàn 910, Trung đoàn 148, thực hiện nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào đánh đuổi giặc Pháp tại biên giới Việt - Lào theo chiến thuật “đánh chắc, thắng chắc” tại chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Chính vẫn nhớ như in những ngày tháng gian khổ, nhường cơm, sẻ áo, đùm bọc, chở che của đồng bào các bản, làng trên đất bạn Lào, nơi mỗi chặng đường đơn vị hành quân qua.
Ông Chính bộc bạch: "Đơn vị đông hơn một nghìn con người mà gạo của đồng bào gom góp dành cho cũng rất hiếm nên nhiều ngày liền, bộ đội mình chỉ toàn ăn cháo loãng với lá rừng. Ấy thế mà đánh trận nào thắng trận ấy... Ngẫm lại mới thấy, ngày ấy chúng tôi sống bằng tinh thần và chiến thắng kẻ thù chính bằng tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Nhìn lớp cháu, con hôm nay sung sướng, đủ đầy càng ơn Đảng, ơn Bác Hồ. Chỉ mong thế hệ trẻ mai này biết trân trọng lịch sử dân tộc, tiếp bước cha anh, gìn giữ vẹn toàn chủ quyền của giang sơn, Tổ quốc…".
Cầm chiếc kèn ác - mô - ni - ca, kỷ vật một thời của người lính chiến, ông say sưa thổi cho tôi nghe bài hát "Vì nhân dân quên mình" mắt ánh lên niềm tự hào. Tôi hiểu, nguyện ước của những người lính đi trước là điều nhắc nhớ dân tộc, nhắc nhớ trách nhiệm của thế hệ trẻ quê hương hôm nay về những trang sử vẻ vang của dân tộc, về truyền thống hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, về giá trị của độc lập - tự do và cả những hy sinh xương máu của cha anh một thời không thể nào quên.
Phạm Minh
Các tin khác
Sáng nay, ngày 20/11, Quốc hội thảo luận về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Là một vấn đề quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, Đề án đã nhận được sự quan tâm của đông đảo công luận với nhiều ý kiến trái chiều và nhiều thách thức được chỉ ra.
YBĐT - Nửa thế kỷ kể từ ngày thành lập, trải qua nhiều khó khăn, gian khó nhưng trong bất kì hoàn cảnh nào, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS huyện Mù Cang Chải vẫn vươn lên xứng đáng là một điểm sáng của sự nghiệp giáo dục vùng cao.
YBĐT - Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái hiện đang quản lý trên 15.000 cán bộ, giáo viên và 169.455 học sinh từ bậc mầm non đến chuyên nghiệp, trong đó, mầm non 187 trường, 1.705 nhóm, 47.290 trẻ; tiểu học 169 trường, 2.994 lớp, 70.837 học sinh; trung học cơ sở 187 trường, 1.465 lớp, 46.343 học sinh; trung học phổ thông 25 trường, 502 lớp, 18.564 học sinh và 4.985 học sinh, sinh viên (HSSV) của các trường chuyên nghiệp.
Bộ trưởng gửi tới các cô giáo, thầy giáo, cán bộ quản lý và công viên chức ngành giáo dục những lời chúc mừng nồng nhiệt.