Hưởng ứng ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS 1/12 và Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014

Tập trung thực hiện thành công mục tiêu “Ba không” trong phòng chống HIV/AIDS

  • Cập nhật: Thứ hai, 1/12/2014 | 2:19:54 PM

YBĐT - Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng cùng sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo chính quyền các cấp và sự nỗ lực của các ngành, các đoàn thể và nhân dân, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Công tác phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh Yên Bái đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ tỉnh đến địa phương; chương trình phòng, chống HIV/AIDS được triển khai rộng khắp.

Đồng đẳng viên phường Yên Ninh (thành phố Yên Bái) phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng.
Đồng đẳng viên phường Yên Ninh (thành phố Yên Bái) phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng.

100% huyện, thị xã triển khai chương trình truyền thông phòng, chống HIV/AIDS; 100% huyện, thị có điểm điều trị thuốc ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS; 100% huyện, thị triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại - trao đổi bơm kim tiêm sạch cho người nghiện chích ma túy, đặc biệt là chương trình điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được triển khai và bước đầu thu được những kết quả khả quan với hơn 400 bệnh nhân đang được điều trị và tiếp tục được đầu tư mở rộng ra các địa bàn “nóng” của tỉnh về tệ nạn ma túy.

Bên cạnh đó, Yên Bái đã áp dụng nhiều mô hình phòng, chống HIV/AIDS tốt, huy động được sự tham gia rộng rãi của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức dựa vào cộng đồng (hội/chi hội phòng, chống HIV/AIDS) và cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Những năm gần đây, Yên Bái về cơ bản đã và đang từng bước kiểm soát được tình hình dịch HIV/AIDS. Cụ thể, đã giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người tử vong do AIDS và người nhiễm HIV được kéo dài cuộc sống, chất lượng sống đang dần được cải thiện. Đặc biệt, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, người dân thay đổi rõ rệt theo chiều hướng tích cực. Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, tình trạng người nhiễm HIV tự kỳ thị giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. HIV tại Yên Bái giảm chưa đồng đều, chưa bền vững. Mỗi năm, trung bình, trên địa bàn tỉnh Yên Bái lại phát hiện thêm khoảng 300 người nhiễm mới HIV. HIV tiếp tục lan rộng về địa dư, chuyển dịch đường lây, có xu hướng lan ra những nhóm người được coi là có hành vi nguy cơ thấp (như phụ nữ, trẻ em) và tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ bùng phát trở lại.

Đến thời điểm hiện tại, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái là 4.992 người, 1.445 người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong, hiện 3.547 người còn sống. Tỷ lệ người nhiễm HIV toàn tỉnh là 0,45%. Yên Bái đang là một trong những tỉnh có tỷ lệ nhiễm HIV trên dân số thuộc nhóm đứng đầu cả nước.
Bên cạnh đó, sự giảm mạnh nguồn lực đầu tư từ các tổ chức quốc tế và chương trình mục tiêu quốc gia cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong khi nhu cầu đầu tư cho duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để ứng phó với tình hình dịch đang ngày càng có tính chất phức tạp và số bệnh nhân HIV có nhu cầu được điều trị ngày càng tăng cao... là khó khăn, thách thức lớn với tỉnh Yên Bái trong thời gian tới.

Một buổi sinh hoạt câu lạc bộ đồng đẳng ở phường Yên Ninh (thành phố Yên Bái).

Như vậy, HIV/AIDS vẫn đang tiếp tục là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, chính trị và trật tự an toàn xã hội của tỉnh. Do đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn cần được tiếp tục khẳng định là một nhiệm vụ phức tạp, phải được tiến hành thường xuyên và lâu dài, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia của toàn xã hội và của mỗi người dân.

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS nhưng ở một số nơi trong nước cũng như trong tỉnh vẫn còn sự phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV ở nhiều hoàn cảnh, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau ở mọi nơi từ gia đình, nơi làm việc, trường học, công sở và ngoài công cộng với những nguyên nhân chính như: HIV/AIDS là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dẫn đến chết người, trong khi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc-xin phòng chống bệnh; do thiếu hiểu biết hoặc hiểu không đúng, không đầy đủ về HIV/AIDS.

Nhiều người vẫn cho rằng, HIV/AIDS là bệnh rất dễ lây, kể cả qua tiếp xúc thông thường hoặc nhiều người lại cho rằng chỉ có người tiêm chích ma túy hoặc người mua, bán dâm mới bị nhiễm HIV/AIDS. Họ coi HIV/AIDS là tệ nạn xã hội, nhiễm HIV là có tội, có lỗi. Nguyên nhân nữa là công tác truyền thông chưa thực sự đầy đủ, phù hợp... Vì thế đã khiến mọi người sợ hãi, xa lánh, dẫn đến kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

 

Cán bộ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS làm xét nghiệm.

Tháng Hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2014 với chủ đề “Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” với mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của toàn dân thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” và phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi có hại, thực hiện hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng và tăng cường quảng bá các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân…

Ngoài tổ chức các sự kiện, các cấp địa phương tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông phổ biến Luật Phòng, chống HIV/AIDS, “Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, các văn bản quy phạm pháp luật khác; chú trọng truyền thông về các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV; tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp như nói chuyện sức khỏe với cá nhân, các cuộc thảo luận nhóm, thăm gia đình người nhiễm HIV hoặc người có hành vi nguy cơ cao, tổ chức sinh hoạt của các câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS, các nhóm tự lực, các nhóm giáo dục đồng đẳng…; đăng tải bài viết trên phương tiện thông tin đại chúng địa phương, treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi, sách mỏng… tại những điểm công cộng đông người qua lại, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương…

Đồng thời tập trung giới thiệu, quảng bá rộng rãi các địa chỉ cung cấp các dịch vụ dự phòng và chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẵn có, bao gồm cả các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến để mọi người dân, đặc biệt là người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS dễ dàng tiếp cận sử dụng; mở rộng cung cấp và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khỏe, tư vấn, hệ thống chuyển tiếp, chuyển tuyến và cung cấp các phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV như bao cao su, bơm kim tiêm sạch; khuyến khích các tổ chức như câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS, các nhóm tự lực và cá nhân, gia đình bệnh nhân AIDS tăng cường chăm sóc, hỗ trợ và điều trị bệnh nhân AIDS, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS hòa nhập cộng đồng…

Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS dẫn đến hạn chế một số quyền cơ bản của công dân như quyền được chăm sóc sức khỏe, làm việc, học hành, tự do đi lại… là những quyền được pháp luật bảo vệ; người bệnh khó tiếp nhận thông tin, kỹ năng phòng bệnh. Vì vậy, Yên Bái quyết tâm thực hiện “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”, góp phần hoàn thành mục tiêu “Ba không” (không còn người nhiễm HIV mới, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS) theo Chiến dịch Phòng, chống AIDS toàn cầu.  

Phan Duy Tiêu - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Yên Bái

Các tin khác
Công an huyện triển khai công tác bảo đảm an ninh cơ sở.

YBĐT - Để chủ động đấu tranh, đẩy lùi các loại hình tội phạm, Công an huyện Yên Bình (Yên Bái) đã chủ động tham mưu cho UBND huyện, thực hiện hiệu quả “Chiến lược bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma tuý; phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; đấu tranh tố giác tội phạm.

Nhiều hộ dân không muốn vào khu tái định cư thôn Linh Đức, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên vì không có nước sạch.

YBĐT - Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã thông tuyến. Khi Dự án triển khai, hàng nghìn hộ dân tại Yên Bái đã bị ảnh hưởng, trong đó hàng trăm hộ dân phải di chuyển chỗ ở. Đến nay, cơ bản các hộ dân đã ổn định tại nơi ở mới, tuy nhiên, nhìn lại quá trình xây dựng, bố trí tái định cư (TĐC) vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục.

Rạng sáng 1/12, không khí lạnh ảnh hưởng đến Bắc bộ

Ngày và đêm nay (1/12) không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các khu vực ở Bắc bộ, sau đến đến các tỉnh Trung bộ.

Gió mùa mạnh gây rét ở miền Bắc và mưa to ở miền Trung

Theo dự báo, đêm nay (30/11), miền Bắc sẽ đón gió mùa Đông Bắc khiến nhiệt độ hạ đột ngột, có nơi chỉ còn khoảng 13 – 14 độ C. Ở Trung Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục