Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào thiểu số
- Cập nhật: Thứ ba, 2/12/2014 | 3:08:24 PM
YBĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi, có số lượng lớn đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) sinh sống. Đồng bào còn nhiều tục tập lạc hậu, đời sống còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Vì vậy, người có uy tín trong ĐBDTTS có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Trạm Tấu trao đổi, hướng dẫn đồng bào Mông phát triển kinh tế.
|
Ông Mã Văn Tuyển - Trưởng ban Dân tộc, Tôn giáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái cho biết: “Năm 2014, tỉnh có 1.305 già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư được công nhận, trong đó, huyện Mù Cang Chải 306 người, Lục Yên 258 người, Văn Chấn 399 người, Văn Yên 155 người… Trong phát triển kinh tế, các già làng, trưởng bản, người có uy tín luôn gương mẫu đi đầu trong việc chuyển đổi mùa vụ, đưa giống cây trồng mới vào sản xuất; gương mẫu trong trồng rừng và bảo vệ rừng, nhường đất cho con cháu, anh em trong dòng họ, hộ nghèo thiếu đất sản xuất, thực hiện tốt phong trào “3 xanh” (xanh rừng, xanh đồng ruộng, xanh nương rẫy); tích cực tham gia quản lý, giám sát việc đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm…”.
Các già làng, trưởng bản, người có uy tín luôn tích cực vận động con cháu, gia đình, thôn, bản thi đua lao động, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, không di dịch cư tự do, không tái trồng cây thuốc phiện. Trong lĩnh vực văn hoá xã hội, an ninh - quốc phòng, các già làng, trưởng bản, người có uy tín gương mẫu vận động con cháu đi học; đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh khi ốm đau, thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình; giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng thôn, bản phát triển yên bình, hoà thuận.
Ông Giàng A Di, người có uy tín ở bản Khao Mang, xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, cho biết: “Những người có uy tín ở trong thôn, bản đã kết hợp với chính quyền, mặt trận thôn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xoá bỏ các tập tục lạc hậu. Tuy nhiên, đây là một việc làm rất khó khăn do chịu tác động của nhiều yếu tố”.
Bằng những lời lẽ, cử chỉ thân tình hay câu chuyện trong đời sống hàng ngày, ông Di đã giúp bà con hiểu và chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Còn ông Thào A Tông - người có uy tín ở xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu lại kể cho con cháu, người dân trong thôn, bản nghe những việc cán bộ tỉnh, huyện đã nhắc đồng bào cần cảnh giác, không nghe và tin lời kẻ xấu xúi giục. Ông luôn nói với bà con rằng, cuộc sống ấm no như ngày hôm nay là nhờ có Đảng, Nhà nước đã quan tâm, thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, định canh, định cư, làm đường giao thông nông thôn, giúp dân phát triển kinh tế.
Vai trò của người có uy tín trên địa bàn tỉnh Yên Bái, đặc biệt tại hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải ngày càng được khẳng định, nhất là từ khi thực hiện chủ trương vận động đồng bào Mông ăn chung một tết Nguyên đán. Thay đổi một tập tục đã có hàng nghìn đời, ăn sâu vào tiềm thức của người dân là việc không hề đơn giản. Các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng là những người đầu tiên bỏ tết Mông để ăn tết Nguyên đán cùng dân tộc.
Họ giải thích với bà con rằng: “Thay đổi thời gian ăn tết giúp đồng bào có điều kiện hòa nhập, từng bước tiến kịp miền xuôi, có thêm nhiều thời gian dành cho sản xuất vụ xuân, con cháu đi học xa có thể ăn tết cùng với gia đình và không phải mổ nhiều lợn, nhiều gà, không tốn tiền của”. Nghe lời của các già làng, trưởng bản, người Mông đã cùng ăn chung một tết với người dân cả nước. Để kịp thời động viên, các già làng, trưởng bản, vào các dịp lễ, tết, Mặt trận Tổ quốc tỉnh và chính quyền địa phương các cấp đã thăm hỏi, tặng quà, tổ chức các hội nghị biểu dương để họ tiếp tục phát huy tấm gương sáng trong cộng đồng dân cư.
Có thể nói, vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư là những hạt nhân tích cực, góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.
Hà Anh
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc, đặc biệt là việc đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số. Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo cơ bản ngày càng tăng. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng ngày càng trưởng thành và lớn mạnh về nhiều mặt.
YBĐT - Ngày 26/5/2008, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1816/QĐ-BYT phê duyệt Đề án“Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”(gọi tắt là Đề án 1816). Đây là một đề án có cơ sở khoa học và thực tiễn cao nên đã được các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành y tế hưởng ứng và thi đua thực hiện.
YBĐT - Theo Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND Về xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2010 – 2015, các trường tiểu học và THCS đủ điều kiện chuyển đổi xây dựng mô hình trường phổ thông DTBT, trường có học sinh bán trú được đầu tư cơ sở vật chất cho việc ăn, ở, sinh hoạt bảo đảm các điều kiện cho học sinh nội trú; có nhân viên cấp dưỡng; cán bộ, giáo viên, học sinh được hưởng các chính sách của trường phổ thông DTBT.
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất điều chỉnh mức tăng lương hưu sau quyết định tăng chung 8% cho các đối tượng vì nhiều bất cập bộc lộ. Với mức tăng chung 8%, người có mức lương hưu càng cao thì lương hưu tăng thêm càng lớn, người có lương thấp mức tăng thêm lại thấp…