Đôi điều cảm nhận về hiệu quả Thông tư 30
- Cập nhật: Thứ năm, 11/12/2014 | 2:57:09 PM
YBĐT - Thông tư số 30 của Bộ Giáo dục - Đào tạo chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10/2014, đã tạo ra “luồng khí” mới đối với học sinh tiểu học, thầy cô giáo và các bậc phụ huynh. Đặc biệt, chỉ thị về việc bỏ các kỳ thi học sinh giỏi hy vọng sẽ mang lại hiệu quả nhiều mặt trong giáo dục tiểu học.
Từ khi Thông tư 30 đi vào thực tế, học sinh tiểu học có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động lành mạnh khác nhằm tăng cường thể chất và kỹ năng sống. (Ảnh: Học sinh Trường tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái trong giờ học ngoại khóa môn bóng đá).
|
Là một phụ huynh có con đang học hệ tiểu học, từ khi Thông tư ra đời và có hiệu lực, tôi thấy việc học hành của các con đã giảm áp lực thực sự. Ngoài thời gian học tập ở trường, khi về gia đình, các con có nhiều thời gian hơn để giao tiếp và học cách ứng xử trong gia đình, làng xóm; giúp đỡ cha, mẹ, ông, bà những công việc tùy theo sức của mình; ăn nghỉ khoa học, vui chơi lành mạnh.
Nhớ lại quãng thời gian trước đây, dù nhiều nhà trường chỉ đạo các thầy cô chỉ dạy và giao bài cho học sinh vào thời gian trên lớp, song, cuối tuần các em vẫn được thầy cô giao thêm bài trong bộ sách “Bài tập cuối tuần” của Nhà xuất bản Giáo dục hoặc phiếu bài tập cuối tuần của Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội. Cá biệt, một số trường học vẫn khuyến khích hoặc yêu cầu học sinh tham gia đội tuyển học sinh giỏi giải Toán và Tiếng Anh trên mạng, thậm chí còn đặt ra tiêu chí mỗi lớp phải có 1-3 học sinh đạt thành tích về chữ đẹp. Đồng thời, khi vận động và tổ chức các kỳ thi này, nhà trường tổ chức chấm giải, giáo viên nào có học sinh tham gia đội tuyển và đạt kết quả cao sẽ là tiêu chí đánh giá xếp loại học sinh và kết quả giảng dạy của thầy cô. Điều đó đã vô tình làm cho các thầy cô giáo, các em học sinh phải chịu một áp lực lớn nên phải tích cực tham gia các kì thi như thế. Tất nhiên, sau mỗi kỳ tổ chức đó, nhà trường có một đội tuyển giỏi để đi thi thố. Học sinh được chọn đương nhiên sau khi thi tốt sẽ được vào học lớp mũi nhọn do các giáo viên có bề dày thành tích giảng dạy. Từ đó, nhiều bậc phụ huynh lo lắng vì thấy các bé khác học tốt thì tìm cách cho con học thêm, luyện chữ. Nhiều phụ huynh khác cũng từ đó mà đua nhau tìm nơi cho con học thêm và học thêm, dạy thêm cũng từ đó mà trở thành vấn nạn.
Nhìn nhận thẳng thắn một chút về các bộ đề thi Toán và Tiếng Anh trên mạng Internet, điều rõ ràng nhận thấy là các chương trình này đều “chạy” trước chương trình học ở lớp rất nhiều, bắt buộc giáo viên và học sinh phải học trước chương trình nếu không thì không đáp ứng kịp. Đã vậy, tiêu chí thời gian về đích bài thi đã vô tình dạy cho trẻ một thói quen làm bài nhanh, làm tắt, miễn làm sao có kết quả đúng và kịp thời gian mà lại không quan tâm đến phương pháp làm và cách thức trình bày bài. Vậy là tính tỉ mỉ, tự nghiên cứu, phát triển tư duy sáng tạo của học sinh sẽ mất dần, chỉ còn thụ động đón nhận bài học theo lối mòn, khi gặp một dạng bài khác sẽ không tự áp dụng kiến thức đã học vào thực hành dẫn đến tình trạng lười suy nghĩ, thiếu chiều sâu trong nhận thức.
Thiết nghĩ, việc ra đời của Thông tư 30 là điều tất yếu. Nó đã góp phần vào việc giảm áp lực cho học sinh, tháo gỡ những bức bối trong bệnh thành tích của ngành giáo dục. Tuy nhiên, để mỗi học sinh phát triển một cách toàn diện cả về thể chất và tinh thần thì rất cần ngành giáo dục - đào tạo nghiên cứu, tham mưu cho ra đời một bộ sách giáo khoa với môn học phù hợp sự phát triển thể chất của trẻ. Việc học tiếng Anh, Tin học là rất cần thiết và phù hợp với thời đại nhưng cũng nên xem xét ở độ tuổi nào mới nên đưa Tin học và Tiếng Anh trở thành môn học chính như Toán, Tiếng Việt và Lịch sử trong hệ tiểu học. Có như vậy thì khi trưởng thành các em sẽ có đầy đủ các điều kiện đáp ứng được nhu cầu của thời đại.
Ngày 3/11/2014, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ thị các địa phương chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học. Nhiều lệnh “cấm” đã được ban hành. Cụ thể, đối với các trường và lớp dạy học 2 buổi/ngày: Hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung học tại lớp; nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh; khuyến khích tổ chức cho học sinh để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp. Đối với các trường và lớp dạy học 1 buổi/ngày: Chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của học sinh học 2 buổi/ngày; không giao bài tập ngoài sách giáo khoa. Không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học. Thực hiện nghiêm túc việc nghiệm thu chất lượng giáo dục và bàn giao học sinh từ lớp dưới lên lớp trên, từ tiểu học lên trung học cơ sở. (Theo NDĐT) |
Nguyễn Thanh
Các tin khác
YBDDT - Những năm 2010 trở về trước, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) của xã Tân Lập (huyện Lục Yên) còn gặp nhiều khó khăn: tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, phụ nữ bị các bệnh về phụ khoa khá cao, đặc biệt là tình trạng sinh con thứ 3 vẫn diễn ra phổ biến đã ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển chung của địa phương.
YBĐT - Về Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ) là về với mẹ Âu Cơ. Tôi hòa vào dòng người bất tận về với nguồn cội, thắp nén hương thơm bày tỏ lòng thành kính với tổ Mẫu - Người sinh ra dòng dõi Tiên - Rồng, có công lao “khơi sông Thao, bồi núi Nả, xây đắp nên non vàng, bể Bắc như hoa thêu, như gấm dệt” và cũng là để được tận mắt chiêm ngưỡng vùng đất sinh ra từ huyền thoại Âu Cơ. Về đây, tôi lại miên man nghĩ đến Chiến khu Vần - Hiền Lương và cả những người ở Đội du kích Âu Cơ.
YBĐT - Những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện Văn Chấn bằng những chương trình hành động cụ thể đã xây dựng vững chắc khối đoàn kết các dân tộc thông qua cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Ngày vì người nghèo", "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.
Hôm nay 11/12, thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi THPT quốc gia 2015 dự kiến có khoảng 34 cụm thi. Hiện, Bộ đã làm việc với các trường đại học dự kiến giao chủ trì cụm thi liên tỉnh, với các Sở GD-ĐT để khảo sát thực trạng về nguồn lực và các điều kiện cho việc tổ chức cụm thi liên tỉnh tại các địa phương này.