Nà Tạng 17 năm không có người sinh con thứ ba

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/12/2014 | 1:07:51 PM

YBĐT - Nà Tạng là thôn vùng sâu, vùng xa của xã Minh Xuân (Lục Yên), có 117 hộ dân với trên 400 khẩu, gồm các dân tộc: Kinh, Tày, Dao, Thái, Nùng… cùng chung sống. Cuộc sống của người dân Nà Tạng trước đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Chị Hoàng Thị Dung (giữa) tuyên truyền, vận động chị em thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại.
Chị Hoàng Thị Dung (giữa) tuyên truyền, vận động chị em thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại.

 Nguyên nhân do tập quán canh tác lạc hậu, thiếu đất, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất chăn nuôi nhưng sâu xa là do các hộ gia đình ở đây đẻ nhiều, có hộ nghèo đói không đủ điều kiện cho con đi học cấp 2 và cấp 3…

Từ năm 1996 đến nay, khi chị Hoàng Thị Dung làm “thủ lĩnh” dân số ở Nà Tạng, mọi sự đã đổi thay. 17 năm liền Nà Tạng không có người sinh con thứ ba, cuộc sống của người dân đã có nhiều khởi sắc nhờ thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Chúng tôi đến thăm Nà Tạng vào một buổi chiều muộn, tình cờ gặp chị Dung đang trên đường đi tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ không sinh con thứ ba.

Chị vui vẻ dành thời gian trò chuyện về công việc mình thường làm trong nhiều năm qua: “Mình nhớ năm 1996, khi mới nhận nhiệm vụ làm cộng tác viên dân số thôn Nà Tạng, mình phải đi nương, ra đồng, đến tận hộ để tuyên truyên, vận động các cặp vợ chồng không đẻ dày, đẻ nhiều, mỗi gia đình chỉ đẻ hai con, dù gái hay trai, chỉ hai là đủ… Song do địa bàn thôn rộng, đông dân, sống không tập trung, nhận thức của người dân còn hạn chế, còn mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, muốn có con trai để nối dõi tông đường nên việc tuyên truyền, vận động gặp rất nhiều khó khăn. Mình nhớ có lần đến vận động các cặp vợ chồng sinh con một bề, ông chồng khó tính không nghe mình nói, bảo mình đi về rồi đóng cửa đóng cổng vào. Có lần đến vận động một cặp vợ chồng đi triệt sản, ông chồng không muốn cho vợ đi, bảo: “Đi về mà “đá ống bơ” thì tôi không chịu trách nhiệm”… Trong lúc họ căng thẳng, mình tìm cách khéo léo chào về rồi hôm khác lại đến. “Mưa dầm thấm lâu”, thế là họ đều nghe theo mình vận động…”. 

17 năm làm cộng tác viên dân số, tuy tiền trợ cấp không đủ cho bản thân sinh hoạt tối thiểu, chồng đi công tác xa trên huyện, hai con gái còn nhỏ nhưng chị Dung đã khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thôn Nà Tạng hiện có 84 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nhiều cặp vợ chồng sinh con một bề, đa số đều muốn sinh thêm con thứ ba để “thử vận may” sinh được con trai “nối dõi tông đường”. Nhưng khi được chị Dung tuyên truyền, vận động và thấy chính chị là người có hai con gái mà không đẻ thêm, đã nuôi dạy con thành đạt nên các cặp vợ chồng đều nghe chị, không sinh con thứ ba để có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con tốt hơn.

Chị Hoàng Thị Phố ở thôn Nà Tạng phấn khởi khoe: “Em xây dựng gia đình từ năm 2007. Vợ chồng em sinh được hai cháu trai, nhiều người cứ độc miệng nói: “Sinh con một bề hết nghề làm ăn”. Có lúc chồng muốn đẻ thêm một cháu gái nữa, chị Dung đến vận động cũng không muốn nghe nhưng chồng em thấy chị đến nhiều lần nói chuyện, phân tích có lý, có tình, chồng em quyết định không sinh thêm con gái nữa. Em rất vui vì sức khỏe của em không được tốt như mọi người, nếu phải sinh nở nữa thì thật vất vả”.

Trong 17 năm làm “thủ lĩnh” dân số ở Nà Tạng, chị Dung đã vận động được hơn 20 ca đình sản nữ; hàng trăm cặp vợ chồng không sinh con thứ ba; tổ chức hàng nghìn buổi họp nhóm thảo luận, truyền thông trực tiếp, gặp từng đối tượng tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng tìm ra biện pháp phù hợp đối với mình để thực hiện các biện pháp tránh thai phù hợp không sinh con thứ ba. Nhận thức về công tác DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân thôn Nà Tạng đã được nâng cao. Cũng nhờ sinh đẻ có kế hoạch mà cuộc sống của các hộ dân trong thôn đã cónhiều khởi sắc, nhiều năm qua thôn không có hộ đói, hộ nghèo giảm nhanh hàng năm. Đặc biệt, chị Hoàng Thị Dung còn được bà con trong thôn tín nhiệm vừa bầu làm trưởng thôn.   

Minh Hằng

Các tin khác

Chủ đề của ngày Dân số Việt Nam năm nay là “Duy trì mức sinh thấp hợp lý - vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.

YBĐT - Ngày 25/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Báo cáo viên tháng 12/2014 nhằm triển khai chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2015. Đồng chí Hà Đức Hoan - Thường vụ Tỉnh ủy dự và chủ trì Hội nghị (ảnh).

Ra mắt Ban chấp hành Hội KHHGĐ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2014 - 2019.

YBĐT - Ngày 25/12, Hội kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh đã tiến hành Đại hội đại biểu Hội KHHGĐ tỉnh Yên Bái lần thứ III, nhiệm kỳ 2014 - 2019.

Trẻ em hôm nay là chủ nhân tương lai của đất nước.

YBĐT - Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Bởi vậy, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em (CSBVTE) đã được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục