Làm gì để giúp trẻ chống đuối nước?
- Cập nhật: Thứ ba, 12/7/2016 | 9:10:52 AM
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm ở Việt Nam có từ 3.500 - 4.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Đồng thời, Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về số người chết đuối, cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Vậy, cần làm gì để giúp trẻ chống đuối nước?
Thầy giáo Điền Đức Nghĩa là người trực tiếp dạy bơi tại Trung tâm dạy bơi Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, cho rằng, gia đình và nhà trường cần trang bị cho trẻ về sự nguy hiểm khi bị đuối nước và trẻ cũng cần được trang bị các kỹ năng biết bơi và phải xử lý được các tình huống nguy hiểm dưới nước.
Đối với phụ huynh, khi cho trẻ đi bơi thì cần có sự giám sát đối với trẻ, không phải trẻ đã biết bơi thì bố mẹ có thể lơ là, để con tự bơi một mình còn bố mẹ đi chơi ở một nơi nào đó. “Phụ huynh phải luôn kèm theo con của mình dù là ở bể bơi hay ở biển”- thầy Nghĩa nhấn mạnh.
Mặc dù nhiều thông tin cho rằng, cần phải trang bị kỹ năng cứu đuối nước cho trẻ khi gặp những trường hợp nhìn thấy bạn bè, người thân bị đuối nước, nhưng theo thầy Nghĩa, việc cứu đuối nước là một kỹ năng phức tạp và chỉ có thể thực hiện được với những người chuyên nghiệp. Thầy Nghĩa nhấn mạnh, đã có rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ, thậm chí là các anh chị lớn là sinh viên khi thấy bạn bè bị đuối nước liền dùng tay kéo để cứu bạn, nhưng đáng tiếc hầu hết những trường hợp này đều khiến cả hai bị những dòng nước cuốn trôi.
Chuyên gia dạy bơi cho rằng, trong những tình huống này, trẻ nên tìm sự giúp đỡ của người lớn hoặc những vật dụng xung quanh để kéo bạn lên, thay vì tự mình chống chọi với dòng nước cuốn.
Theo thầy Điền Đức Nghĩa, tất cả các trường học nên đưa môn dạy bơi vào làm môn học chính thức trong quá trình giảng dạy. Mặc dù hiện tại Bộ Giáo dục & Đào tạo đã chỉ đạo để các trường học thực hiện kế hoạch này, nhưng do cơ sở vật chất còn thiếu nên hầu hết các trường học đều kết hợp với các trung tâm bên ngoài để thực hiện giảng dạy và cũng chỉ dạy trong các dịp hè. Do đó, các buổi học thường quá đông, người giảng dạy ít nên không đảm bảo kiến thức và kỹ năng cho trẻ.
Theo quan điểm của chuyên gia dạy bơi, điều quan trọng nhất để phòng tránh đuối nước đó là, gia đình và nhà trường phải giáo dục cho trẻ sự nguy hiểm của đuối nước để trẻ biết sợ mà không tự do nhảy, ngụp lặn dưới nước. Thầy Nghĩa nhấn mạnh, dạy bơi vẫn nên xếp sau nhận thức về sự nguy hiểm của đuối nước.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên hướng dẫn trẻ các kỹ năng sống sót khi bị chìm. Trẻ cần bình tĩnh nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở, có thể lấy tay bịt mũi để phổi không bị sặc nước, trở thành cái phao cứu sinh đẩy người nổi dần lên.
Tiếp tục thả lỏng người để nước đẩy lên sát mặt nước trở về tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu.
Dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước, hoặc cũng có thể quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng bởi trong nước người trở nên nhẹ hơn so với trên cạn.
Khi chuyển động lên xuống, hãy nhớ trên mặt nước phải há miệng to thở vào nhanh và sâu; dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi, hoặc bằng mồm.
(Theo Dân trí)
Các tin khác
YBĐT - Sáng 11/7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2016, triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đồng chí Lê Thành Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị.
YBĐT - Thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên với nhiều hình thức, cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế của cơ sở đã đạt nhiều kết quả thiết thực, đưa cuộc vận động đi vào đời sống có chất lượng, hiệu quả. Do đó, vai trò của phụ nữ trong gia đình ngày càng được phát huy.
YBĐT - Xuất phát từ mục tiêu xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc", trong suốt 10 năm qua, không có gia đình nào ở thôn Ninh Phúc, xã Nga Quán (Trấn Yên) sinh con thứ 3 trở lên.
YBĐT - Là một trong những nội dung ưu tiên của Chiến lược Quốc gia về Chăm sóc sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ), công tác tuyên truyền về sức khỏe sinh sản (SKSS) tới đối tượng vị thành niên/ thanh niên (VTN/TN) đặc biệt là trẻ em gái VTN là một trong những hoạt động hữu ích nhằm trang bị cho các em kiến thức đầy đủ để bảo vệ sức khỏe bản thân và bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn, khỏe mạnh.