Nâng cao ý thức đội mũ bảo hiểm cho trẻ em
- Cập nhật: Thứ tư, 13/7/2016 | 3:32:09 PM
YBĐT - “Không có mũ con không lên xe đâu”, “Mũ của con đâu ?”… là câu mà nhiều trẻ nhỏ đã nói với cha, mẹ và người thân trong gia đình mỗi khi lên xe đi học hay đi chơi. Qua đó, có thể thấy, nhận thức và ý thức đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông ở trẻ em đã nâng lên. Chuyển biến trên chính là kết quả của công tác tuyên truyền, nhắc nhở, phổ biến mà các cấp, ngành đã triển khai trong thời gian qua.
Cán bộ Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh tuyên truyền về mũ bảo hiểm tại trường học.
|
An toàn giao thông (ATGT) đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm với những diễn biến ngày càng phức tạp. Trên mọi nẻo đường, hàng ngày, hàng giờ vẫn liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng cướp đi sinh mạng của nhiều người. Đặc biệt, các vụ TNGT liên quan đến trẻ em đang ở mức cao.
Thống kê cho thấy, trong 2 năm 2014 - 2015, toàn tỉnh xảy ra 471 vụ TNGT, làm 122 người chết, 587 người bị thương. Trong đó, số vụ liên quan đến trẻ em là 37 vụ, chết 13 người, bị thương 34 người. Theo đánh giá của các ngành chức năng, một trong những nguyên nhân dẫn đến thương vong ở trẻ em khi xảy ra TNGT là do trẻ em không đội MBH dẫn đến chấn thương sọ não, nguy hiểm đến tính mạng.
Qua quan sát thực tế, bên cạnh một số phụ huynh, học sinh thực hiện tốt quy định đội MBH khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe máy và xe đạp điện thì vẫn còn một bộ phận chưa nghiêm chỉnh chấp hành.
Trước thực trạng này, những năm qua, nhiều giải pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức đội MBH khi tham gia giao thông đối với trẻ em được các ban, ngành, địa phương triển khai đồng bộ.
Theo đó, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo và triển khai các hoạt động tuyên truyền quy định của pháp luật về đội MBH cho trẻ em bằng nhiều hình thức phong phú trên phạm vi toàn tỉnh với các thông điệp cụ thể như: “Đội MBH đạt chuẩn để bảo vệ chính mình”, “Trẻ em phải đội MBH khi đi xe máy”, “Đội mũ cho con, trọn tình cha mẹ”, “Nhớ lời cô dặn: đội MBH khi đi xe máy, xe đạp điện”.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Ban ATGT tỉnh đã triển khai 8 điểm đội MBH đạt chuẩn chất lượng có trợ giá cho nhân dân với số lượng thực hiện 4.000 chiếc; đồng thời, kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân được khoảng 5.000 MBH để cấp cho học sinh thông qua ban ATGT các địa phương, các trường học, các đoàn thể…
Ông Đỗ Đức Giá - Phó chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: “Hơn 1 năm qua, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (Quỹ AIP) triển khai thực hiện xây dựng 6 pa-nô tuyên truyền với hình ảnh và khẩu hiệu “Đội mũ cho con, trọn tình cha mẹ” tại 6 điểm trường; phối hợp với các ngành tổ chức 5 buổi tuyên truyền trực tiếp các quy định của pháp luật về đội MBH trẻ em cho gần 1.500 phụ huynh và học sinh tham dự. Bên cạnh đó, Ban ATGT tỉnh đã phát 200 đĩa hướng dẫn tuyên truyền về MBH cho các trường học trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, ngành giáo dục và đào tạo cũng tăng cường công tác nhắc nhở, tuyên truyền về đội MBH cho học sinh thông qua các giờ chính khóa, ngoại khóa, các cuộc thi; thực hiện ký cam kết, xây dựng cổng trường ATGT… Tỉnh đoàn chỉ đạo các cơ sở đoàn, đội tập trung tuyên truyền về ATGT, nhất là việc đội MBH khi tham gia giao thông. Ông Lương Mạnh Hà - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho biết: “Công tác tuyên truyền được đổi mới gắn với đặc điểm từng khu vực, đối tượng. Đơn cử như ở vùng cao thì tuyên truyền theo hình thức sân khấu hóa, ở trường học thì mở các cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ…”.
Song song với đó, lực lượng cảnh sát giao thông tập trung phối hợp với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đội MBH đối với trẻ em; đồng thời, thực hiện tuần cao điểm kiểm tra, nhắc nhở, đánh giá việc thực hiện quy định bắt buộc đội MBH của học sinh tại các trường học.
Trung tá Vũ Thanh Tùng - Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: “Cùng với tuyên truyền, Phòng luôn chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện không đội MBH khi tham gia giao thông. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Phòng đã phát hiện và xử lý trên 10 nghìn trường hợp không đội MBH. Nhìn chung, đến nay, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh bảo đảm, việc đội MBH cho trẻ em cơ bản thực hiện nghiêm túc”.
Khảo sát của Quỹ AIP cho thấy, những giải pháp tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về việc đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức của phụ huynh và học sinh. Thể hiện rõ nhất là tỷ lệ đội MBH ở trẻ em không ngừng nâng lên (trên 72%), góp phần quan trọng làm giảm tỷ lệ tai nạn thương tích đối với trẻ em… Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2016 chỉ có 5 vụ TNGT liên quan đến trẻ em, làm 5 trẻ bị thương.
Thời gian tới, các ban, ngành, lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định đội MBH đối với trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe máy và xe đạp điện; đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm để nâng cao tính răn đe và ý thức của cả phụ huynh lẫn học sinh…
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ xảy ra 89 ca tiêu chảy thường, quai bị, cúm và vi rút Adeno và không phát hiện dịch bệnh lạ, dịch bệnh nguy hiểm. Phát huy những kết quả đã đạt được và để chủ động phòng tránh dịch bệnh mùa hè năm 2016, ngành y tế thị xã đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa không để dịch bệnh phát sinh trong cộng đồng.
Theo Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội ( LĐ-TB&XH), thống kê số hộ nghèo, cận nghèo năm 2015 theo chuẩn nghèo đa chiều (căn cứ trên thu nhập và các điều kiện sống) mới, cả nước có hơn 2,31 triệu hộ nghèo (chiếm 9,78% tổng số hộ dân cả nước), tổng số hộ cận nghèo trên 1,24 triệu hộ.
YBĐT - Những năm qua, huyện Trấn Yên luôn coi trọng tuyên truyền, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) tới các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, công tác dân số/KHHGĐ vẫn gặp những khó khăn, nhất là tình trạng các cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên vẫn diễn ra ở các xã với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Ngày 12/7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có Công văn yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh ở Trung ương và địa phương chấn chỉnh, xử lý hoặc chấm dứt hợp đồng với các tổ chức, cá nhân bên ngoài cung cấp dịch vụ tại các bệnh viện, cơ sở y tế gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh và chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh.