Yên Bái thực hiện các giải pháp giảm lây truyền vi rút viêm gan
- Cập nhật: Thứ năm, 11/8/2016 | 8:55:28 AM
YBĐT - Năm 2010 - 2014, Yên Bái trung bình mắc 105 ca/năm, cao nhất vào năm 2011 với 177 ca, nhưng giảm dần, đến năm 2014 ghi nhận 67 ca mắc mới, năm 2015 ghi nhận 62 ca mắc viêm gan vi rút và 6 tháng đầu năm 2016 ghi nhận 12 ca.
Bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, có thể dẫn đến tử vong do các biến chứng. Hiện nay, có 5 loại viêm gan vi rút (A, B, C, D và E). Trong đó, viêm gan virut B và C nguy hiểm và ảnh hưởng tới sức khỏe con người nhiều nhất. Khả năng nhiễm siêu vi rút B có thể lên đến 25%.
Hàng năm, trên thế giới có khoảng 1 triệu trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh viêm gan vi rút (chiếm khoảng 2,7% tổng số các trường hợp tử vong). Vi rút viêm gan B và C là nguyên nhân gây ung thư gan hàng đầu, ước tính có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm vi rút viêm gan B và C.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và C cao và chịu hậu quả nặng nề do nhiễm vi rút viêm gan gây nên. Theo số liệu khảo sát, tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan của một số nhóm dân cư từ 8 - 25% đối với vi rút viêm gan B và khoảng 2,5 - 4,1% với vi rút viêm gan C, đồng thời cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút viêm gan A, D, E trong số các bệnh nhân viêm gan nhập viện.
Tình hình nhiễm vi rút viêm gan B ở nhóm người khỏe mạnh và phụ nữ có thai tỷ lệ từ 10 - 20%. Đây là yếu tố quan trọng gây nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ em qua lây truyền mẹ con trong quá trình chuyển dạ đẻ và là nguyên nhân chính gây viêm gan mạn tính ở trẻ em. Theo kết quả nghiên cứu, 90% số trẻ nhiễm vi rút viêm gan B sau khi sinh hoặc trong những năm đầu đời có nguy cơ chuyển thành nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính.
Năm 2010 - 2014, Yên Bái trung bình mắc 105 ca/năm, cao nhất vào năm 2011 với 177 ca, nhưng giảm dần, đến năm 2014 ghi nhận 67 ca mắc mới, năm 2015 ghi nhận 62 ca mắc viêm gan vi rút và 6 tháng đầu năm 2016 ghi nhận 12 ca. Các ca bệnh mắc rải rác tại cộng đồng, không có biến chứng nặng hoặc tử vong.
Tuy nhiên, số liệu về bệnh viêm gan vi rút ở tỉnh theo hệ thống giám sát thường quy chỉ phản ánh được số bệnh nhân viêm gan do vi rút được điều trị tại các bệnh viện được báo cáo, không phản ánh thực tế được số trường hợp hiện mắc và đã từng mắc chiếm tỷ lệ phần lớn trong cộng đồng không kiểm soát, thống kê được.
Mặt khác, hầu hết các ca bệnh điều trị tại bệnh viện đều không phân loại được loại vi rút gây viêm gan. Có thể nói, nhiễm vi rút viêm gan, đặc biệt là vi rút viêm gan B và viêm gan C đang diễn biến một cách âm thầm nhưng là vấn đề lớn đối với sức khỏe người dân.
Hiện nay, Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng chưa có kế hoạch tổng thể và các giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng chống viêm gan vi rút.
Do đó, xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2015 - 2019 là cần thiết để định hướng các hoạt động phòng chống viêm gan vi rút tại địa phương, đồng thời là căn cứ để huy động nguồn lực với mục đích giảm lây truyền vi rút viêm gan và tăng tiếp cận của người dân với chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan, đặc biệt là viêm gan B và viêm gan C.
Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện phòng, chống viêm gan vi rút do nhận thức về tầm quan trọng của việc dự phòng lây nhiễm viêm gan vi rút, trong đó, viêm gan B chưa được chú trọng, như: không tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm kém... làm gia tăng các yếu tố nguy cơ lây bệnh; tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh mới chỉ triển khai hầu hết tại các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện, trong khi tỷ lệ đẻ tại trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực và tại nhà tương đối cao.
Mặt khác, công tác tuyên truyền về tiêm vắc xin phòng viêm gan chưa được thường xuyên, đặc biệt là phối hợp tuyên truyền về tiêm vắc xin viêm gan B trong quản lý thai nghén tại các trạm y tế xã; người bệnh không đến ngay các cơ sở y tế gây khó khăn cho công tác quản lý bệnh nhân và dự phòng cho cộng đồng.
Để giảm thiểu lây truyền vi rút viêm gan, bà Lê Thị Hồng Vân - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe đến người dân; nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế; tăng cường các hoạt động dự phòng; huy động các nguồn lực triển khai thực hiện các chương trình.
"Tuy nhiên, vướng mắc nhất đó là kinh phí hoạt động, năng lực cán bộ y tế. Vì vậy, ngành đã đề nghị Cục Y tế Dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về phòng, chống viêm gan vi rút cho cán bộ làm công tác y tế dự phòng và kinh phí cho các hoạt động tại địa phương” - bà Vân nói.
Trần Minh
Các tin khác
YBĐT - Để nâng cao nhận thức cho các hội viên phụ nữ phòng chống mua bán người (MBN), Hội Phụ nữ tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều chương trình hiệu quả.
YBĐT - Đoàn công tác của Bộ Công an do Đại tá Phạm Tự Do - Cục phó Cục Y tế (Bộ Công an) làm trưởng đoàn đã có buổi khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho bà con nhân dân xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu.
YBĐT - Theo chủ trương của tỉnh và thành phố Yên Bái về việc chỉnh trang đô thị khu trung tâm Km5, thành phố Yên Bái, 33 ki - ốt làm dịch vụ giải khát tại khu vực bờ hồ Km5 phải tháo dỡ, giải tỏa.
Năm học 2016-2017, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thí điểm nội dung giáo dục khởi nghiệp tại một số trung tâm giáo dục thường xuyên của 5 tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.