Xác định được điều đó, ngay từ khi triển khai, chính quyền, nhân dân, thầy và trò các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Lục Yên đã nỗ lực thực hiện theo đúng tiến độ của Đề án với quyết tâm vì tất cả học trò Lục Yên được hưởng các điều kiện giáo dục như nhau.
Trường TH&THCS xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên được sáp nhập từ Trường Tiểu học và Trường THCS Tân Lĩnh theo Đề án của huyện. Với 1 điểm chính, 2 điểm lẻ, hơn 1.000 học sinh, Trường TH&THCS Tân Lĩnh dù còn rất nhiều khó khăn song nỗ lực vượt lên bảo đảm theo đúng lộ trình và có phần còn vượt trên cả kế hoạch lộ trình. Phần vượt cả lộ trình kế hoạch đó chính là việc tổ chức được cho 105 học sinh được học bán trú để các em được hưởng chế độ theo Nghị định 116 của Chính phủ, giúp các em yên tâm học tập.
Chia sẻ về điều này, thầy Nguyễn Thiện Kế - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Tân Lĩnh cho biết: "Năm học 2016 - 2017, nhà trường vẫn chưa có bán trú. Song khi thực hiện đưa điểm lẻ Làng Chuông về điểm chính thì nhà trường đề xuất với chính quyền địa phương và Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện chuyển trường mầm non về tiếp nhận cơ sở vật chất ở điểm Làng Chuông và cơ sở vật chất trường mầm non làm nhà ở để đưa học sinh bán trú về. Vì vậy tháng 10/2017, nhà trường đã đưa 105 học sinh ở các thôn xa về học bán trú. Việc đưa học sinh về bán trú không có trong lộ trình Đề án song đó là giải pháp hiệu quả để đưa học sinh điểm lẻ về điểm chính”.
Do không có trong lộ trình nên cơ sở vật chất nơi ăn, ở của học sinh phải được khắc phục. Các thầy đóng dát tre làm giường cho học sinh, chăn thì đi xin tài trợ, màn và chiếu thì nhà trường ứng tiền mua trước rồi huy động xã hội hóa sau. Nhà ăn chưa có nhưng trường cơi nới mái hiên để làm nhà ăn. Nhà trường đã ứng ra gần 100 triệu đồng để mua những vật dụng cần thiết cho nhà bếp như nồi, bát đĩa, bàn ăn bảo đảm điều kiện tối thiểu cho học trò. Trong khi ở đâu đó nhiều thầy cô chờ được giải quyết các chế độ quản sinh thì hàng ngày, 4 thầy cô của nhà trường đều đặn chia hai ca trực để một mặt trông học trò, hướng dẫn sinh hoạt, mặt khác kèm cặp các em học khi ở bán trú.
Thầy Kế chia sẻ: "Ban ngày hai cô giáo trực, còn buổi tối là hai thầy giáo. Dưới sự quản lý của các thầy, các em chia theo lớp để tự học, với những em học yếu các thầy sẽ kèm cặp trực tiếp với mục tiêu nâng cao chất lượng cho nhóm học sinh bán trú. Cùng với đó, ba cán bộ quản lý của nhà trường cũng chia tuần trực cùng các thầy cô làm nhiệm vụ quản sinh. Do đặc thù các em đều là người dân tộc thiểu số còn hạn chế trong sinh hoạt nên các thầy cô cũng vất vả. Nhưng với tình cảm thầy trò và trách nhiệm của mình, chúng tôi không ngại khó, ngại khổ để các em và các bậc phụ huynh yên tâm”.
Ở Trường TH&THCS Tân Lĩnh, lãnh đạo nhà trường không lấy uy quyền để phân công nhiệm vụ quản sinh bởi chưa có chế độ cho giáo viên vì thế công đoàn nhà trường tổ chức vận động giáo viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tình thương yêu học trò. Tuy vậy, về lâu dài cũng cần giải quyết các chế độ để giáo viên không bị thiệt thòi và các thầy cô yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng khó.
Vất vả là thế, khó khăn là vậy, song thầy và trò Trường TH&THCS Tân Lĩnh đã cùng nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học. Kết thúc học kỳ I năm học 2017 - 2018, ở khối tiểu học trên 90% học sinh được đánh giá hoàn thành và hoàn thành tốt học tập, khối THCS gần 40% học sinh đạt khá giỏi.
Giống như Tân Lĩnh, xã Phan Thanh cũng được nhắc đến như một điển hình trong xây dựng và thực hiện Đề án ở huyện Lục Yên. Nhờ vào nhận thức đầy đủ, đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương từ đó tuyên truyền, vận động nhân dân, được nhân dân đồng lòng ủng hộ.
Ông Mông Văn Sần - Chủ tịch UBND xã Phan Thanh trong Hội nghị đánh giá một năm thực hiện Đề án của huyện Lục Yên cho biết: "Từ khi bắt đầu xây dựng Đề án, xã quán triệt, nắm vững quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của huyện, của ngành GD&ĐT trong việc sắp xếp lại trường lớp trên địa bàn huyện. Đồng thời, cán bộ xã chủ động nghiên cứu các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện để tiến hành tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình, thu thập dữ liệu, xây dựng Đề án của xã sát với điều kiện thực tế của địa phương nhằm bảo đảm tính khả thi của Đề án khi triển khai”.
Xã đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động và nhận được sự ủng hộ của nhân dân. Nhờ đó, việc thực hiện Đề án tại xã Phan Thanh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là phong trào cán bộ xã đón học sinh về nhà cho trọ học miễn phí.
Nói về điều đặc biệt này thầy Tạ Hùng Thanh - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Phan Thanh cho biết: "Thực hiện đưa điểm lẻ về điểm chính, nhà trường có 73 học sinh bán trú. Trong điều kiện khó khăn, nhà trường chỉ có thể bố trí được chỗ ăn, ở cho 35 em, vì thế xã đã kêu gọi cán bộ xã, thôn, bí thư chi bộ, các cán bộ đoàn thể nhận đón các cháu về nhà cho học trọ, ở miễn phí. Và rất nhiều đồng chí đã nhiệt tình ủng hộ như: đồng chí Vi Thị Thong - Phó Chủ tịch HĐND xã đón 4 cháu; đồng chí Vi Hữu Mai - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã đón 2 cháu về ở không nhận tiền, còn coi như con cháu trong nhà, nấu cơm cho các cháu ăn cùng gia đình, quản lý và dạy bảo các cháu…”.
Với học sinh ở bán trú, bằng nhiều nguồn lực nhà trường có đủ 30 giường tầng, 38 chăn bông và các điều kiện thiết yếu bảo đảm điều kiện sinh hoạt của học sinh. Với những biện pháp khắc phục khó khăn tạm thời của chính quyền địa phương, nhà trường đã khiến phụ huynh yên tâm cho con đi học, yên tâm với những đổi mới của ngành giáo dục.
Khắc phục khó khăn, Trường TH&THCS Phan Thanh tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú.
Sau hơn một năm triển khai thực hiện Đề án với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến thôn bản, đến nay, trên địa bàn huyện Lục Yên đã cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra. Những kết quả bước đầu cho thấy tổ chức bộ máy đã được tinh gọn một cách hợp lý, giảm số điểm trường có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất không bảo đảm; sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiệu quả hơn, góp phần vào đổi mới và phát triển giáo dục toàn diện. Đặc biệt, học sinh được học tập, sinh hoạt tại điểm trường chính được bình đẳng tiếp cận những trang thiết bị phục vụ dạy và học; tỷ lệ học sinh bán trú tăng lên, được hưởng các chính sách của Nhà nước...
Còn nhiều những cái được mà Đề án mang lại song hơn cả vẫn là chất lượng giáo dục được nâng lên và người dân đã nhận thức được rằng mọi đường lối, chính sách đều lấy người dân làm trung tâm để xây dựng với mục tiêu hướng đến là thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Lục Yên cũng gặp một số khó khăn vướng mắc. Song bằng tất cả nỗ lực, sự đồng thuận của người dân, huyện Lục Yên quyết tâm thực hiện đúng tiến độ Đề án.
Bà Nguyễn Thu Hương - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lục Yên cho biết: "Ngành giáo dục huyện quyết tâm thực hiện theo đúng lộ trình kế hoạch Đề án. Trong đó, chú ý công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải thực hiện Đề án cho tất cả người dân cùng hiểu, cùng tham gia thực hiện; tham mưu huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường, lớp học, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đang thực hiện. Thực hiện việc rà soát, điều động, biệt phái giáo viên, nhân viên giữa các đơn vị trường học bảo đảm phù hợp, đúng quy định. Đặc biệt, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là việc thực hiện xóa điểm trường lẻ đưa học sinh về trường chính. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa phong trào tương thân, tương ái”.
Hoạt động ngoài giờ lên lớp ở Trường TH&THCS Phan Thanh.
Những kết quả đã đạt được là minh chứng rõ nhất cho hiệu quả của Đề án tại huyện Lục Yên. Và một điều thực sự trân trọng đó là tình yêu thương học trò của các thầy cô giáo, chấp nhận những khó khăn ban đầu, hy sinh những lợi ích riêng vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp giáo dục ở vùng khó. Với quyết tâm của các cấp chính quyền, của ngành giáo dục huyện Lục Yên và những cống hiến thầm lặng của các thầy cô giáo, chắc chắn Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện Lục Yên sẽ thành công, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH - HĐH quê hương đất nước.
Thanh Ba