Yên Bái - Mảnh đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/4/2018 | 7:40:41 AM

Là tỉnh miền núi có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Yên Bái được biết đến với những truyền thống văn hóa kết tinh từ lịch sử hàng nghìn năm của cộng đồng 30 dân tộc anh em…

Bảo vật Quốc gia - Thạp đồng Đào Thịnh, phát hiện tại bờ sông Hồng thuộc xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái năm 1960.
Bảo vật Quốc gia - Thạp đồng Đào Thịnh, phát hiện tại bờ sông Hồng thuộc xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái năm 1960.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, chính vị trí đặc biệt đóng vai trò là "cửa ngõ” Tây Bắc, nơi giao thoa của hai khu vực Đông Bắc - Tây Bắc, của những nền văn hoá đa sắc tộc đã tạo nên bức tranh phong phú, sinh động về truyền thống văn hóa của mảnh đất Yên Bái. Cùng với đó, sự ưu ái của tạo hóa và sự sáng tạo trong lao động, sản xuất của cộng đồng các dân tộc Yên Bái đã góp phần hình thành nên một vùng đất nhiều tiềm năng. 

Vẻ đẹp và sự hấp dẫn của vùng đất Yên Bái bắt nguồn từ hình sông thế núi với đặc điểm nổi bật là dải kiến tạo dọc sông Hồng trên nền phù sa cổ sinh cùng những cánh đồng bằng phẳng đan xen cùng núi non ngoạn mục vươn sát bờ sông tạo thành những lát cắt phóng khoáng, trùng điệp… Đó là tặng vật độc đáo của thiên nhiên; là tiền đề để con người gây dựng nên những xóm làng thanh bình, yên ấm.

Hòa chung dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt Nam, nhân dân các dân tộc Yên Bái đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc; chịu khó, chăm chỉ, cần cù và sáng tạo trong lao động sản xuất, dựng xây quê hương. 

Có thể nhận thấy ước mong hòa bình cùng khát vọng về cuộc sống hạnh phúc, no ấm của cộng đồng 30 dân tộc anh em ở Yên Bái được thể hiện ngay trong những tên làng, tên đất nghe bình dị mà rất đỗi thân thương. Đó là những Yên Hưng, Cổ Phúc, Yên Lương hay Châu Quế, Lan Đình, Âu Lâu, Bình Phương, Linh Thông, Minh Quân, Nga Quán…

Theo kết quả nghiên cứu của ngành khảo cổ học, Yên Bái còn là vùng đất có lịch sử trải dài từ thời đá mới tới đồ đồng, đồ sắt với những lớp trầm tích thời gian chứa đựng những bí mật của quá khứ, từ thủa xa xưa… Trong đó, tiêu biểu nhất tương ứng với thời kỳ đá Sơn Vi tìm thấy ở Mậu A, được các nhà khảo cổ đánh giá là di chỉ có những đặc trưng nổi trội nhất. 

Dọc lưu vực sông Hồng là quê hương của thạp đồng Đào Thịnh, thạp đồng Hợp Minh nổi tiếng quốc gia cùng vô số đồ đồng phát lộ, được người xưa chôn dấu dọc dải đất hai bên bờ sông. Vinh dự được công nhận là "Bảo vật Quốc gia”, Thạp Đào Thịnh được tìm thấy năm 1961 tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có niên đại khoảng 2.500 năm cách ngày nay, dáng hình trụ thuôn dần xuống đáy với một mật độ hoa văn dày đặc và được chế tác đặc biệt cẩn thận. Với đường kính miệng 61cm, đáy 60cm, cao 98cm, đến nay, Đào Thịnh là chiếc thạp có kích thước lớn nhất mà giới khảo cổ học khai quật được… Có thể nói, Yên Bái vẫn là vùng đất còn nhiều bí ẩn đang rất cần được các nhà khoa học nghiên cứu, khám phá.

Không chỉ có vậy, Yên Bái còn được biết đến như là một miền đất chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần phong phú, độc đáo vốn đã được xác lập trong lịch sử cùng với tín ngưỡng bản địa, các đình đền, công trình kiến trúc tâm linh được các thế hệ người dân chung sức xây dựng, phát triển. Có thể kể đến những đền chùa nổi tiếng như đền Đông Cuông, Tuần Quán, Nhược Sơn, chùa Bách Lẫm, Ngọc Am… 

Những công trình độc đáo này vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân; đồng thời cũng là những di tích văn hóa gắn với các truyền tích được người dân lưu giữ. Các dấu tích đình đền luôn gắn liền với các sự kiện đã diễn ra trong lịch sử. Như đền Nhược Sơn gắn với tên tuổi Hà Bổng, Hà Chương thời kỳ chống Nguyên Mông; Đền Đông Cuông (còn gọi là đền Thần Vệ Quốc) gắn với khởi nghĩa Giáp Dần (1914) của đồng bào Tày, Dao địa phương chống thực dân Pháp; đền Tuần Quán gắn với khởi nghĩa Yên Bái tháng 2 năm 1930 của các chí sĩ yêu nước; Lễ đài ở thành phố Yên Bái là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các nhân dân các dân tộc Yên Bái (ngày 24/9/1958)…

Đặc biệt, với trí tuệ và bàn tay tạo dựng của con người, cộng đồng 30 dân tộc anh em trên mảnh đất Yên Bái đã luôn đoàn kết, gắn bó cùng nhau trong cuộc sống sản xuất và dựng xây làng xóm, quê hương. Ở các huyện, thành phố trong tỉnh, ngoài việc trồng lúa nước còn phát triển nhiều làng nghề: trồng dâu nuôi tằm, đan lát thủ công làm miến, kéo mật, cùng với những rừng quế bạt ngàn, những nương chè ngút ngát xanh tươi… 

Các làng văn hóa được tạo dựng, chính là nơi giữ gìn cảnh quan môi trường thiên nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian được bao thế hệ lưu truyền. Đó là hàng loạt những lễ hội truyền thống độc đáo của cộng đồng các dân tộc Yên Bái như Lễ hội cấp sắc của người Dao ở Đại Sơn; Lễ hội xuống đồng của đồng bào Mường ở Quy Mông; Lễ hội cầu cơm mới đền Đông Cuông; Lễ hội Hoa Ban Mường Lò; Lễ hội đền mẫu Thác Bà… Các lễ hội này không chỉ chứa đựng các giá trị phi vật thể mà còn là kết tinh truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên mảnh đất Yên Bái.

Trong giai đoạn cách mạng mới, từ khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã giác ngộ, giáo dục, tập hợp, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, sức mạnh của cả đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, hợp tác xã và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh góp phần vào những thắng lợi cách mạng chung của cả dân tộc. Đồng thời, từng bước xây dựng một tỉnh Yên Bái phát triển toàn diện, vững bước đi lên cùng cả nước trong sự nghiệp đổi mới công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Lịch sử là một dòng chảy liên tục không ngừng nghỉ. Truyền thống văn hóa lịch sử chính là hành trang quý báu để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái vững tin, nỗ lực trong công cuộc đổi mới, hội nhập, phấn đấu sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.
 
(Theo dangcongsan.vn)

Các tin khác
Chất lượng giáo dục vùng cao ngày càng được nâng lên.

YBĐT - Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Yên Bái quan tâm, triển khai, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển toàn diện hệ thống GD&ĐT, bảo đảm quy mô, chất lượng, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiến máu tình nguyện là một trong những hoạt động của tháng nhân đạo. (Ảnh minh hoạ).

Theo thông báo của Trung ương (T.Ư) Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam, T.Ư Hội sẽ triển khai tổ chức "Tháng Nhân đạo” vào tháng 5, với chủ đề: "Nhân đạo - từ nhận thức tới hành động”.

Sáng ngày 10/4, Trường Đại học Thương Mại trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn phó giáo sư 2017 tới 6 giảng viên của nhà trường

Trao đổi với Dân trí, Giáo sư, tiến sĩ  Bùi Văn Ga, Phó chủ tịch Hội đồng chức danh GS nhà nước, cho biết, năm nay Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước không tổ chức Lễ trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư như mọi năm mà giao cho các hội đồng cơ sở.

Cống thoát lũ tại xã Đại Minh khi hoàn thành sẽ tăng khả năng thoát nước để toàn bộ cánh đồng rộng trên 7ha và tuyến đường đi vào thôn Cầu 17 sẽ không bị ngập úng khi mùa mưa lũ tới.

YBĐT - Những năm qua, công tác phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn được huyện Yên Bình đặc biệt coi trọng và chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, dự báo và tăng cường nhiều giải pháp phòng chống theo phương châm "4 tại chỗ", lấy phòng ngừa là chính.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục