Năm 2018 kết thúc với nhiều cố gắng cùng những tín hiệu vui trong việc giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư cho nhân tài của ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tỉnh.
Ngành đã tập trung chỉ đạo, quyết liệt trong quá trình triển khai nhiệm vụ phát triển giáo dục. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng được củng cố và tăng cường; thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy và giáo dục của nhà trường trong mọi cấp học; đặc biệt, đẩy mạnh đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và quản lý...
Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú được duy trì, củng cố. Hệ thống trường học của tỉnh được đầu tư phát triển đã giúp bảo đảm tỷ lệ huy động và duy trì sĩ số học sinh ở những vùng đặc biệt khó khăn.
Xác định đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD-ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học là nhiệm vụ trọng tâm nên trong năm qua, ngành đã có chỉ đạo chuyên môn phù hợp thực tiễn của địa phương và khả năng học tập của học sinh, bảo đảm khung thời gian năm học; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục hai mặt, tăng cường dạy phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi; đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh; đặc biệt, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức gắn với điều kiện địa phương.
Tăng cường giáo dục thể chất, quốc phòng, an ninh, dạy nghề và định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh; chú trọng việc dạy ngoại ngữ, tin học, bảo đảm thực hiện đủ nội dung chương trình theo quy định...
Từ đó, ngành GD-ĐT đã gặt hái được những thành công nhất định. Nhiều chỉ số về chất lượng của GD-ĐT Yên Bái đã đạt ở mức khá so với khu vực và quốc gia.
Chỉ riêng năm học 2017 - 2018, tỉnh Yên Bái đã có 690 học sinh đoạt giải các kỳ thi học sinh giỏi và khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia. Trong đó, kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia năm 2018, tỉnh Yên Bái đoạt 24 giải, tăng 6 giải so với năm học trước. Đặc biệt, có một học sinh được tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia tham gia các kỳ thi quốc tế.
Cùng với đó, tỷ lệ học sinh khá, giỏi cấp THPT đạt gần 54%, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 97,9%; tỷ lệ học sinh khá, giỏi cấp THCS đạt 41,16%; 98,79% học sinh tiểu học hoàn thành chương trình học, 46,33% học sinh tiểu học được tặng giấy khen cấp trường...
Công tác giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn tiếp tục được quan tâm, phát triển, về cơ bản khắc phục tình trạng học sinh bỏ học tràn lan, nâng cao rõ rệt tỷ lệ ra lớp chuyên cần ở vùng cao; giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục. 100% trẻ người dân tộc thiểu số có khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt trước khi vào lớp 1; 9 trường phổ thông dân tộc nội trú và 50 trường phổ thông dân tộc bán trú cùng 52 trường có học sinh bán trú đã phát huy được hiệu quả của những chính sách giáo dục cho vùng dân tộc.
Cùng với đó, mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được củng cố, sắp xếp lại nhằm thống nhất về tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động. Công tác đào tạo nghề cho học sinh dân tộc thiểu số nội trú, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm triển khai thực hiện. Qua đó, góp phần giúp cho các đối tượng trong xã hội, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, người nghèo, người có công với cách mạng, người bị thu hồi đất có cơ hội học nghề, tìm kiếm việc làm.
Những kết quả đáng khích lệ này thực sự là một tín hiệu vui và cũng là động lực để ngành GD-ĐT tỉnh tiếp tục nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh, nhanh chóng bắt nhịp và đổi mới căn bản nền giáo dục của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Thanh Ba