Đi thăm các địa phương nơi miền Tây của tỉnh một ngày cuối năm, thu vào tầm mắt là những vườn cam chín vàng, từng vạt cà chua đỏ mọng hay ruộng ngô xanh ngút ngàn. Những mái nhà tái định cư mọc lên khang trang, thấp thoáng bên dòng suối nay đã trở lại hiền hòa là màu xanh của rau, quả. Ít ai có thể ngờ những vùng quê này, năm 2017 đã phải hứng chịu 21 đợt thiên tai làm 37 người chết, 16 người mất tích, 33 người bị thương, ước tổng thiệt hại trên 1.800 tỷ đồng.
Gần đây nhất, trong 11 tháng năm 2018 nhân dân trong tỉnh cũng phải hứng chịu 15 đợt thiên tai làm 22 người chết và mất tích, 25 người bị thương, ước tổng thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng. Dừng chân tại xã Nậm Mười, xã Sơn Lương huyện Văn Chấn, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề về người và của trong dịp mưa lũ tháng 7/2018.
Theo ông Đinh Công Giáp - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lương cho biết: "Cơn lũ này vừa đi qua, lũ khác lại tới, nhiều cơ sở vật chất, hạ tầng, tài sản của nhân dân bị cuốn trôi chỉ còn làng, bản xơ xác, tiêu điều. Trước những mất mát lớn như vậy, các cấp chính quyền, đoàn thể đã kịp thời hỗ trợ, động viên cả về vật chất và tinh thần giúp nhân dân vượt lên. Với các hộ phải di dời, xã đã bố trí ở xen ghép và ở tập trung tại khu tái định cư Bản Tủ. Ngoài ra, chính quyền xã cũng ứng vật liệu cho các hộ đặc biệt khó khăn, huy động các tổ chức, đoàn thể và nhân dân hỗ trợ dựng lại nhà”.
Với nhiều nỗ lực, nhịp sống của nhân dân đã trở lại bình thường, mang lại hồi sinh kỳ diệu bởi tinh thần, ý chí vượt khó vươn lên của người dân nơi đây.
Rời Văn Chấn, đến với huyện Trạm Tấu, địa phương cách đây không lâu cũng từng là rốn lũ. Hiện nay, dấu tích của trận lũ lịch sử tháng 10/2017 đã dần được xóa bỏ. Ngồi trong căn nhà gỗ ba gian vừa được dựng lại sau lũ, ông Lường Văn Kỳ ở bản Hát 2, xã Hát Lừu cho biết: "Sau lũ, căn nhà cũ của tôi thuộc nơi sạt lở nguy hiểm nên được di dời khẩn cấp. Gia đình tôi đã được Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng, các tổ chức từ thiện ủng hộ 30 triệu đồng, cùng sự giúp đỡ tiền của, ngày công của anh em, làng xóm, gia đình tôi đã làm được ngôi nhà mới để ổn định cuộc sống”.
Được biết, ngay sau khi cơn lũ đi qua, chỉ trong một thời gian ngắn, Trạm Tấu đã nhận được hỗ trợ tiền hơn 7,1 tỷ đồng, gần 35 tấn gạo, hàng nghìn thùng mỳ tôm, lương thực, thực phẩm; ngoài ra còn nhiều nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt thường ngày trị giá hơn 1,7 tỷ đồng. Đặc biệt, đến nay, huyện đã chỉ đạo sát sao, hoàn thành việc làm nhà cho 128 hộ bị thiệt hại sau lũ và trang bị vật dụng giúp nhân dân ổn định cuộc sống.
Đến thời điểm này, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chung tay giúp sức những tấm lòng hảo tâm và cả cộng đồng, người dân vùng bị thiệt hại bởi thiên tai, bão lũ đã vượt qua khó khăn, vươn lên mạnh mẽ. Niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng lại được nhen lên trên các cánh đồng đang dần xanh trở lại, bên những ngôi nhà còn thơm mùi gỗ mới. Những bản làng đã yên vui trở lại, đón những mùa xuân ấm no.
Lê Thương