Ngay từ Đại hội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã xác định rõ: "Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là khâu đột phá quan trọng để tỉnh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững”.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, có 2 trong 9 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo được đặt ra, đó là "Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát triển kinh tế bền vững” và "Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp cơ sở, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn”.
Nhiệm vụ về công tác cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xác định qua các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh là sự cụ thể hóa đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo đó, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án 08 về Đào tạo cán bộ trẻ có trình độ sau đại học, giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020; Đề án 11 về Đào tạo cán bộ chủ chốt và dự nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 - 2020.
Nghị quyết 31/2016 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý và dự nguồn, giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025... HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 22/2009 về xây dựng hệ thống trường bán trú học sinh dân tộc vùng cao, giai đoạn 2010 - 2015; Nghị quyết 12/2014 ban hành chính sách thu hút đào tạo cán bộ khoa học, cán bộ quản lý, hỗ trợ đào tạo cán bộ, học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2014 - 2016; Nghị quyết số 07/2016, ban hành một số chính sách về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020...
Sau 3 năm thực hiện Đề án 08 về đào tạo cán bộ trẻ có trình độ sau đại học, giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020, đã có 82 cán bộ, công chức, viên chức được Tỉnh ủy cử đi đào tạo trình độ tiến sỹ và thạc sỹ. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã phối hợp với các trường đại học, các trung tâm đào tạo mở 34 lớp đại học cho gần 2.500 lượt cán bộ, công chức. Toàn tỉnh đã có trên 45.900 lượt cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, tổng kinh phí chi cho công tác này là trên 75 tỷ đồng.
Hiện nay, đội ngũ trí thức trẻ trên địa bàn tỉnh có 10.800 người, chiếm 41,8% tổng số cán bộ công chức, viên chức toàn tỉnh, trong đó, có 1 tiến sỹ, 305 thạc sỹ, trên 5.300 trí thức có trình độ đại học. Cán bộ nữ và người dân tộc thiểu số có trên 16.300 người, trong đó, trình độ tiến sỹ có 8 người, thạc sỹ 451 người và gần 12.000 người có trình độ đại học, cao đẳng.
Năm 2017, khối cơ quan quản lý hành chính, sự nghiệp của tỉnh có trên 18.200 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó, tiến sỹ chỉ mới có 0,02%, thạc sỹ 0,83%, trên 29% có trình độ đại học, gần 63% trình độ cao đẳng, trung cấp; cán bộ, công chức cấp xã có 3.243 người và mới chỉ có chưa đầy 6% có trình độ đại học, cao đẳng; số chưa qua đào tạo chiếm 50,02%... Hiện nay, trong tổng số trên 21.600 cán bộ, công chức, viên chức khối cơ quan quản lý hành chính, sự nghiệp của tỉnh, đã có 18 người là tiến sỹ, chiếm 0,08%, 760 thạc sỹ, chiếm 3,51%, trên 57% có trình độ đại học... |
Hiện, toàn tỉnh có 1.086 người có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị; gần 3.000 người có trình độ trung cấp; trên 2.600 người đã qua chương trình chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính và chuyên viên; gần 13.000 lượt người đã qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ.
Trên thực tế, đã hình thành được đội ngũ trí thức khoa học, kỹ thuật có trình độ và đội ngũ cán bộ công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã có lý luận chính trị, được đào tạo hoàn chỉnh, chuẩn hóa về chuyên môn theo quy định; trình độ, chất lượng nâng lên rõ rệt. Năm 2018, tỉnh quan tâm xây dựng Đề án "Xây dựng và đào tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.
Đây là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết được tỉnh xác định, nhằm xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số để chủ động nguồn cán bộ dồi dào, khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ, đáp ứng việc lựa chọn cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng, hợp lý về cơ cấu, có sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đảng bộ trong tình hình mới.
Điều đó cho thấy, sự cụ thể hóa bằng hành động và quyết tâm cao của tỉnh đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII đi vào cuộc sống, mà hai trong 9 nhiệm vụ trọng tâm hướng đến là xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát triển kinh tế bền vững.
Minh Thúy