Suối Bu là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, nhân dân chủ yếu làm nông nghiệp, phần lớn học sinh là con em gia đình nghèo, thu nhập thấp nên việc huy động học sinh ra lớp còn nhiều khó khăn.
Đặc biệt, ở điểm trường trung tâm thôn Ba Cầu, các công trình đã được xây dựng từ lâu, xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học.
Ngoài ra, Trường TH&THCS Suối Bu có 2 điểm lẻ, giao thông đi lại khó khăn cũng ảnh hưởng phần nào đến chất lượng quản lý, giảng dạy, học tập. Trong bối cảnh đó, việc sáp nhập trường lớp vừa là cơ hội vừa là thách thức để cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học.
Cô giáo Vũ Thị Nhung - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Triển khai thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non (GDMN), giáo dục phổ thông (GDPT) (Đề án), nhà trường đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện Văn Chấn. Các phương án sắp xếp trường lớp, bố trí cán bộ giáo viên dôi dư được xây dựng chi tiết, cụ thể.
Trên cơ sở đó, nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hiểu đúng chủ trương của việc sáp nhập trường lớp; động viên đội ngũ yên tâm công tác, tích cực tuyên truyền và phối hợp với phụ huynh vận động học sinh đi học chuyên cần; tham mưu sắp xếp cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên sau dôi dư; phối hợp với UBND xã tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân; nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và báo cáo kịp thời ý kiến của nhân dân với cấp trên...
Với những giải pháp cụ thể, đồng bộ cùng sự nỗ lực, đồng lòng của cán bộ, giáo viên, sau 3 năm thực hiện Đề án, Trường TH&THCS Suối Bu đã thu được hiệu quả rõ nét.
Từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2018 - 2019, nhà trường đã giảm 1 điểm trường, 8 lớp học, tăng 72 học sinh đồng thời đưa 156 học sinh từ các điểm trường lẻ về trung tâm, tạo điều kiện cho các em được học tập trong điều kiện tốt hơn và phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần.
Em Mùa Thị Hương Sơ, học sinh lớp 5 của trường cho biết: "Những năm trước, em học ở điểm trường lẻ Bu Cao gần nhà nhưng không đông vui và được ăn nghỉ tại trường như thế này. Bây giờ ở đây, được ăn uống đầy đủ rồi học tập, sinh hoạt, vui chơi cùng bạn bè vui lắm”.
Ngoài việc nâng cao chất lượng các giờ học chính khóa, sau sáp nhập, học sinh được tham gia nhiều hoạt động chung của nhà trường nên hiệu quả giáo dục toàn diện hơn, chất lượng nâng cao khi các em được học 2 buổi/ngày.
Em Vàng A Ông, học sinh lớp 9A cho biết: "Nhà em ở thôn Làng Hua, lúc chưa có nhà bán trú thì mỗi ngày em phải đi và về gần 30km để đến lớp, còn bây giờ ở lại trường được ăn uống đầy đủ, các thầy cô dạy kỹ năng sống, nhắc nhở học bài nên em tiếp thu được nhiều kiến thức hơn”.
Nhà trường đã bố trí, sắp xếp công việc cho 2 cán bộ quản lý, 3 giáo viên, 1 nhân viên sau sáp nhập bảo đảm quyền lợi, đúng người, đúng việc.
Cô giáo Phùng Thị Thảo cho biết: "10 năm công tác, hàng ngày đi dạy phải vượt hàng chục cây số đến điểm trường lẻ thì bây giờ không phải đi xa, tôi có nhiều thời gian dành cho công tác chuyên môn và các giáo viên khác cũng vậy. Nhờ đó chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng nâng cao hơn trước”.
Hùng Cường