Từ khi được khám phá vào năm 1983 bởi Warren & Marshall, H.Pylorri đã được thừa nhận là một nguyên nhân quan trọng gây viêm DD-TT và ung thư dạ dày nếu không được tiêu diệt và ức chế chúng sinh sôi trong dạ dày.
Vi khuẩn HP là gì?
HP là loại vi khuẩn duy nhất có thể sống trong môi trường đậm đặc axit của dạ dày, sinh sôi và phát triển ở lớp nhầy của niêm mạc dạ dày. Vi khuẩn HP dạ dày có khả năng sản sinh ra protease, catalase, ngoại độc tố, làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây viêm loét DD-TT và dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm như thủng ổ loét, hẹp môn vị, thậm chí là xuất huyết dạ dày.
Vi khuẩn HP sẽ làm thay đổi môi trường xung quanh chúng và làm giảm nồng độ axit để sống sót. Chúng có hình xoắn ốc cho nên dễ dàng xâm nhập và niêm mạc dạ dày. Tại đây chúng được bảo vệ bởi chất nhầy, làm cho hệ thống miễn dịch của cơ thể không thể tiếp cận và tiêu diệt chúng. Hầu hết người bệnh đều không nhận ra rằng họ đã nhiễm khuẩn HP. Việc chẩn đoán nhiễm khuẩn HP thường được chỉ định khi người bệnh có các dấu hiệu viêm dạ dày hoặc viêm loét dạ dày.
Các phương pháp phát hiện vi khuẩn HP hiện nay
Vi khuẩn HP có thể được phát hiện bằng các phương pháp nội soi sinh thiết, test máu, và kỹ thuật chẩn đoán vi khuẩn HP qua hơi thở để tầm soát những bệnh nhân mới, hoặc tái khám điều trị HP mà không xâm lấn.
Khi nào ta nên đi kiểm tra vi khuẩn HP qua test hơi thở: Biện pháp kiểm tra nhiễm khuẩn HP qua hơi thở được thực hiện để kiểm tra tình trạng nhiễm khuẩn HP trên: Có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, có dấu hiệu đau dạ dày như đầy hơi, đau vùng thượng vị, thiếu máu, thiếu sắt không rõ nguyên nhân. Người thuộc gia đình có tiền sử bị ung thư dạ dày. Người được chẩn đoán có bệnh dạ dày nhưng không muốn làm nội soi, có thể thực hiện test thở HP để chẩn đoán tình trạng nhiễm khuẩn. Người đang điều trị bệnh dạ dày do vi khuẩn HP gây ra, phải kiểm tra lại sau khi dùng hết thuốc. Người có mong muốn chẩn đoán nhiễm khuẩn HP nhưng lo ngại các xét nghiệm, nội soi. Trẻ em, người già bị bệnh huyết áp, tim mạch… không đáp ứng được xét nghiệm nội soi.
Tại sao phải điều trị nhiễm H. pylori?
Nhiều bệnh lý dạ dày có liên quan với nhiễm H.pylori, và việc tiệt trừ nhiễm khuẩn này đã được chứng minh là có lợi. Các tổng phân tích thử nghiệm so sánh cho thấy, việc tiệt trừ nhiễm HP đem lại những lợi ích có ý nghĩa, so với không điều trị, về mặt lành vết loét DD-TT và đề phòng tái phát (Ford AC và cs, 2004). Tiệt trừ nhiễm HP cũng giúp đề phòng xuất huyết do loét dạ dày và ung thư dạ dày.
Phác đồ điều trị:
Điều trị vi khuẩn HP là việc kết hợp giữa kháng sinh và một loại thuốc làm giảm axit dạ dày. Mục đích là hạ nồng độ axit dạ dày giúp thuốc kháng sinh hoạt động hiệu quả hơn. Các nhóm thuốc phổ biến được sử dụng trong tiêu diệt HP bao gồm: nhóm thuốc ức chế bơm proton và nhóm kháng sinh amoxicillin và clarithromycin, levofloxacin hoặc rifabutin…
Làm sao để khẳng định sự tiệt trừ vi khuẩn?
Sau điều trị phải theo dõi bằng các test không xâm nhập có độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Các tổng quan có hệ thống đã kết luận rằng test urê hơi thở là test chọn lựa. Nên khẳng định kết quả tiệt trừ H.pylori ít nhất là 4 tuần sau khi kết thúc điều trị.
Vi khuẩn HP rất dễ lây lan từ chính thói quen sinh hoạt thường ngày
Tại sao tỷ lệ viêm dạ dày do vi khuẩn HP ở Việt Nam lại cao đáng báo động đến như vậy? Câu trả lời nằm ở chính cách thức sinh hoạt, ăn uống của người Việt.
Cần hiểu đúng: Bệnh dạ dày không lây nhưng vi khuẩn HP gây viêm, đau, loét dạ dày thì có thể lây từ người này sang người khác. Loại vi khuẩn này có trong nước bọt, mảng cao răng hay niêm mạc dạ dày… Chính vì vậy, với tập quán, thói quen của người Việt: ăn chung bát đũa thìa, chấm chung nước chấm… là cơ hội tuyệt vời cho khuẩn HP lây lan cho những người xung quanh.
Vừa qua, để đáp ứng nhu cầu dịch vụ y tế đa dạng của người bệnh. Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị 103 Yên Bái đã đầu tư triển khai hệ thống chẩn đoán vi khuẩn HP qua hơi thở (HEADWAY HUBT -20P Helicobacter Pylori Detecter) để tầm soát những bệnh nhân mới hoặc tái khám điều trị HP mà không xâm lấn. Qua triển khai hơn 1 tháng với 200 mẫu test cho kết quả dương tính vi khuẩn HP > 80%.
Bác sĩ: Trương Văn Tùng