Trong thời gian 3 năm từ 2020 - 2022, UBND huyện Văn Chấn đã sát sao chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện và Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai thực hiện Dự án. Theo đó, 60 "Câu lạc bộ người chăm sóc trẻ” đã thành lập với trên 900 người tham gia sinh hoạt, mỗi câu lạc bộ có 15 người chăm sóc trẻ đại diện cho hộ gia đình tham gia. Các câu lạc bộ đã tổ chức được 720 buổi sinh hoạt theo chủ đề chăm sóc đáp ứng và hỗ trợ phát triển.
Bên cạnh đó, để duy trì và củng cố kiến thức, thực hành của người chăm sóc trẻ về chăm sóc đáp ứng và hỗ trợ phát triển cho trẻ, Dự án tổ chức thăm các hộ gia đình có người chăm sóc trẻ nhằm hỗ trợ người chăm sóc trẻ phát hiện sớm trẻ có nguy cơ rối loạn phát triển để tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế và giáo viên mầm non cũng như tổ chức khám phát hiện chủ động, do đó, phát hiện trên 1.000 trẻ và có các can thiệp kịp thời cho những trẻ rối loạn phát triển.
Bà Nguyễn Thị Dương - Quản lý Dự án, Tổ chức Cứu trợ trẻ em chia sẻ: "Sứ mệnh của chúng tôi là thúc đẩy những đột phá trong việc quan tâm tới trẻ em nhằm đạt được sự thay đổi nhanh chóng và lâu dài cho các em. Đánh thức tiềm năng não bộ là phương pháp tiếp cận được Tổ chức cứu trợ trẻ em phát triển với mục tiêu hỗ trợ phát triển toàn diện cho trẻ từ 0-3 tuổi thông qua việc khuyến khích người chăm sóc trẻ, cán bộ y tế cơ sở và giáo viên mầm non thực hành các kỹ năng chăm sóc đáp ứng và hỗ trợ phát triển cho trẻ. Sự kết hợp này sẽ tạo cơ hội cho trẻ được khám phá môi trường xung quanh, thực hành các kỹ năng mới qua việc vui chơi, khám phá, trải nghiệm các tình huống và giao tiếp với những người chăm sóc trẻ”.
Sau 3 năm thực hiện, Dự án "Phát triển trí tuệ cho tương lai tươi sáng” đã hỗ trợ 1.456 trẻ em dưới 3 tuổi và gần 1.275 người chăm sóc trẻ tại các xã: Đại Lịch, Minh An, Tân Thịnh, Thượng Bằng La và thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn thông qua các buổi sinh hoạt "Câu lạc bộ Người chăm sóc trẻ”, các chuyến thăm và hỗ trợ thực hành phương pháp đánh thức tiềm năng não bộ tại nhà.
Bên cạnh đó, hơn 800 nhà cung cấp dịch vụ và hơn 170 thành viên cộng đồng đã được tập huấn về phương pháp đánh thức tiềm năng não bộ, các khóa tập huấn bổ trợ, các tài liệu hướng dẫn lồng ghép và các sự kiện, chiến dịch truyền thông về phương pháp đánh thức tiềm năng não bộ. Chính vì vậy, trẻ đã có sự cải thiện rõ rệt từ khi được hưởng lợi như: phát hiện sớm các dấu hiệu rối loạn phát triển và can thiệp kịp thời, sử dụng ngôn ngữ tốt hơn để giao tiếp với người chăm sóc trẻ; thông minh và nhanh nhẹn hơn, tự tin tương tác với bạn bè và những người xung quanh.
Chị Hoàng Thị An - người chăm sóc trẻ xã Minh An cho biết: "Từ khi tham gia Dự án, tôi hiểu được tầm quan trọng và biết cách chơi với con mình nhiều hơn. Đôi khi chỉ là những trò chơi đơn giản, nhưng nó cũng giúp con tôi lớn khôn mỗi ngày”. Bên cạnh đó, kiến thức và kỹ năng của người chăm sóc trẻ đã cải thiện rõ rệt, biết đáp ứng nhu cầu của con một cách phù hợp, biết cách để nói chuyện và chơi cùng con...
Chị Nguyễn Thị Thư - người chăm sóc trẻ ở thị trấn Sơn Thịnh chia sẻ: "Đến lúc tham gia câu lạc bộ em mới thấy mình còn rất nhiều thiếu sót. Chăm con không chỉ là lo cho con bữa ăn, giấc ngủ đâu, mà còn rất nhiều kiến thức khác nữa. Mình dạy con, tương tác với con, chơi cùng con để con hiểu biết hơn. Khi con ở trường, thầy cô giáo cũng chỉ phần nào, khi về nhà bố mẹ thực sự quan trọng trong giáo dục, hình thành tính cách con trẻ. Nên từ khi hiểu ra và nhận thức rõ vấn đề này vợ chồng em đã dành nhiều thời gian hơn để chơi cùng con, uốn nắn con…”.
Thực tế cho thấy, Dự án đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần thay đổi tích cực đến kiến thức và thực hành của người chăm sóc trẻ, giúp hỗ trợ trẻ có cơ hội phát triển về thể chất, tinh thần, trí tuệ, tình cảm xã hội một cách toàn diện.
Trần Minh