Tủ sách, thư viện- tiêu chí "thêm” của trường học hạnh phúc
Tại huyện vùng cao Trạm Tấu, việc xây dựng tủ sách, đầu tư cho thư viện được coi là một tiêu chí "thêm” của xây dựng trường học hạnh phúc. Ngoài hoạt động định kỳ của thư viện, các nhà trường còn mở rộng, đa dạng các hình thức tiếp cận với sách. Một số nhà trường đã thành lập nhóm nòng cốt có nhiệm vụ hỗ trợ, đưa sách đến với bạn đọc.
Mỗi nhóm nòng cốt sẽ chuẩn bị giỏ, ống tre, ống nhựa, được trang trí bắt mắt, dùng dây treo cố định rồi đặt sách vào trong, treo tại các gốc cây, dưới ghế đá trong sân trường tạo nên một thư viện nhỏ sinh động, hấp dẫn, thu hút và xây dựng thói quen đọc sách mỗi khi rảnh rỗi. Hàng tuần, nhóm còn có nhiệm vụ đổi sách theo nhu cầu và sở thích của bạn đọc.
Một số thì lại xây dựng thư viện di động dưới hình thức là tủ sách 2 mặt có bánh xe, di chuyển từ nơi này đến nơi khác trên sân trường, thậm chí tới tận phòng ngủ. Ngoài ra, các nhà trường còn linh hoạt, sáng tạo tổ chức các cuộc thi: kể chuyện theo sách, đóng hoạt cảnh theo sách, tổ chức đố vui theo chuyện.
Nhờ đó, năm 2022, có 3.480 lượt bạn đọc/tuần đến với các tủ sách, thư viện nhà trường; trên 4.200 quyển sách/năm được cho mượn; 1 lần/năm tổ chức trưng bày triển lãm sách; 3 lần/năm/tủ sách tổ chức ngoại khóa và tuyên truyền giới thiệu sách...
Cùng với Trạm Tấu, các địa phương trên toàn tỉnh cũng đã có cách làm tương tự để khuyến khích và phát triển văn hóa đọc. Ngoài xây dựng không gian văn hóa đọc, các nhà trường còn triển khai đồng bộ giải pháp như: tổ chức các tiết đọc sách hiệu quả tại thư viện; giới thiệu những quyển sách, những tác phẩm hay, truyền cảm hứng đọc sách cho giáo viên, học sinh; tổ chức các cuộc thi tạo sân chơi hấp dẫn, thú vị cho học sinh như: kể chuyện theo sách, vẽ tranh theo sách, quay video, giới thiệu sách; chủ động thảo luận, trao đổi với phụ huynh, học sinh thống nhất quy định về thời gian học sinh đọc sách tại trường, tại gia đình...
Ngoài ra, các nhà trường cũng tích cực tổ chức các hoạt động như: Chương trình phát động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hàng năm; trưng bày, triển lãm sách và thi xếp sách theo chủ đề của một số thư viện trường học; trình chiếu triển lãm số "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” và các chương trình giới thiệu sách…
Xây dựng văn hóa đọc trong homestay
Thị xã Nghĩa Lộ cũng có một mô hình khá sáng tạo có tên "Khuyến học với phát triển du lịch cộng đồng”, trong đó đề cao khuyến đọc - tức là xây dựng văn hóa đọc trong các homestay. Đến nay, đã có 20 homestay trên địa bàn thị xã xây dựng được tủ sách xinh xắn, phù hợp với không gian nhà sàn với nhiều cuốn sách ý nghĩa.
Một số nhà trường cũng đã kết hợp, tổ chức các buổi hoạt động ngoài giờ tại các homestay này để học sinh tự đọc và đọc cho khách nghe; giao lưu với khách nước ngoài; giới thiệu các điệu xoè và các giá trị văn hoá bản địa. Khách du lịch cũng đã quan tâm, lựa chọn những cuốn sách yêu thích nhất là về văn hóa người Thái Mường Lò hay du lịch địa phương để đọc và rất hào hứng khi được chủ nhà tặng sách làm quà...
Rõ ràng, việc xây dựng, hình thành và lan tỏa văn hóa đọc ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được quan tâm triển khai với nhiều hình thức thiết thực, phù hợp. Mặc dù ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, việc đọc sách đã có nhiều thay đổi sâu sắc, sách giấy không còn vị trí độc tôn, thư viện điện tử dần thay thế thư viện truyền thống. Dẫu vậy thì việc tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh thói quen đọc sách vẫn là cách chúng ta xây dựng một xã hội tri thức, hướng tới xây dựng con người phát triển toàn diện, xã hội học tập và một nền văn hóa dân tộc đậm chất nhân văn.
Hoài Anh