Giải bài toán tận dụng "dân số vàng" bắt đầu từ học thật

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/4/2023 | 9:27:41 AM

Chuẩn hóa nguồn lực lao động để đạt được kiến thức, kỹ năng, thái độ ứng xử, khả năng thích ứng cần thiết với nhu cầu và sự thay đổi của nền kinh tế là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng "dân số vàng".

Vào trung tuần tháng 4, nước ta cán mốc dân số 100 triệu người. Cần tận dụng cơ hội và hóa giải thách thức nào để phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh "dân số vàng”. Phóng viên báo chí có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Ðại học Quốc gia Hà Nội).

PV: Thưa ông, vào trung tuần tháng 4, nước ta cán mốc dân số 100 triệu người. Theo ông, điều này sẽ tạo ra cơ hội gì cho Việt Nam?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số vàng, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động (15-65 tuổi) chiếm đa số trong tỷ trọng 100 triệu dân. Điều này tạo cơ hội tăng trưởng kinh tế. Nhờ có dân số trong độ tuổi lao động, chúng ta đã có bước dịch chuyển các ngành kinh tế tương đối thành công, chuyển dịch ngành nông nghiệp với năng suất lao động thấp sang lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp lắp ráp, chế biến, chế tạo. Từ đó, tạo ra động lực thu hút đầu tư, góp phần quan trọng cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trong hơn 30 năm qua, nâng cao năng lực cạnh tranh trên tường quốc tế, hội nhập tương đối thành công trong các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất toàn cầu. Công nghiệp vẫn là chủ lực, tạo động lực xuất khẩu, từ nền kinh tế nhập siêu chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế xuất siêu.

Với quy mô 100 triệu dân, Việt Nam đã và đang là thị trường tiêu dùng tiềm năng. Trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới khi bất ổn kinh tế toàn cầu xảy ra hầu hết các nước đều nhìn vào thị trường nội địa, chống chịu trước sự ảnh hưởng tiêu cực từ suy giảm kinh tế toàn cầu.

Với 100 triệu dân và đang chuyển dịch từ thu nhập từ trung bình thấp sang trung bình cao, Việt Nam sẽ có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, tiêu dùng của các hộ gia đình thì cũng sẽ đảm bảo cho chúng ta có sự dịch chuyển tốt hơn về cơ cấu kinh tế, không những từ nông nghiệp sang công nghiệp mà lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu và mô hình phát triển kinh tế mới với giá trị gia tăng cao hơn, tăng trưởng bền vững hơn.

Dân số trẻ với nền tảng giáo dục phổ thông được đánh giá tương đối tốt trong khu vực là động lực để Việt Nam tiếp cận nền kinh tế số, thương mại điện tử với nhiều dự án startup, tạo ra nhiều công việc mới, dịch vụ liên quan sáng tạo khoa học công nghệ là hướng đi phù hợp để Việt Nam"đi tắt đón đầu” và nâng cao năng suất lao động hoàn thành mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045.

PV: Vậy còn đâu sẽ là thách thức chúng ta có thể phải đối mặt?


TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Ðại học Quốc gia Hà Nội) 

TS. Nguyễn Quốc Việt: Đầu tiên, mỗi năm chúng ta bổ sung lực lượng khoảng hơn 1,3 triệu lao động, nếu tăng trưởng kinh tế không đạt được tiềm năng trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu thì sẽ có nguy cơ đối mặt với bất ổn môi trường kinh doanh trong nước, tạo áp lực lên công ăn việc làm.

Yếu tố thứ 2 là chất lượng lượng lao động chưa tương xứng. Cùng với sự tăng trưởng quy mô kinh tế, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đã có sự tiến bộ trong 10 năm qua. Tuy nhiên, so với những nước chúng ta kỳ vọng phải đuổi kịp trong khu vực hoặc ít ra không bị tụt lại phía sau như Singapore, Malaysia hay xa hơn như Hàn Quốc và thậm chí có nhiều điểm tương đồng như Trung Quốc...năng suất lao động Việt Nam không những không có gia tốc bắt kịp mà đang có sự giãn khoảng cách và tụt lại, đây là một nguy cơ rất nghiêm trọng.

Nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thấp có nhiều lý giải, trong đó đáng chú ý nhất là chất lượng lao động chưa tốt về nhiều nghĩa.

Các bộ chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh trên thế giới cho thấy, chúng ta đang thuộc nhóm trung bình thấp về chất lượng giáo dục bậc cao, sự sẵn sàng bước vào thị trường việc làm của sinh viên và chất lượng kỹ năng nghề của Việt Nam còn khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực.

Về đổi mới sáng tạo, nếu xét năng lực nghiên cứu, học tập, học sinh Việt Nam được đánh giá tương đối tốt thông qua điểm số các môn khoa học hay thậm chí tại các cuộc thi Olympic, Pisa nhưng để ứng dụng KHCN từ góc độ cá nhân người lao động, doanh nghiệp thì còn thua kém.

Nhiều chỉ số đổi mới sáng tạo, chỉ số R&D, chỉ số ứng dụng trong lao động việc làm còn thấp. Kỹ năng quản lý, quản trị công việc cá nhân, khả năng hợp tác, phối hợp và làm việc nhóm cũng chưa đạt được kỳ vọng khiến cho nhiều doanh nghiệp phải thuê mướn chuyên gia hoặc lao động nước ngoài ở trình độ lao động bậc cao, lao động quản lý, lao động cần sự làm việc đội nhóm.

Từ đó dẫn đến hạn chế về năng suất lao động đồng thời gia tăng áp lực tăng thu nhập cho người lao động. Nếu không khắc phục được các nhược điểm nêu trên, thì sẽ không tận dụng hết được cơ hội dân số vàng (chỉ khoảng 26-27 năm), chỉ trong thời gian nhất định người lao động sẽ chuyển sang độ tuổi suy thoái cả về thể chất lẫn về khả năng thích ứng và đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng lao động.

Thực tế hiện nay, đã xuất hiện nhiều khu vực, lao động có tuổi đã không còn đáp ứng với sự đòi hỏi cường độ lao động cao trong chuỗi sản xuất công nghiệp, nên hoặc bị sa thải, hoặc tự rút lui khỏi thị trường lao động dù chưa đến tuổi nghỉ hưu,trong khi thu nhập bấp bênh, tích lũy chưa đảm bảo cho cuộc sống, từ đó dẫn đến phong trào rút bảo hiểm xã hội 1 lần đang nhức nhối trong thời gian qua. Đó là chỉ báo cho thấy nguy cơ "chưa giàu đã già” của Việt nam.

Mặt khác, do tỷ lệ sinh đã giảm và điều kiện sống tốt hơn trong vài thập niên trở lại đây, khi được sống trong điều kiện thuận lợi và bao bọc bởi gia đình, một bộ phận lao động trẻ (thế hệ Z) lại chưa thích ứng được với môi trường năng động, đòi hỏi tính tự chủ, tự lập, những công việc đòi hỏi có tính chất liên ngành, liên lĩnh vực và kiến thức thực tiễn, đây cũng sẽ là những yếu tố khó khăn nếu không có giải pháp hóa giải.

PV: Mặc dù quy mô dân số tăng song chất lượng dân số chưa phát triển tương xứng đang đặt ra nhiều lo ngại. Số lao động qua đào tạo đạt 69-70% nhưng lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt ở mức 26%. Ông có suy nghĩ gì về con số này?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Theo cá nhân tôi, chất lượng nguồn nhân lực không cứ phải có bằng cấp cấp cao, chứng chỉ nhiều, nhưng rõ ràng việc chuẩn hóa nguồn lực lao động theo từng công việc cụ thể, định hướng người lao động để đạt được kiến thức, kỹ năng, thái độ ứng xử, khả năng thích ứng cần thiết với nhu cầu và sự thay đổi của nền kinh tế và xu thế sản xuất, kinh doanh tiêu dùng là câu chuyện quan trọng.

Thực tế ngay cả những lao động đã qua đào tạo, có bằng tốt nghiệp đại học, trung cấp, cao đẳng khả năng thích ứng, tiếp cận các kỹ năng làm việc vẫn bị đánh giá trung bình thấp khi so sánh với các nước trong khu vực. Điều đó cho thấy bằng cấp không hẳn là một yếu tố có tính chất quyết định chất lượng nguồn nhân lực. Điều quan trọng học thật, đào tạo thật và ý thức tự bổ sung, trau đồi kiến thức, kỹ năng, trình độ nghiệp vụ của bản thân người lao động. Đặc biệt là quá trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục, đào tạo bậc cao, đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu thật của xã hội, và có kết nối, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị/cơ sở tiếp nhận người lao động trong tương lai.

PV: Có ý kiến nói rằng "đi ra ngoài đường thấy xót xa khi đội quân xe ôm công nghệ đa số có độ tuổi từ 18 – 40”, đây có phải là thực tế đáng lo ngại khi dân số đông trong khi lao động làm công việc giản đơn chiếm tỷ lệ lớn?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Có ý kiến quan ngại cho rằng nhiều lao động phổ thông phải dấu bằng cấp để làm công nhân lao động giản đơn, theo tôi chúng ta không thể đổ lỗi cho cơ sở đào tạo hay bản thân người lao động vì đó thuộc về cung cầu xã hội hoặc mục tiêu, mong mỏi riêng của từng người.

Nhiều người có trình độ cử nhân mà vẫn đi làm Grab bike, tôi cho rằng có 2 mặt của vấn đề. Thứ nhất, là nhu cầu thị trường lao động và mức thu nhập sẽ quyết định sự dịch chuyển xu hướng chọn lựa việc làm.

Trong quá khứ khi công nghệ thông tin bùng nổ, có những nhà mạng cung cấp dịch vụ bán hàng qua mạng các công ty tuyển dụng hàng trăm lao động chỉ để bán qua điện thoại hoặc trả lời khách hàng qua điện thoại nhưng vẫn tuyển lao động có bằng cử nhân. Tuy nhiên, quá trình đó người lao động thích nghi, chuyển đổi dần với kiến thức nền tảng có được trên ghế nhà trường, cộng với sự dịch chuyển lao động chúng ta có ngành công nghệ thông tin đáng tự hào, phát triển được những lĩnh vực ứng dụng trên nền tảng di động hoặc internet, hướng tới nền kinh tế số.

Thứ hai, các xu thế lao động mới phù hợp với các mô hình kinh tế mới sẽ giúp các đa dạng hoá cách thức tham gia thị trường lao động, tạo các mô hình việc làm bán thời gian, tạm thời, qua đó chia sẻ được nguồn lực xã hội một cách hiệu quả. Các bạn trẻ đang học trên ghế nhà trường họ vẫn làm thêm, dùng chính tài sản họ đi làm thêm về taxi, giao hàng trạm cuối vẫn là yếu tố tốt trong bối cảnh chúng ta có nền tảng dân số vàng, cần tăng thu nhập hoặc con người cần có khả năng tích lũy giá trị, cả kỹ năng lao động, thích ứng hơn trong bối cảnh nhiều sự thay đổi.

PV: Trước cột mốc 100 triệu dân, theo ông làm thế nào tận dụng được dân số vàng?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Đầu tiên, chúng ta cần phải xem xét trong các chuẩn, bảng xếp hạng toàn cầu và khu vực, những điểm nào chúng ta đang bị thế giới đánh giá thấp hơn về chuẩn mực chung, chỉ rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, chủ thể phải chịu trách nhiệm khắc phục. Từ đó nâng cao các yếu tố liên quan chất lượng nguồn nhân lực.

Yếu tố thứ 2, cần nâng cao năng suất lao động của tất cả loại hình lao động, trong đó có cả giải pháp vĩ mô, giải pháp từ doanh nghiệp, trong đó có giải pháp gắn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Yếu tố 3 là môi trường thể chế để đảm bảo quyền tiếp cận và bình đẳng giữa các lực lượng lao động. Chúng ta nói đến 100 triệu dân, 53 triệu người trong độ tuổi lao động nhưng cần phải nói đến giới, phụ nữ vẫn còn có những thiệt thòi nhất định so với nam giới trong tiếp cận các lĩnh vực lao động bậc cao, quản lý, lao động làm chủ kinh doanh. Cần đảm bảo quyền tiếp cận công bằng cho những nhóm chủ thể đặc biệt như người yếu thế, khác biệt hay cả yếu tố dân tộc để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.

PV: Một trong những yếu tố ông nhắc tới để tận dụng được giai đoạn dân số vàng là các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo ông, cần những sự thay đổi nào về giáo dục và đào tạo để đáp ứng được yêu cầu này?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Nền giáo dục của chúng ta vẫn nặng nề thi cử và tính thực học chưa cao. Phải làm sao ngay từ tiểu học, các em học sinh đã được tiếp cận thực tiễn, giáo dục đầy đủ cả về trí lực và tư duy suy nghĩ độc lập, giải quyết các vấn đề, thích ứng với tương lai.

Đây là vấn đề nhạy cảm, cần phải giải quyết tổng thể bài toán cải cách giáo dục, hướng tới năng lực và thực học. Chúng ta đã cố gắng cải tiến chương trình nhưng cách thực thi vừa rồi vấp phải hàng loạt vấn đề, theo tôi cần phải giải quyết bài toán học không chỉ để đi thi mà học thật, học để phát triển toàn diện như phương châm giáo dục của Đảng đã nêu.

Ở bậc cao hơn, từ đào tạo nghề, đào tạo ĐH, bên cạnh kiến thức có tính chất phổ quát, thông dụng, đồng đều trên thế giới, các trường ĐH nên có định hướng đào tạo có tính chất liên ngành, ở ranh giới các ngành đào tạo, chứ nếu quá chuyên sâu, hàn lâm, tháp ngà sẽ khiến SV khó có khả năng thích ứng với những thay đổi.

Bên cạnh đó chúng ta từng có quan điểm về giáo dục khai phóng, giáo dục gắn với các cơ sở tiếp nhận, tuy nhiên thực tế triển khai cấp độ các trường ĐH, đào tạo nghề còn có khoảng cách lớn.

Chẳng hạn, ở nước ngoài, trong chương trình đào tạo phải có 50% môn tự chọn hoàn toàn, chỉ có 50% là "môn co” của ngành học nhưng tôi quan sát ở Việt Nam, hiếm trường nào mở chế độ tự chọn hoàn toàn vì dẫn đến không quản lý được. Bởi, mở rộng quy mô các môn học, lớp học thì chi phí đào tạo trên đầu SV lớn, trong bối cảnh tự chủ ĐH thì thì không cáng đáng nổi. Do đó, nhiều khi buộc quay trở lại với niên chế hoặc giống thời niên chế chứ không phải theo định hướng tín chỉ mở rộng quyền tự chọn cho SV.

Đó là chỉ là một ví dụ trong phạm vi hẹp ĐH. Ở lĩnh vực khác cũng vậy, khi nguồn lực có hạn, thực thi không như kỳ vọng thì SV không đáp ứng được yêu cầu của cơ sở tiếp nhận, dẫn đến phải đào tạo lại là câu chuyện muôn thuở.

Mở rộng ra, trách nhiệm không chỉ ở các cơ sở đào tạo mà còn là trách nhiệm từ phía nhà nước. Không thể nói cải cách giáo dục thì coi đào tạo nghề, đào tạo ĐH như khoản đầu tư của người lao động - họ phải tự bỏ vốn, mà ở đây vẫn phải là trách nhiệm nhà nước tham gia hỗ trợ tạo điều kiện tiếp cận, vừa công bằng vừa đảm bảo nhân lực có định hướng đào tạo đúng, trúng, đáp ứng đòi hỏi mới nền kinh tế buộc nhà nước phải cáng đáng, hỗ trợ chứ không nên tất cả thả lỏng xã hội hóa, tự chủ hóa của các cơ sở giáo dục.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

(Theo VOV)

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Ngày 17/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong đó nêu rõ biện pháp, điều kiện bảo đảm bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Lãnh đạo phường Nam Cường, thành phố Yên Bái kiểm tra việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường tại một cơ sở sản xuất trên địa bàn.

Qua rà soát, thành phố có 269 cơ sở sản xuất, kinh doanh có tác động đến môi trường được đưa vào Đề án xử lý, di dời.

Chuyên viên BHXH huyện Trấn Yên phối hợp với Công an huyện rà soát dữ liệu.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Trấn Yên đang tiếp tục bổ sung những dữ liệu còn thiếu, đồng bộ để kết nối liên thông đảm bảo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống”.

Ngày 17/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức tập huấn công tác bảo vệ môi trường cho mô hình Tổ tự quản của phụ nữ tại cộng đồng tại Văn Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục