Xuân về làng định cư

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/2/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Những ngày trước tết Nguyên Đán, chúng tôi đã có dịp đến thăm làng định cư của đồng bào Mông xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên. Một màu xanh bát ngát của núi rừng, màu trắng của tấm lợp phi brô-xi-măng trên mái nhà và xa xa thấp thoáng ánh điện như những ánh sao đêm. Trong cái se lạnh của mùa đông, thấp thoáng những bộ trang phục rực rỡ của các chàng trai, cô gái Mông đèo nhau xuống chợ sắm tết.

Múa khèn - nét sinh hoạt văn hóa hấp dẫn của đồng bào Mông.
Múa khèn - nét sinh hoạt văn hóa hấp dẫn của đồng bào Mông.

Ở Hồng Ca có 228 hộ người Mông với 1.041 khẩu định cư tại 3 thôn: Khuôn Bổ, Hồng Lâu và Khe Ron, trong đó có 120 hộ theo đạo thiên chúa. Đồng bào Mông ở đây lương - giáo cùng đoàn kết giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống mới. Cuộc sống của người Mông Hồng Ca bắt đầu ấm no từ khi nghe theo Đảng - Nhà nước, xuống núi định cư.

Ông Tráng Sáo Hờ - Bí thư chi bộ Đảng của 3 thôn người Mông Khuôn Bổ, Hồng Lâu và Khe Ron cho biết, từ năm 1978, người Mông di cư từ các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn và Văn Yên về đây với tập quán du canh, du cư, đầu tiên mới chuyển về chủ yếu sống trên núi cao, chặt phá rừng làm nương rẫy trồng ngô và trồng lúa nương để sinh sống. không biết bao nhiêu diện tích rừng đầu nguồn đã bị chặt phá đổi miếng cơm manh áo mà cuộc sống vẫn đói nghèo. Người dân lại bỏ đi tìm cuộc sống ở nơi khác như Sơn La và Thanh Hóa. Trước thực trạng đó, Đảng bộ, chính quyền xã Hồng Ca đã vận động người Mông xuống núi định cư. sau khi hạ sơn, đồng bào đã thay đổi tập quán, nếp sống. Thêm vào đó, lại được Đảng - Nhà nước quan tâm đầu tư phân bón, cây, con, giống, mở đường giao thông, kéo điện quốc gia về với bản làng. Năm 1992, đồng bào đã trồng thử nghiệm thành công vụ lúa đông xuân và đã cho thu hoạch năng suất cao. Từ thực tế đó đến nay, mỗi năm người Mông Hồng Ca đã tự sản xuất hai vụ lúa, thu hoạch bình quân 170 kg thóc/sào.

Ngoài ra, cây lúa nương và cây ngô nương được thay bằng các loại cây lâm nghiệp lâu năm, cho hiệu quả kinh tế cao như: quế, keo, bồ đề và tre măng Bát độ. Ông Hờ Nủ Lâu - Trưởng thôn Khe Ron tâm sự: "Bây giờ hạ sơn, người Mông không còn chặt cây phá rừng làm rẫy nữa. Hiện nay bà con tích cực khai hoang ruộng nước và trồng lúa hai vụ nên cuộc sống đã khá hơn trước kia".

Ngôi trường được xây dựng ở bản mới định cư Nậm Pươi, xã Nậm Búng, Văn Chấn.

(Ảnh: Pa Ri)

Bí thư chi bộ Đảng khu Hồng Lâu Tráng Sáo Hờ là người tiên phong thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế gia đình. Ông đã hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như mua máy cày về sử dụng thay thế sức cày kéo cho trâu, bò. Tuy đất ruộng không nhiều nhưng gia đình chăm bón chu đáo, có khoa học, mỗi năm đã thu hoạch trên 4 tấn thóc. Ông còn là người có trên hàng chục ha rừng quế, keo và bồ đề trị giá hàng tỷ đồng, mới tỉa bán đã thu về hàng chục triệu đồng. Nhờ vậy Tráng Sáo Hờ đã làm được nhà xây hai tầng khang trang, con cái có đủ điều kiện đến trường, đến lớp. ở Khuôn Bổ không chỉ có gia đình Sáo Hờ mà còn có nhiều hộ khác kinh tế cũng phát triển, có cuộc sống ổn định. Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hiện nay 52 hộ người Mông ở thôn Khuôn Bổ không còn mắc các tệ nạn xã hội như hút, hít, tiêm chích buôn bán tàng trữ ma túy, hầu hết các hộ đều có cuộc sống ổn định.

Khe Ron là thôn vùng sâu của xã Hồng Ca, có 62 hộ dân, phần lớn đều có cuộc sống ổn định cũng nhờ biết thâm canh tăng vụ. Trên 11 ha ruộng nước, mỗi năm đồng bào đã trồng hai vụ và đầu tư phân bón, chăm sóc tốt. Mỗi vụ năng suất trung bình đạt từ 160 đến 170 kg/sào. Ngoài cây lúa, đồng bào còn trồng sắn cao sản. Riêng năm 2006 cả thôn đã tiêu thụ trên 10 tấn sắn, thu về hàng chục triệu đồng. thôn còn có trên 15 ha quế, hộ trồng ít là 6 - 7 sào, hộ trồng nhiều có từ 4 - 5 ha như các gia đình: Sùng Giảng Pao, Sùng Sống Sềnh và Hờ Nủ Lâu. Bên cạnh đó, trong chăn nuôi gia súc gia cầm, đồng bào đã có ý thức không còn thả rông nên ít xảy ra bệnh dịch và phát triển mạnh với hàng trăm con trâu, bò, lợn, gà, vịt...

Đến nay, Đảng - Nhà nước đã quan tâm mở đường giao thông đến tận bản tạo điều kiện thuận lợi cho bà con người Mông đi lại giao lưu hàng hóa và tiến tới đường điện quốc gia sẽ tiếp tục được kéo về đây giúp đồng bào có ánh sáng. Đồng bào thôn Khe Ron nói riêng và người Mông xã Hồng Ca nói chung giờ không còn thồ hàng bằng ngựa mà thay vào đó là xe máy... Các loại phương tiện nghe, nhìn và sử dụng trong gia đình như: tivi, ra-đi-ô, máy khâu, máy tuốt lúa, máy cày, người Mông nơi đây phần lớn đều tự sắm được. Gặp chúng tôi, ông Sùng Nhìn Hành, thôn Khe Ron cũng cho biết: "Ngày xưa còn ở trên núi cuộc sống rất khó khăn. Nay xuống núi định cư ở sát đường, gia đình đã có cơm ăn, áo mặc, con cháu đều được đi học, có đường bằng đi lại dễ dàng, có xe máy làm phương tiện thồ hàng, không còn nặng nề như ngày xưa... Đồng bào Mông tin Đảng và làm theo Chính phủ chỉ đạo. Năm nay bà con rất phấn khởi tổ chức tết vui vẻ và đoàn kết, tiết kiệm".

Hiện nay, ba thôn người Mông ở Hồng Ca là Khuôn Bổ, Hồng Lâu và Khe Ron đều đã có trường cấp I, nên con cháu đều có thể đến trường học chữ. Người Mông Hồng Ca không còn theo đuổi các hủ tục lạc hậu trong đám cưới, đám tang và các lễ hội. Ông Hờ Nủ Lâu, Trưởng thôn Khe Ron cho biết, hiện nay đồng bào đã nghe theo Đảng, Nhà nước chỉ đạo nên cưới hỏi không còn lấy bạc trắng mà chỉ lấy khoảng 2 triệu đồng tiền giấy, 10 kg lợn, 10 lít rượu để làm các thủ tục cho đôi vợ chồng trẻ.

Đánh giá những đổi mới của đồng bào Mông nơi đây, đồng chí Hà Văn Tuấn, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Hồng Ca khẳng định: "Người Mông ở đây hiện nay so với những nơi khác đã có nhiều tiến bộ. Điển hình nhất là cách làm nhà của người Mông: hầu hết hiện nay đã làm được nhà xây nền, nhà cột gỗ kê, lợp phi-brô xi măng. Thời gian cho ma chay, cưới xin đã giảm nhiều. Ví dụ như trước kia tổ chức 6 - 7 ngày thì bây giờ chỉ còn trong vòng hai ngày đêm. Người chết đã cho vào quan tài, không còn để chỏng chơ như khi xưa. Người Mông ở đây đã thực hiện chủ trương đường lối của Đảng rất tốt".

Hòa nhập với cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng bào Mông các thôn Khuôn Bổ, Hồng Lâu và Khe Ron không còn tổ chức ăn tết sớm như các vùng khác vì họ thấy rằng không cần thiết phải ăn tết sớm hơn. Do đó, trong những ngày giáp tết Nguyên đán, bà con người Mông Hồng Ca cũng tất bật với mọi công việc chuẩn bị đón tết. Các chị phụ nữ đang nhanh tay bên chiếc máy khâu để hoàn tất những bộ váy áo mới dự hội Gầu Tào, còn đàn ông thì tranh thủ làm nốt những công việc còn lại của năm 2006 và chuẩn bị công việc đón tết như thu gom củi, đóm, xuống chợ mua sắm...

Đón tết cổ truyền dân tộc song đồng bào Mông Hồng Ca cũng không quên công việc tiến tới một mùa bội thu của vụ sản xuất tiếp theo. Ông Tráng Sáo Hờ cho biết: "Chúng tôi đã chỉ đạo bà con phải cày bừa xong trước tết Nguyên đán và ăn tết xong đến mồng 5 tết là bà con xuống đồng đi cấy".

Chia tay trong màn sương tan dần, ánh nắng ấm áp đang tỏa xuống, thấp thoáng những mái nhà phi-brô xi măng sáng trắng dưới chân núi bên những cánh rừng đang thay áo mới. Đâu đây tiếng khèn, tiếng sáo gọi bạn tình của các chàng trai, cô gái Mông văng vẳng để lại cho chúng tôi niềm tin và hy vọng cuộc sống người Mông Hồng Ca tiếp tục vững bước đi lên.

Sùng Đức Hồng

Các tin khác
Diện tích chủ yếu ở xã Phúc Ninh là đồi rừng và mặt nước hồ Thác Bà. (Ảnh: Thanh Thủy)

YBĐT - Những ngày giáp tết, tôi có dịp đến thăm Phúc Ninh huyện Yên Bình. Cảm giác tiết trời như ấm lại. Những cành đào trụi lá đang chúm chím nụ, màu áo xanh mướt của đám mạ non trải dài trên khắp cánh đồng như báo hiệu xuân đang về trên quê hương Phúc Ninh. Không khí lao động khẩn trương để chuẩn bị đón tết của bà con nhân dân được thể hiện rõ trên từng thửa ruộng.

YBĐT - Theo báo cáo của các ngành chức năng, trong dịp tết Đinh Hợi 2007 số vụ tai nạn giao thông (TNGT) gia tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Tại các tuyến điều trị đã tiếp nhận và điều trị 202 ca cấp cứu do TNGT; một ca đã tử vong tại bệnh viện.

Kiểm tra đầu sách tại Thư viện Trường PT Dân tộc nội trú huyện
Yên Bình.(Ảnh: Tô Anh Hải)

YBĐT - Công đoàn ngành giáo dục - đào tạo huyện Yên Bình có 81 đơn vị công đoàn cơ sở với gần 1.500 đoàn viên, đời sống còn nhiều khó khăn, nhất là giáo viên mầm non ngoài biên chế. Những năm qua, Công đoàn ngành đã phát huy vai trò, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của huyện đạt nhiều chuyển biến tích cực.

YBĐT - Đợt tuyển quân năm 2007, qua sơ tuyển, huyện Trấn Yên chính thức phát lệnh gọi nhập ngũ đến 80 thanh niên ở 29 xã, thị trấn. Ngoài số này, huyện còn gọi dự phòng thêm 03 trường hợp để bảo đảm đủ số lượng chỉ tiêu trên giao. 100% thanh niên lên đường nhập ngũ đều được xét nghiệm HIV và được Đoàn thanh niên tại các cơ sở làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đoàn để các tân binh lên đường nhập ngũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục