Trăn trở những căn bệnh về máu
Đều đặn mỗi tháng một lần, gia đình chị Nguyễn Thị Biên ở xã Cảm Ân, huyện Yên Bình lại sắp xếp công việc, cắt cử thành viên đưa ba con nhỏ về Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị bệnh tan máu bẩm sinh trong vòng 1 tuần. Ba con nhỏ của chị lần lượt sinh năm 2010, 2012, 2016, cháu nào cũng xanh xao, vàng vọt, còi cọc so với các bạn cùng độ tuổi.
Chị Biên cho biết, mỗi chu kỳ truyền máu các bé đều có biểu hiện khỏe khoắn, ăn uống bình thường được 1 đến 2 tuần đầu rồi bắt đầu yếu dần, mấy mẹ con cũng phải dắt díu nhau đến bệnh viện điều trị nên chị rất khó kiếm được một công việc với mức thu nhập ổn định. Thời gian ở bệnh viện của các cháu có khi còn nhiều hơn ở nhà nên việc học tập cũng bị ảnh hưởng.
Chị Biên tâm sự: "Khi cháu đầu tiên được 2 tuổi, cháu thứ 2 gần sinh tôi phát hiện cháu đầu bị bệnh tan máu bẩm sinh trong một lần cháu ốm. Nuôi hy vọng cháu thứ 2 sinh ra sẽ không bị di truyền, nhưng rồi sự lo lắng ấy lại xảy đến. Bác sĩ đã tư vấn cho tôi về việc sàng lọc nếu muốn sinh cháu thứ 3 vì khả năng bị bệnh rất cao. Thế nhưng vì nghèo, do sự cố chấp, thiếu hiểu biết, chúng tôi đã đánh cược thêm một lần nữa để rồi cháu thứ 3 lại bị bệnh về máu… Có những lần đi truyền máu, người lớn đưa các cháu đi, có lần bận, gia đình tôi chỉ đưa các cháu đến bệnh viện tự chăm nhau và nhờ các y, bác sĩ chăm nom giúp. Thật biết ơn vì các y, bác sĩ của bệnh viện rất tận tình nên gia đình cũng phần nào vơi đi nỗi lo”.
Cũng như gia đình chị Biên, gia đình chị Bùi Thị Thảo ở xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên phải về Bệnh viên Đa khoa tỉnh Yên Bái để truyền máu điều trị bệnh tan máu bẩm sinh mỗi tháng 1 lần cho con nhỏ 2 tuổi.
Bế con trên tay, nhìn con yếu không ăn, không chơi, chị Thảo xót xa: "Thương con mà không biết làm thế nào, tôi chỉ ước giá mình có thể ốm thay con. Nhiều lúc cũng tự trách bản thân vì không thể đem đến cho con một cơ thể với sức khỏe bình thường như bao đứa trẻ khác. Đợt giãn cách Covid-19, máu khan hiếm, con và các bạn khác phải chờ máu, tôi thật sự lo sợ, bất an, không dám hình dung nếu thiếu máu kéo dài, con không có máu truyền sẽ ra sao”.
Hàng tháng, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái điều trị trung bình khoảng 100 bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh như trường hợp các con của gia đình chị Nguyễn Thị Biên và Bùi Thị Thảo. Không chỉ đối với bệnh nhân tan máu bẩm sinh, còn rất nhiều trường hợp bệnh khác, nhất là các trường hợp bệnh cấp cứu cần máu. Tất cả những người bệnh, người nhà bệnh nhân gặp trường hợp ấy đều chung một nỗi lo "không có máu, không đủ máu”.
Trái tim hồng kết nối sự sống
Những phút giây thư giãn hiếm hoi của bệnh nhân nhi bị bệnh tan máu bẩm sinh về truyền máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Hàng năm, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cần hàng nghìn, chục nghìn đơn vị máu để điều trị cho bệnh nhân. Trước thực trạng này, với nhiệm vụ là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh Yên Bái, Hội CTĐ tỉnh đã triển khai nhiều cách làm mới, sáng tạo, có hiệu quả nhằm thu hút sự tham gia HMTN của đông đảo cán bộ, nhân dân, mang đến sự sống, niềm hy vọng cho người bệnh.
Đồng chí Hà Thị Ngoan - Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Yên Bái cho biết: "Xác định tuyên truyền, vận động đóng vai trò then chốt trong thành công của Phong trào HMTN, hàng năm, Hội CTĐ tỉnh đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó, chú trọng tới công tác động viên, khuyến khích, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào HMTN.
Ban Chỉ đạo vận động HMTN các cấp tập trung tuyên truyền, vận động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của việc HMTN; duy trì, tổ chức hoạt động của các câu lạc bộ tuyên truyền, vận động và đội thanh niên xung kích HMTN với các thành viên là những người dự bị thuộc các cơ quan, sở, ban, ngành trong tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hệ thống đài truyền thanh cơ sở, tổ chức tuyên truyền lưu động; bố trí tình nguyện viên Hội CTĐ phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu ở những khu vực đông dân cư…”.
Trong năm 2022, Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động HMTN các huyện, thị, thành phố, cơ quan, đơn vị vận động được 7.500 người đăng ký hiến máu và tiếp nhận được 6.160 đơn vị máu. Riêng triển khai thực hiện Tháng nhân đạo (tháng 5 năm 2023), Hội CTĐ tỉnh đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức 2 sự kiện HMTN thu hút hơn 800 người tham gia, thu được 725 đơn vị máu.
Nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về HMTN được nâng lên rõ rệt tạo ra một làn sóng HMTN rộng khắp. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu hiến máu hàng chục lần.
Tham gia Chương trình HMTN ngành y tế tỉnh năm 2023 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh dịp đầu tháng 6 vừa qua, dược sĩ hạng III Lò Văn Thân - Phó Trưởng khoa Khoa Dược, Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu cho biết: "Lần này là lần thứ 9 tôi tham gia hiến máu. Lần đầu tôi hiến máu khi đang là sinh viên năm nhất Đại học Dược Hà Nội, tâm trạng khi đó cũng khá lo lắng. Hiến máu xong thấy cơ thể hoàn toàn bình thường nên từ đó tôi không còn lăn tăn gì đối với việc hiến máu.
Sau này khi ra công tác trong ngành y, hàng ngày chứng kiến các trường hợp bệnh nhân cần máu, tôi lại càng hiểu ý nghĩa của việc hiến máu tình nguyện, luôn sẵn sàng hiến máu khi có các chương trình HMTN, hay các trường hợp khẩn cần máu. Hy vọng mỗi giọt máu trao đi sẽ góp phần đem đến một cơ hội sống cho người bệnh”.
Với Thiếu tá Nguyễn Trung Hậu - Đội trưởng Đội An ninh, Công an thành phố Yên Bái - người đã có 14 lần HMTN, lý do để chia sẻ những giọt hồng của mình đơn giản chỉ là "sống là cho đâu chỉ nhận cho riêng mình”. Anh quan niệm: Hiến máu là việc bình thường, là trách nhiệm phải làm của những cá nhân khỏe mạnh để giúp đỡ những người bệnh cần máu. Chính lẽ đó, không chỉ bản thân hiến máu thường xuyên, anh còn vận động người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm tham gia hiến máu.
Mặc dù không biết những giọt máu được truyền vào cơ thể là do ai hiến tặng, song đối với người bệnh đó là giọt hồng nghĩa tình của những ân nhân, "người hùng” thầm lặng. Những trái tim thiện nguyện, tấm lòng nhân ái ấy đã tình nguyện hiến máu với không một đòi hỏi nào từ phía những người nhận máu. Họ đã thắp lên hy vọng cho bệnh nhân nguy kịch, kéo dài sự sống cho người mắc bệnh hiểm nghèo. Đây là một nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng, tôn vinh!
Lê Thương