Năm 2022, toàn tỉnh tuyển sinh ĐTN cho 19.794/18.000 người (đạt 110% kế hoạch), trong đó: cao đẳng 1.627 người, trung cấp 3.374 người, trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng 14.793 người (trong đó hỗ trợ ĐTN cho LĐNT là 3.955 người). Do đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo của toàn tỉnh hết năm 2022 đạt 66,1%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt 34,9%.
Giải quyết việc làm cho 22.346 lao động (đạt 114,6% kế hoạch); trong đó từ chương trình phát triển kinh tế xã hội là 11.027 người, vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm là 2.701 người, xuất khẩu lao động 284 người, cung ứng lao động tỉnh ngoài 8.334 người.
Chuyển dịch được gần 8.000 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp (đạt 119,5% kế hoạch); lĩnh vực chuyển dịch chủ yếu gồm: sản xuất công nghiệp, xây dựng, du lịch, kinh doanh, bán hàng... Tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản là 55,68% (giảm 2,13% so với năm 2021); lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ là 44,32%.
Đơn cử, huyện Mù Cang Chải, với trên 90% dân số là người dân tộc thiểu số, đời sống đa phần phụ thuộc vào nông nghiệp. Thời gian qua, huyện đã tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân; chỉ đạo các ngành chức năng, phối hợp với các cơ sở dạy nghề quan tâm đến công tác ĐTN cho LĐNT.
Năm 2022, toàn huyện ĐTN cho 1.432 lao động. Từ các chính sách hỗ trợ dạy nghề đã tạo thêm nhiều việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Yên Bái đặt ra mục tiêu đến năm 2025, lao động nông nghiệp còn khoảng 51,9% lao động tham gia hoạt động kinh tế của tỉnh; giai đoạn 2021 - 2025, bình quân mỗi năm chuyển dịch 2% lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tương ứng với khoảng 6.600 lao động/năm.
Riêng năm 2023 phấn đấu giải quyết việc làm cho 19.500 lao động; tuyển mới ĐTN 18.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67,4%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt 36,6%; chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp năm 2023 là 7.000 người; phấn đấu hết năm 2023, tỷ lệ lao động nông nghiệp toàn tỉnh còn 54,07%.
Tỉnh xác định tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức đoàn thể trong công tác ĐTN, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động.
Thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách về ĐTN, vai trò vị trí của ĐTN đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Đồng thời, làm tốt công tác hướng nghiệp phân luồng, tuyển sinh học sinh từ THCS và THPT vào học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tập trung tuyển sinh nhóm lao động trong độ tuổi từ 15-35 đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, đào tạo các nghề phi nông nghiệp, nhất là các nhóm nghề cơ khí, kỹ thuật, du lịch, dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Mặt khác, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động; khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp; triển khai có hiệu quả phát triển nhân lực, đào tạo nghề cho LĐNT trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; hiện đại hóa hệ thống mạng lưới thông tin thị trường lao động và tăng cường các kênh giao dịch việc làm.
Đặc biệt, thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn vào phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ nhằm thu hút, tuyển dụng, sử dụng nguồn lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, tạo việc làm bền vững cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Thanh Vy