"Ký ức thời hoa lửa” của người lính Cụ Hồ chính là khoảng ký ức hào hùng, đẹp đẽ, thiêng liêng nhưng vô cùng gần gũi, chân thực, cảm động. Đó có thể là những trang nhật ký, những kỷ vật đã gắn bó với người lính trong chiến tranh mà thế hệ hôm nay - những người sinh ra trong thời bình ít có điều kiện được thấy, được tiếp xúc và cảm nhận. Bởi vậy, những người đi qua những tháng năm lửa đạn có rất nhiều tư liệu, câu chuyện ý nghĩa để giới thiệu và kể cho lớp trẻ. Họ đã trở thành những nhân chứng sống, truyền lửa nhiệt huyết cách mạng, tạo thêm động lực để lớp trẻ không ngừng rèn luyện đạo đức, hăng say học tập.
Lắng trong hồi ức bi hùng, chiến sỹ Tiểu đoàn Yên Ninh 3 Hoàng Hữu Thắng – người đã dùng 3 loạt tiểu liên AK bắn rơi máy bay và 4 tên lính Mỹ ôn lại ký ức cuộc chiến tranh chống quân xâm lược.
Ông kể: "Năm 1967- 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt. Trước tình hình đó, cùng với cả nước, tỉnh Yên Bái đã xây dựng 4 tiểu đoàn với gần 3.000 cán bộ, chiến sỹ mang tên Yên Ninh lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Yên Ninh là tên gọi được kết lại từ hai chữ: "Yên" của tỉnh Yên Bái và "Ninh" của tỉnh Ninh Thuận nhằm thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa hai miền Nam - Bắc. Trong thời "mưa bom, bão đạn", nhiều tấm gương chiến đấu hy sinh là những người con của quê hương Yên Bái đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc”.
Đã 55 năm trôi qua, ký ức oai hùng vẫn in sâu trong tâm khảm ông Thắng cũng như mỗi người lính hôm nay. Những câu chuyện ấy đã giúp thế hệ trẻ có những hình dung, hiểu biết về những hy sinh phải trả bằng máu của thế hệ cha anh để có ngày chiến thắng.
Sau chiến tranh, hành trang của những người lính trở về là chiếc khăn quàng, chiếc bi đông, ca nhôm, ba lô, nhật ký... - những vật dụng nơi chiến trường lại trở thành vật chứng cho lịch sử, mang trong mình biết bao câu chuyện buồn, vui của đời lính.
Cầm trên tay giới thiệu cho các cháu học sinh về những cuốn nhật ký của của ông Nguyễn Văn Hiệp, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái được trưng bày tại Bảo tàng, cựu chiến binh Phạm Tiến, nguyên Trung đội trưởng, Trung đội 2, Đại đội 3, Tiểu đoàn Yên Ninh 2, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Tiểu đoàn Yên Ninh cho biết: "Nhật ký thời chiến là kỷ vật chân thật nhất về con người và bối cảnh một thời hào hùng. Nhật ký luôn được người lính mang theo để ghi lại rất nhiều sự kiện, kỷ niệm, suy nghĩ, cảm xúc, những kỷ niệm trải qua trong cuộc đời, trong đó cũng chứa chan tình yêu cuộc sống, tinh thần lạc quan của thanh niên những năm 60 thế kỷ trước hào hùng ra trận, mang trong mình tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương, yêu gia đình và có ý chí chiến đấu cao, sẵn sàng chiến đấu, giành độc lập, tự do cho dân tộc".
Cuốn nhật ký cùng những vật "bất ly thân" của người lính nay được trân trọng, gìn giữ, tái hiện thwucj sự là "nhật ký của lòng yêu nước" kết nối người đã đi qua cuộc chiến với thế hệ hôm nay.
Đại biểu và các em học sinh tham quan không gian trưng bày "Ký ức thời hoa lửa" diễn ra từ 26/7 đến 2/8/2023 tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái.
Được lắng nghe, tìm hiểu lịch sử qua những câu chuyện người thật, việc thật, được trực tiếp quan sát gần 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, kỷ vật thời chiến và giao lưu với các nhân chứng lịch sử từng tham gia chiến đấu trên các chiến trường, khoảng cách thế hệ dường như ngắn lại. Chăm chú lắng nghe những câu chuyện chiến trường năm xưa và đặt nhiều câu hỏi thú vị cho các bác cựu chiến binh, các em học sinh trong Câu lạc bộ "Em yêu lịch sử” của Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành rất hào hứng.
Em Phạm Đức Mạnh - học sinh lớp 12 Sử - Địa cho biết: "Chúng em thấy vô cùng vinh dự khi được gặp và trò chuyện với các bác cựu chiến binh để tìm hiểu thêm về những cuộc chiến vốn chỉ được biết đến qua sách vở. Qua buổi trò chuyện, nghe những câu chuyện về ký ức một thời oanh liệt của các bác đã giúp em có thêm nhiều hiểu biết và thu nhận được không ít kiến thức quý báu về lịch sử. Em sẽ cố gắng học tập và rèn luyện thật tốt để trở thành con ngoan trò giỏi, trở thành công dân tốt cho xã hội, xứng đáng với thế hệ cha anh đi trước”.
Thông qua hoạt động trưng bày cũng như được tham quan Bảo tàng tỉnh Yên Bái, học sinh, người dân và du khách không chỉ thêm hiểu về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc tại Yên Bái mà còn được hiểu biết về lịch sử của vùng đất Yên Bái với những dấu mốc quan trọng từ thủa bình minh chưa có chữ viết cho đến ngày nay; mở rộng kiến thức về văn hóa các dân tộc một cách chân thực và gần gũi. Cùng với đó, được tham gia một số trò chơi tập thể gắn với các chủ đề lịch sử tại Bảo tàng.
Đây là hình thức hiệu quả để giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, cách mạng của quê hương, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, bồi dưỡng nhân cách và ý thức trách nhiệm công dân. Từ đó, tạo môi trường lành mạnh, bồi dưỡng lý tưởng, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, giúp thế hệ trẻ hiểu đúng, tự hào và trân trọng truyền thống cách mạng của dân tộc để nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.
Thanh Chi