Gia đình bà Lê Thị Vân ở phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái luôn có thói quen hàng ngày là thu gom thức ăn thừa trong gia đình vào một thùng nhựa nhỏ để cho người xóm bên đem về làm thức ăn cho gà, lợn; còn nilon, chai nhựa, vỏ hộp, bà buộc gọn gàng để cạnh thùng rác của gia đình mỗi buổi chiều. Ban đầu, bà chưa định nghĩa được việc làm của mình là phân loại rác tại hộ gia đình, mà chỉ đơn thuần là việc tiết kiệm, sạch sẽ.
Bà Vân chia sẻ: "Tôi gom chai vỏ nhựa, bìa giấy để những ai muốn có thể lấy đi, không bị lẫn vào các loại rác khác; còn với đồ ăn thừa, nếu không cho ai đó chăn nuôi, tôi cũng thấy tiếc lắm”. Thói quen của bà Vân chính là giải pháp cần thiết áp dụng tại hộ gia đình.
Rác thải sinh hoạt được chia thành 3 loại: rác tái chế, rác hữu cơ và rác vô cơ. Rác tái chế là những loại rác thải mà sau khi con người loại bỏ vẫn có thể được tái sử dụng lại như: chai nhựa, vỏ hộp, túi nhựa, giấy báo…
Đây là loại rác thải khó phân hủy nhưng vẫn có thể được tái chế với mục đích phục vụ cho đời sống. Rác hữu cơ là những loại rác dễ dàng phân hủy, gồm: hoa quả, bã trà, bã cafe, rau củ, thức ăn thừa, lá cây… thường được tận dụng làm phân xanh (phân hữu cơ), hoặc làm thức ăn cho vật nuôi. Rác vô cơ là rác thải không thể sử dụng và không thể tái chế.
Với những loại rác thải này, chỉ có cách chôn dưới đất hoặc đốt, gồm: các loại bao bì dùng để bọc bên ngoài, hộp/chai thực phẩm, các loại túi nilon, đồ chơi, quần áo, xương động vật, giấy ăn, than, vỏ sò, vỏ hến…
Việc phân loại rác tại hộ gia đình là một việc làm rất có ý nghĩa, rất cần thiết và dễ dàng hơn rất nhiều so với phân loại ở bãi rác tập trung. Mỗi gia đình có thể tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ thông qua việc tái chế và tái sử dụng các vật dụng hư hỏng; đồng thời, việc phân loại rác tại hộ gia đình còn làm giảm khối lượng chất thải rắn đổ về các bãi rác, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường nhằm thực thi Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Trong đó, bổ sung một quy định mới rất đáng chú ý đó là: xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt, không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt theo quy định. Chậm nhất vào cuối năm 2024 (ngày 31/12/2024), sẽ bắt đầu tiến hành xử phạt. Các chuyên gia đánh giá, đây là cơ hội tốt để mỗi người dân tập làm quen với việc phân loại rác hàng ngày, trước khi việc xử phạt được áp dụng.
Thực tế cho thấy, muốn biến rác thành tài nguyên và giảm thiểu những hệ lụy đối với môi trường thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải phân loại rác ngay tại các gia đình và điều này phải bắt nguồn từ ý thức của mỗi người.
Thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc phân loại rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Yên Bái chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Các cấp Hội phụ nữ đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn gia đình hội viên, tuy nhiên hiệu quả chưa cao; tình hình chung về phân loại rác vẫn là mạnh ai nấy làm, chưa thực sự quyết liệt.
Thành phố Đà Nẵng là địa phương tiên phong trong việc đẩy mạnh phân loại rác sinh hoạt tại nguồn. Theo đó, địa phương này phấn đấu trong năm 2023, tiến tới 90% hộ dân phân loại rác tại nhà. Nhiều chế tài được đưa ra; hương ước, quy ước của tổ dân phố thêm các điều khoản liên quan tới việc phân loại rác tại nhà… và đặc biệt công tác truyền thông được đẩy mạnh làm thay đổi từ nhận thức tới hành động của mỗi người dân.
Qua đó có thể thấy, để thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương, các ngành liên quan và đặc biệt là công tác truyền thông quyết liệt hơn nữa không chỉ với riêng hội viên phụ nữ.
Thanh Ba