Với đặc thù có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong đồng bào DTTS luôn được tỉnh quan tâm thực hiện, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của đồng bào về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Để công tác tuyên truyền PBGDPL đạt hiệu quả cao, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác tuyên truyền PBGDPL trong đồng bào DTTS. Các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền PBGDPL phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, đặc điểm của đồng bào DTTS. Nội dung tập trung vào các lĩnh vực như: phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng, chống ma túy, buôn bán người; các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân...
Các hình thức tuyên truyền, phổ biến được thực hiện đa dạng như: tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi, tờ gấp, thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, nhóm Facebook, Zalo; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, từ năm 2013 đến nay, huyện Mù Cang Chải thực hiện trên 500 buổi tuyên truyền, PBGDPL với trên 45.000 lượt người tham gia; huyện Văn Chấn đã tổ chức gần 5.000 buổi tuyên truyền, PBGDPL ở cơ sở với trên 124.300 lượt người tham dự; huyện Yên Bình đã tổ chức 63 hội nghị tuyên truyền PBGDPL cho các xã vùng đồng bào DTTS; 27 hội nghị tuyên truyền cho các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ với gần 2.000 lượt người tham dự; phát 20.000 tờ rơi, tờ gấp tài liệu PBGDPL cho đồng bào vùng DTTS với các nội dung: phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống mua bán người; quy định của pháp luật về xử lý hoạt động mê tín dị đoan…
Cùng với đó, các huyện, thị, thành phố còn xây dựng được tủ sách pháp luật, thành lập tổ hòa giải ở các thôn, bản, tổ dân phố, thực hiện các mô hình: "Thôn, tổ dân phố không có thanh niên mắc tệ nạn xã hội”, "Gia đình hội viên phụ nữ không có người thân phạm tội và mắc tệ nạn xã hội”, "Tuổi trẻ phòng chống tội phạm”; các câu lạc bộ: "Phòng, chống ma túy”, "Đảm bảo an ninh trật tự”, "Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”…
Nhờ đó, công tác tuyên truyền, PBGDPL trong đồng bào DTTS đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của đồng bào DTTS về pháp luật nâng lên rõ rệt. Đồng bào đã không còn du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy; giảm tình trạng hôn nhân cận huyết thống, sinh con thứ 3 trở lên; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường.
Anh Giàng A Dê ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: "Hàng ngày, việc nghe tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh của xã đã giúp tôi hiểu hơn về pháp luật giao thông, hôn nhân gia đình, có thêm kiến thức, kỹ năng phòng, chống với các loại tội phạm và hiểu rõ hơn về những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS”.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL trong đồng bào DTTS, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, như: đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp với đặc điểm, phong tục tập quán của đồng bào DTTS; tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền PBGDPL; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, người có uy tín trong đồng bào DTTS trong công tác tuyên truyền PBGDPL; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tuyên truyền PBGDPL…
Hồng Oanh