Phổ biến nhất của các đối tượng là tặng quà, hiện vật. Đầu tiên, các đối tượng nói rằng gửi tiền về Việt Nam với lý do để cảm ơn vì bạn đã làm cho họ một điều gì đó hoặc với lý do sẽ về Việt Nam để cùng bạn gây dựng cuộc sống mới, hoặc các trường hợp tặng quà từ nước ngoài về Việt Nam xem như quà làm quen, quà ra mắt…
Sau đó, sẽ có một số điện thoại gọi điện và thông báo với bạn rằng: Bạn có một bưu phẩm đang chờ, vui lòng bấm phím… thì cuối cùng vẫn là yêu cầu bạn thanh toán chi phí vận chuyển. Lúc này, nếu bạn thanh toán chi phí vận chuyển thì bạn sẽ mất số tiền đó.
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo thường gửi tin nhắn cho người dùng trên messenger facebook với nội dung: Tập đoàn Facebook tại Mỹ ủy nhiệm cho Facebook tại Việt Nam thông báo bạn đã trúng thưởng, giải thưởng bao gồm một xe máy SH Việt Nam, phiếu quà tặng tiền mặt 20 triệu đồng…
Sau đó, yêu cầu người dùng muốn nhận giải thưởng thì đóng thuế hoặc yêu cầu người dùng lên Google và gõ một từ khóa nào đó và nhập mã hoặc truy cập theo đường link… Các bạn tuyệt đối không nên làm theo để tránh bị ăn cắp thông tin, cài phần mềm mã độc vào điện thoại.
Một hình thức lừa đảo thông qua tặng quà tri ân nhân ngày kỷ niệm thành lập công ty, hoặc nhân dịp lễ tết nào đó trị giá từ 2 - 3 triệu đồng. Sau đó, yêu cầu người dùng phải thanh toán tiền vận chuyển khoảng 100.000 – 200.000 đồng. Sau đó, chắc chắn, bạn sẽ nhận được món quà này nhưng giá trị thực tế của những món hàng đó khi mua chỉ dao động từ 20.000 - 30.000 đồng nhưng lại được bán "giá ship” lên đến 200.000 đồng.
Hoặc các trường hợp tri ân tặng xe máy, tặng laptop, tặng điện thoại… nhưng người dùng phải thanh toán thuế trị giá khoảng 5 - 10 triệu đồng để công ty lập hồ sơ chuyển hàng… Lúc này, bạn thanh toán thì chắc chắn sẽ bị mất. Nếu để kiểm tra chắc chắn mình có trúng thưởng những quà tặng có giá trị cao hay không, các bạn cần liên hệ trực tiếp đến công ty đó hỏi sẽ rõ.
Một loại lừa đảo khác là mua bán vật dụng. Thanh lý xe hải quan giá rẻ cũng là một trong những hình thức lừa đảo phổ biến. Chiêu thức cũ nhưng nhiều người vẫn bị lừa đảo.
Thông thường, các đối tượng này sẽ chụp những mẫu xe mới ra mắt đang hot trên thị trường, sau đó quảng cáo xe này là xe do công an thu giữ được của các đối tượng vi phạm, nhập khẩu xe trốn thuế từ cửa khẩu Campuchia về và đã bị thu giữ, bán với mức giá rất rẻ và yêu cầu khách hàng phải đặt tiền cọc để giao xe. Sau khi thanh toán tiền cọc, hầu như sẽ không nhận được xe, bên cạnh đó còn bị người bán chặn số và lặn mất tăm.
Thời gian qua, còn có vô số quảng cáo thiết bị, con chip siêu nhỏ có chức năng đọc trộm tin nhắn zalo, messenger của người khác, định vị và nghe lén trên điện thoại người khác với mức giá thường dao động từ 1.200.000 - 8.000.000 đồng/thiết bị.
Đây là hình thức lừa đảo đánh vào tâm lý của những người muốn theo dõi vợ, chồng, người yêu ngoại tình. Thực chất, hoàn toàn không có những loại thiết bị đó, các thiết bị đó chỉ là những loại thiết bị điện tử thông thường, hoàn toàn không có chức năng nghe lén, định vị hay đọc trộm tin nhắn của người khác. Hình thức bán sim số đẹp giá rẻ cũng là một chiêu thức lừa đảo trên facebook phổ biến và tinh vi.
Lợi dụng sự yêu thích sim số đẹp của nhiều người, các đối tượng này thường quảng cáo bán sim số đẹp (thường là sim tứ quý 2222, 6666, 8888, 9999, sim lộc phát 68686, sim thần tài 79797….) với mức giá rất thấp, sau đó người mua sẽ được nhận sim nhưng khi mở lên thì sim đang bị khóa. Lúc này, các đối tượng lừa đảo trên mạng sẽ yêu cầu khách hàng thanh toán tiền thì sẽ mở khóa sim để hoạt động, sau đó người bị hại sẽ chuyển tiền theo yêu cầu nhưng khi chuyển tiền thì sim chẳng được mở mà tiền cũng bị mất.
Tuyển cộng tác viên, tạo việc làm với thu nhập cao không cần bằng cấp, thời gian linh hoạt cũng là những chiêu thức lừa đảo gần đây. Thường các đối tượng này đánh vào tâm lý của những phụ nữ nội trợ muốn kiếm thêm thu nhập… Tuy nhiên, trước khi nhận hàng, các cửa hàng này thường yêu cầu phải thanh toán tiền cọc nhận hàng, sau khi chuyển tiền sẽ chặn facebook, khóa zalo, chặn số điện thoại… và mất khoản tiền cọc sản phẩm đó.
Tương tự như vậy, các đối tượng lừa đảo cũng sẽ cho nhân viên mời chào làm cộng tác viên bán hàng online với hoa hồng cao, bằng cách hướng dẫn bạn chỉ cần đăng bài lên trang cá nhân để bán. Sau khi bạn đăng sản phẩm lên sẽ có người bình luận và mua hàng…
Bạn cũng sẽ bán được hàng thật với giá trị lời thật. Tuy nhiên, sau đó bạn đặt hàng với tổng đại lý lô hàng lớn thì lúc này bạn phải thanh toán 100% số tiền lô hàng đó, sau đó bạn mua về và đăng lên bán thì không có ai vào hỏi mua nữa vì họ đã bán được hàng và ngó lơ bạn. Lúc này, bạn tồn kho một đống hàng và rất khó bán, thường là những sản phẩm không có thương hiệu, giá cao nên khó bán…
Một phương thức khác là bán số lô đề, cam kết trúng thưởng, kẻ xấu quảng cáo bán số lô đề, cam kết trúng thưởng 100%. Để tạo lòng tin, các đối tượng này thường chụp ảnh màn hình những người khác đã mua số và đã trúng thưởng. Nhưng chỉ cần suy xét kỹ sẽ thấy rằng, nếu như cam kết chắc chắn sẽ trúng thì chính bản thân họ sẽ là người chơi đầu tiên, sau đó mới đến lượt người thân, bạn bè của họ giàu, cơ hội dễ kiếm ra tiền như vậy không đến lượt bạn.
Một hình thức mới xuất hiện gần đây là bán tiền giả, nhận tiền cọc trước. Đối tượng lừa đảo bằng hình thức bán tiền giả sẽ tạm ứng tiền đặt cọc và bạn sẽ chắc chắn mất khoản tiền đặt cọc đó. Người dân cần hiểu rõ hành vi mua bán tiền giả là vi phạm pháp luật. Do vậy, nếu bị lừa thì nạn nhân cũng không biết trình báo ở đâu để đòi lại tiền.
Vì sao nhiều người vẫn bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt tiền bạc thông qua mạng xã hội? Câu trả lời là họ nhẹ dạ, cả tin, thấy cái lợi ở ngay trước mắt mà bỏ qua những lời cảnh báo, những kiến thức pháp luật từ các cơ quan chức năng… dù đã thuộc lòng câu nói "Có làm thì mới có ăn/ Không dưng ai dễ mang phần đến cho”.
Tấn Đạt