Chúng tôi làm phóng sự
- Cập nhật: Thứ bảy, 16/6/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tháng tư là tháng nông nhàn, giáp hạt, nông dân ở miền Tây lúc này không thể ngồi nhà chờ lúa chín, bà con đua nhau lên rừng "cửu" thuê gỗ pơ mu cho các đầu nậu ở Văn Chấn và Nghĩa Lộ.
Tháng tư năm 2006, tôi và anh Quốc Khánh hẹn nhau đi miền Tây. Một ngày đi lang bang nắm tình hình, chúng tôi được biết, cứ sáng sớm, bà con nông dân từng đoàn kéo lên rừng Tà Xi Láng, Làng Nhì, Túc Đán (Trạm Tấu), Gia Hội, Nậm Búng (Văn Chấn) để "cửu" gỗ pơ mu cho đầu nậu, đông như công nhân lâm trường đi khai thác gỗ! Chúng tôi chủ động nắm tình hình, chi tiết, địa điểm, tên tuổi các đầu nậu, các cai gỗ nhỏ…rồi liên hệ với lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Văn Chấn đề nghị cho đi tuần tra cùng và lời đề nghị được chấp thuận.
Như đã hẹn, tối hôm đó chúng tôi rời thị xã Nghĩa Lộ lên Trạm phúc kiểm lâm sản Bản Giõng (xã Sơn A). Đúng 22 giờ đêm, tôi thay cuộn phim mới vào máy ảnh, còn anh em cán bộ kiểm lâm chuẩn bị súng và một số dụng cụ cần thiết lên xe U-oát thẳng hướng Gia Hội, Nậm Búng, tiến. Anh Quốc Khánh ở lại Trạm. Đường lên Gia Hội, Nậm Búng giữa đêm vắng vẻ, chỉ nghe thấy tiếng côn trùng kêu rả rích, thỉnh thoảng mới gặp một vài đôi bạn trẻ người Dao tâm tình bên những thửa ruộng. Chiếc xe U-oát ì ạch leo dốc, đến Gia Hội, Nậm Búng, rồi giáp Tú Lệ nhưng chẳng thấy chiếc xe Minsk hay con ngựa thồ nào chở gỗ pơ mu như thông tin chúng tôi được biết trước khi đi. Thấy tôi thở dài, một cán bộ kiểm lâm nói: “Dạo này yên ắng lắm, chẳng có gì đâu, thôi quay đầu về nghỉ thôi, muộn rồi!”. Chiếc xe U- oát quay đầu trở về Trạm, lúc này khoảng hơn 2 giờ sáng. Xe vừa đỗ, anh Quốc Khánh lao từ Trạm ra đón, mặt tưng tửng như đã biết tỏng sự việc. Chúng tôi chia tay anh em ở Trạm Bản Giõng để quay về nhà khách UBND nghỉ. Cả đêm hôm đó gần như thức trắng, chúng tôi hút thuốc và nhai bánh “mỳ mõ” nghĩ cách làm sao tiếp cận với lâm tặc, chụp ảnh, ghi âm, quay hình để có chứng cứ thuyết phục cho bài viết.
Ngày hôm sau, chúng tôi chọn tuyến đường từ trung tâm huyện Văn Chấn lên xã Tà Xi Láng, Làng Nhì (Trạm Tấu) để "săn cửu" pơ mu. Lặng lẽ, 15h00-thời gian mà "cửu" bắt đầu tập kết gỗ - chúng tôi có mặt tại Suối Xuân, khu Thác Hoa I, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ. Một “chợ gỗ” pơ mu hiện ra trước mắt chúng tôi, “cửu” gỗ và đầu nậu mua bán, thu gom công khai, sôi động. Nhưng chúng tôi không thể chụp được ảnh vì chiếc máy ảnh kềng càng, đen sì, giơ lên thì cả làng đều biết, chụp thì sẽ xảy ra xô xát với đầu nậu và cửu ngay. Chúng tôi giấu máy ảnh rồi tiếp cận, trò chuyện, bí mật ghi âm câu chuyện và nhân chứng là các cửu vạn và đầu nậu.
Ngay chiều đó, chúng tôi thông tin cho Minh Quang ở toà soạn, đề nghị gửi gấp một máy đặc chủng vào cho nhóm công tác. 7h00 tối, chiếc máy đã có mặt trên bàn làm việc. Đó là chiếc máy có thể chụp ảnh, quay phim, ghi âm một cách tuyệt hảo nhất. Đêm hôm đó, anh em chúng tôi lại nhai bánh mỳ, hút thuốc nghĩ kế chụp ảnh, quay phim làm sao để cửu và đầu nậu không phát hiện ra. Trằn trọc mãi, tôi nghĩ ra cách đóng giả công nhân giao thông khảo sát đường. Tôi đưa ý định, anh Quốc Khánh chấp nhận ngay và gọi điện nhờ người quen giúp đỡ.
15h00 hôm sau, chúng tôi có đủ quần áo, chân đạc, mia… trong vai những người khảo sát đường hai anh em bắt đầu nhập cuộc. Trời đầu hè thật oi bức, tôi cầm cây mia chạy khắp vườn chè theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc theo "lệnh" của anh Quốc Khánh để anh ngắm nghía. Đo mãi, ngắm mãi, chai nước giải khát 1,25 lít cũng cạn khô, anh em tôi tìm một bóng cây muồng trên đồi chè ngồi nghỉ. Thật không may, tôi bị bọ ngứa ở chè bò vào cổ ngứa sẩn khắp người và mặt, tức không chịu được. Anh Khánh động viên: "Chú cố gắng, để anh chụp ảnh, quay phim xong, anh sẽ chiêu đãi tắm nước mát…suối Thia, ăn cá suối!". Đúng lúc anh em đùa nhau, thì từng đoàn "cửu" xuất hiện. Gỗ, 100% là pơ mu ngất ngưởng trên xe thồ, trên vai, trên xe đẩy tập kết về bến và từ đó toả đi khắp các ngõ ngách. Tôi bật dậy cầm cây mia tiến thẳng về ngôi nhà gần cầu treo ( Suối Xuân), tiếp cận với “cửu”, với đầu nậu để anh Quốc Khánh tha hồ quát (dĩ nhiên là quát giả), bấm máy ghi hình. Sau khi đã quay được hình, chụp được những bức ảnh quý giá đó, chúng tôi tiếp tục “đo đường” qua cầu treo Suối Hoa mới quay về để tránh sự nghi ngờ của cửu vạn và đầu nậu, nếu để lộ sẽ nguy hiểm vì lâm tặc rất đông và hung hãn…
Sau gần ba ngày, chúng tôi đã có được những chi tiết đắt giá và những bức ảnh, thước phim “đắt” cho bài phóng sự: “Về miền Tây xem bắt gỗ” - bài báo khi đăng đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lấy làm minh chứng khi làm việc với lãnh đạo một số huyện thị phía Tây, nơi tình trạng vi phạm tài nguyên rừng, buốn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép lâm sản đang diễn ra gay gắt. Bài báo đã được đồng nghiệp và dư luận hoan nghênh và đoạt giải A trong cuộc thi viết ký phóng sự, của Báo Yên Bái, giải A Giải Báo chí Yên Bái.
Minh Hằng
Các tin khác
YBĐT - Vừa qua, hội thi "Cảnh sát điều tra giỏi về tội phạm ma túy" năm 2007 khu vực phía Bắc đã được tổ chức tại tỉnh Yên Bái. Tham dự hội thi lần này có 25 đội đến từ 25 tỉnh, thành phố phía Bắc. Các đội sẽ lần lượt tham gia 3 phần thi: Tiểu phẩm, trả lời câu hỏi tình huống và hùng biện theo thứ tự bốc thăm.
YBĐT - Thực hiện quy định của Luật khiếu nại, tố cáo về việc tiếp công dân hàng tháng, ngày 15/6 tại Văn phòng UBND tỉnh đồng chí Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi tiếp công dân theo định kỳ.
YBĐT - Nghĩa An là xã thuần nông thuộc thị xã Nghĩa Lộ, với 565 hộ gồm 5 dân tộc anh em cùng sinh sống: Thái, Mường, Tày, Hoa, Kinh, ở 8 thôn bản. Vào thời điểm những năm 1990, trên địa bàn xã (theo số liệu thống kê chưa đầy đủ) đã có tới 10 tụ điểm buôn bán ma tuý, 22 người lập bàn đèn và có hàng trăm người thường xuyên sử dụng ma tuý,10 người đã chết do nghiện ma tuý.
YBĐT - Căn nhà cấp 4 nóng như nung, không đèn, không quạt mát - đó là nơi nghỉ nhờ của giáo viên và cũng là nơi làm việc nhờ của hiệu trưởng. Tiếp chúng tôi, cô giáo Phùng Thị Sâm - Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Lập, huyện Lục Yên trên mặt ướt đẫm mồ hôi, tay phe phẩy quyển vở thay quạt, nói: “Khổ thân cho bọn trẻ quá! Năm học thứ 3 kể từ khi tách trường rồi mà trường thiếu thốn đủ bề. Chúng tôi bám trụ được cũng là do cái tâm với sự nghiệp trồng người!”.