Tản mạn một kỳ thi
- Cập nhật: Thứ bảy, 16/6/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hai hôm nay, khi đi làm thi về, tôi cứ bần thần cả người. Các chủ tịch hội đồng thi chia sẻ tâm trạng này với nhau. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2007 đã kết thúc thắng lợi. Tất cả nhân dân, phụ huynh, học sinh và đặc biệt là các cán bộ, giáo viên đi làm thi về đều có chung một nhận xét: kỳ thi năm nay đã diễn ra nghiêm túc, cả thầy và trò đều coi thi và làm bài thi đúng quy chế, trong phòng thi không có tài liệu, học sinh không thể gian lận, quay cóp.
Giờ học môn Ngoại ngữ của thầy trò Trường THCS Nậm Búng (Văn Chấn).
(Ảnh:
Pa Ri)
|
Hai hôm nay, khi đi làm thi về, tôi cứ bần thần cả người. Các chủ tịch hội đồng thi chia sẻ tâm trạng này với nhau. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2007 đã kết thúc thắng lợi. Tất cả nhân dân, phụ huynh, học sinh và đặc biệt là các cán bộ, giáo viên đi làm thi về đều có chung một nhận xét: kỳ thi năm nay đã diễn ra nghiêm túc, cả thầy và trò đều coi thi và làm bài thi đúng quy chế, trong phòng thi không có tài liệu, học sinh không thể gian lận, quay cóp. Giám thị coi thi chỉ hơi căng thẳng vì không khí và nghiệp vụ làm thi nhiều công đoạn, nhưng lại thanh thản vì đã được làm cái điều mà nhiều năm dạy học mơ ước được làm và đã làm được. Đã giải thoát được những sức ép vô hình về tỷ lệ tốt nghiệp, về thi đua của những năm về trước.
Tuy nhiên, tất cả lại đều có chung một nỗi lòng là thương học sinh. Thương lắm! Thương đến quặn lòng. Nhìn các em khi được phát đề không viết được một chữ nào, hết giờ làm bài mà cũng chỉ viết được mươi dòng, thậm chí có em bỏ giấy trắng hoàn toàn. Có em đến gần hết giờ làm bài vẫn chỉ hí hoáy viết vài dòng vào giấy nháp, còn tờ giấy thi bỏ trắng vì biết chắc không ăn nhập gì với câu hỏi trong đề thi. Thương mà chịu, quy chế thi và thái độ làm thi nghiêm túc đã không cho phép các em chép bài từ tài liệu, từ phao, từ nhìn bài của bạn.
Các môn thi trắc nghiệm thì các em cố gắng tô hết các phương án trả lời chẳng biết đúng sai ra sao. "Cô giáo em bảo thế" và các em làm đúng như vậy, thậm chí có em còn tô vượt quá số câu quy định mà câu hỏi cần phải trả lời! Khi thi các môn tự luận thì có em gục mặt xuống bàn; không làm được bài, có em hí hoáy vẽ hình người, cảnh vật, thậm chí có em làm cả... thơ! Có bài làm là bài thơ rất chân tình của một học sinh. Bài thơ diễn đạt về sự ân hận của mình không chịu học hành, không có điều kiện học hành, các thầy cô lớp dưới vì thương mà cứ cho lên lớp. Về nhà công việc lại nhiều, làm nương, lấy củi... không có thời gian học bài, kiến thức chẳng có gì trong đầu, và cũng chẳng làm bài tập ở nhà bao giờ, học được chút nào trên lớp thì học. Thương các em lặn lội đường xa, leo đèo lội suối, thậm chí nhiều học sinh phải ở trọ để theo học, bây giờ không làm được bài thi, các em không trách giám thị coi thi nghiêm túc, các thầy cô giáo nhà trường cũng đã truyền đạt quy chế với các em rồi; cũng không trách các thầy cô ở trường, vì các thầy các cô cũng đã tận tâm tận lực giải bài cho rồi, chỉ có "chúng em không nhớ và không hiểu được bài thôi", nên bây giờ mới không làm được bài.
Cuộc thi tốt nghiệp THPT năm nay, giống như một đợt tổng tiến công của cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục". Chúng ta đã làm một cuộc "đại phẫu" để có được một nền giáo dục trung thực, để thấy thực chất trong đó những vấn đề nan giải cho bài toán giáo dục ngày hôm nay và cả ngày mai. Và chính vì lý do đó mà năm ngoái như các em là có thể đỗ và cầm trong tay mảnh bằng tốt nghiệp phổ thông dù có thể chẳng biết làm gì, nhưng cũng thỏa nguyện mẹ cha suốt đời lam lũ và hi vọng một cách mong manh về tương lai của con mình.
Năm nay thì khác rồi. Nhìn các em làm bài thi một cách chật vật, sơ sài và chẳng hiểu được bao nhiêu phần trăm đề thi; nhìn các em học sinh vùng sâu, vùng xa, hiền lành và cần mẫn đi học, nhưng lại không hiểu được bài, không làm được bài, chúng ta thấy mình có lỗi lớn lắm. Nhìn ánh mắt buồn bã và thậm chí tuyệt vọng của các em, tôi thấy mình xót xa. Chính vì chúng ta đã có tình thương không đúng mà để các em ra nông nỗi này ngày hôm nay. Sẽ có nhiều em không vượt qua được thử thách này. Nhưng nếu không hi sinh như vậy, không dũng cảm như vậy thì biết đến bao giờ mới có thể đưa nền giáo dục tiến lên. Các em không đỗ nhưng chí ít các em cũng ngẫm ra một điều rằng: chưa có đủ kiến thức, mình có thể chậm một năm, thậm chí hai năm thì sẽ học được vững chắc hơn, tự tin để làm bài hơn, không ngơ ngác khi cầm tờ đề và không thể miêu tả cây xà nu của Tây Nguyên là cây đước, cây bần ở vùng Năm Căn mà có bạn đã nhìn thấy trên ti vi "cắm rễ xuống bùn như những vòi bạch tuộc" trong bài thi năm trước các bạn em đã viết. Các thầy các cô cũng phải suy nghĩ nghiêm túc hơn: Phải để các em ngồi đúng lớp!
Nhiều năm rồi, chúng ta vì nhiều lý do mà đã không làm như vậy, để bây giờ nhìn thấy một bài văn các em viết trong hai tiếng rưỡi được dăm bảy dòng, chính tả sai be bét. Sử cũng vậy. Thầy cô cũng muốn dạy tốt lắm chứ, cũng tâm huyết lắm chứ, cũng soạn bài kỹ càng lắm chứ, nhưng khi lên lớp nhiều em kém quá nên những lời cô giảng đều trở nên vô nghĩa, vì một nửa số đó là không hiểu gì. Đến cả môn Văn, môn Sử còn thế đừng nói gì đến đạo hàm, tích phân của Toán; những định luật, công thức phức tạp của Lý, của Hóa. Cha mẹ các em cũng hiểu ra: không thể bắt các em học lên cao khi trí tuệ và điều kiện các em không thể, có thể tìm cho em một hướng khác để vào đời, học một lớp nghề cơ bản như trồng rừng, chăn nuôi, trồng lúa... để phục vụ bản làng của mình. Cái kinh phí chừng ấy của Đảng và Chính phủ trợ cấp cho học sinh vùng cao học bậc THPT mà để mở những lớp học nghề ngắn hạn thì chắc là thiết thực với các em, với gia đình và bản làng các em hơn. Chỉ có thể chọn lựa kỹ càng hơn những học sinh có năng lực thực sự để học lên cao, như thế mới đỡ lãng phí tiền của, công sức của người dân, của người học và của Nhà nước. Số khác phải được chọn học nghề cho phù hợp với điều kiện địa phương.
Thương con, hy vọng vào tương lai của con nên cho con đi học đường xa và dĩ nhiên cũng tỉnh ra khi nhìn vào thực tế này, từ ước mơ đến thực tế là quá xa vời! Xã hội cũng vậy. Nhân dân nhiều ngày nay đâu đâu cũng râm ran chuyện thi cử và tỷ lệ đỗ, trượt. Nhưng tất cả đều đồng thuận, đều muốn ngành giáo dục quyết tâm làm tốt hơn nữa, không phải chỉ trong thi tốt nghiệp mà cả ở việc dạy, việc xếp loại học sinh hàng kỳ, hàng năm của mỗi nhà trường. Họ chấp nhận con em có thể ở lại lớp, được lên lớp nhưng phải thực chất. Họ thấy cái được là từ nhận thức: giáo dục cứ không phải có nhiều lớp mới là mạnh. Đảng ta coi trọng giáo dục, coi giáo dục là quốc sách, nhưng không phải ai cũng có thể học được lên cao. Đành rằng chúng ta cũng biết Đảng, Nhà nước và cả xã hội đang hết sức cố gắng để đưa giáo dục vùng cao, vùng xa tiến kịp với vùng phát triển, thực hiện bình đẳng trong giáo dục, nhưng cũng lại biết rằng không phải một sớm một chiều.
Qua cuộc thi, cũng chưa thể nói tỷ lệ bao nhiêu, nhưng chắc chắn, con số đỗ sẽ thấp hơn năm trước. Đỗ thấp nhưng điều lớn lao hơn mà chúng ta có được là ngành giáo dục sẽ lấy lại được niềm tin ở người dân và xã hội, cũng là lên tiếng cảnh báo để cho mọi cấp học, ngành học phải có thái độ đúng đắn hơn nữa khi tiến hành đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước, phải lấy chất lượng giáo dục đích thực để phát triển giáo dục. Nhiều hôm nay trên mạng, có nhiều người lên tiếng cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân và khẳng định sự đúng đắn cũng như quyết tâm của ngành giáo dục trong chỉ đạo thi cử. Cá nhân tôi cũng nói thêm: Cảm ơn Bộ trưởng và tôi ủng hộ Bộ trưởng, mặc dù tôi vẫn nói: "Thương lắm các em học sinh vùng cao, vùng xa, vùng khó khăn!".
Thạc sĩ Nguyễn Vĩnh Truyền
Các tin khác
YBĐT - Tháng tư là tháng nông nhàn, giáp hạt, nông dân ở miền Tây lúc này không thể ngồi nhà chờ lúa chín, bà con đua nhau lên rừng "cửu" thuê gỗ pơ mu cho các đầu nậu ở Văn Chấn và Nghĩa Lộ.
YBĐT - Vừa qua, hội thi "Cảnh sát điều tra giỏi về tội phạm ma túy" năm 2007 khu vực phía Bắc đã được tổ chức tại tỉnh Yên Bái. Tham dự hội thi lần này có 25 đội đến từ 25 tỉnh, thành phố phía Bắc. Các đội sẽ lần lượt tham gia 3 phần thi: Tiểu phẩm, trả lời câu hỏi tình huống và hùng biện theo thứ tự bốc thăm.
YBĐT - Thực hiện quy định của Luật khiếu nại, tố cáo về việc tiếp công dân hàng tháng, ngày 15/6 tại Văn phòng UBND tỉnh đồng chí Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi tiếp công dân theo định kỳ.
YBĐT - Nghĩa An là xã thuần nông thuộc thị xã Nghĩa Lộ, với 565 hộ gồm 5 dân tộc anh em cùng sinh sống: Thái, Mường, Tày, Hoa, Kinh, ở 8 thôn bản. Vào thời điểm những năm 1990, trên địa bàn xã (theo số liệu thống kê chưa đầy đủ) đã có tới 10 tụ điểm buôn bán ma tuý, 22 người lập bàn đèn và có hàng trăm người thường xuyên sử dụng ma tuý,10 người đã chết do nghiện ma tuý.